Sau 1 năm bị chó cắn, người đàn ông tử vong: Vậy bao lâu thì phát bệnh?

Người đàn ông ở Cà Mau bị chó nhà cắn vào chân từ 1 năm trước nhưng chủ quan không tiêm phòng. Tới khi co giật, nôn ói, tự xé quần áo, gia đình đưa đi viện mới biết ông bị phát bệnh dại không thể qua khỏi.
6:08 | 15/09/2019

Chó cắn 1 năm mới phát bệnh dại

 
Ngày 14/9, ông Châu Minh Đảm, Phó Chủ tịch xã Khánh Hội (huyện U Minh, Cà Mau) xác nhận, trên địa bàn vừa có người đàn ông tử vong, dương tính với bệnh dại. Cách đây 4 ngày, ông N. V. Đ có các biểu hiện co giật, nôn ói, sợ tiếp xúc ánh sáng, tự xé quần áo… nên được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau điều trị.
 
Ông chủ tử vong sau 1 năm bị chó nhà cắn: Bị chó dại cắn bao lâu thì phát bệnh?
Ảnh minh họa

Bệnh tình nặng nên ông Đ. tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Nhiệt Đới (TP.HCM) điều trị. Tại đây, kết quả xét nghiệm bệnh phẩm cho kết quả ông Đ. dương tính với bệnh dại, tiên lượng tử vong. Sau hai ngày nhập viện điều trị, ngày 13/9 ông Đ tử vong.

Được biết, gia đình ông N.V.Đ có nuôi chó, ông từng bị chó cắn gây thương tích ở chân cách đây 1 năm. Tuy nhiên, vì chủ quan nghĩ rằng chó nhà an toàn nên ông không đi tiêm ngừa vắc xin bệnh dại.

Đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp phát bệnh dại sau nhiều tháng thậm chí cả năm bị chó cắn. Thực tế, không ít trường hợp bị chó cắn nhưng chủ quan vì vết thương nhỏ hoặc nghĩ rằng chó nhà là lành nên không tiêm vắc xin dẫn tới hậu quả đáng tiếc. Việt Nam từng ghi nhận một trẻ em bị chó cắn ở trong nước nhưng 5 năm sau di cư sang Úc mới phát bệnh.

Bị chó dại cắn bao lâu thì phát bệnh


Theo BS. Nguyễn Trung Cấp - khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh dại có đặc điểm ủ bệnh, phát hiện rất muộn. Thời gian từ khi bị chó cắn tới khi phát bệnh dại trung bình là 3-6 tháng, cá biệt có những ca phát bệnh sớm hoặc muộn sau nhiều năm trời tùy thuộc vào số lượng và mức độ tổn thương.

Một yếu tố khác tác động lớn tới thời gian ủ bệnh là vị trí vết thương bị chó cắn. Nếu vị trí bị chó cắn càng gần hệ thần kinh trung ương (đầu) thì thời gian phát bệnh càng nhanh. Nếu vết thương ở càng xa đầu như chân, cẳng chân... thì thời gian ủ bệnh có thể lâu hơn.
 
Ông chủ tử vong sau 1 năm bị chó nhà cắn: Bị chó dại cắn bao lâu thì phát bệnh?
Nhiều người bị cắn nhưng chủ quan vì nghĩ chó nhà lành nên không đi tiêm phòng 

Một số trường hợp khởi phát dại khi vết thương đã liền da, không còn dấu vết gì của chó cắn, thậm chí người ta đã quên mất việc từng bị chó cắn.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, khi bị chó cắn cần rửa ngay vết thương với xà phòng, dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Rửa vết thương thật kỹ với cồn 70% hoặc cồn iod để hạn chế sự lây nhiễm của virus dại.

Kể từ sau khi bị chó cắn, bệnh nhân cần được tiêm vắc xin phòng dại càng sớm càng tốt để cho hiệu quả phòng bệnh cao nhất. Đặc biệt, khi vị trí cắn ở chỗ nguy hiểm gần thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ… thì càng cần tiêm vắc xin sớm nhất có thể.

Thậm chí, những người thường đi du lịch hay phải đi công tác vào các bản làng vùng sâu, vùng xa có thể tiêm vắc xin phòng bệnh dại dù chưa bị chó cắn để tránh trường hợp điều kiện nơi ở không cho phép, mất thời gian di chuyển tới cơ sở y tế nhưng không có vắc xin.

Một khi bệnh nhân đã phát cơn dại, chắc chắn không qua khỏi, vì vậy khuyến cáo người dân chủ động tiêm phòng cho chó mèo, vật nuôi trong nhà. Khi bị chó mèo cào, cắn tuyệt đối không chủ quan mà cần tiêm phòng vắc xin càng sớm càng tốt.
 
[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2019/09/14/tu-vong-sau-3-thang-bi-cho-can_14092019220439.mp4[/presscloud]
Tử vong sau 3 tháng bị chó cắn. Video: VTC14
 
 
Hà Ly (t/h)

comment Bình luận