Những điều cha mẹ cần lưu ý khi trẻ bị ho

Mùa lạnh trẻ thường dễ bị ho, các bệnh lý viêm đường hô hấp ở trẻ tăng cao. Do đó, cha mẹ cần biết những lưu ý để bảo vệ và chăm sóc cho trẻ đúng cách.
14:42 | 14/12/2023

Tuyệt đối không tự dùng thuốc ho cho trẻ

Ho là một biểu hiện thường gặp ở trẻ, đây là một triệu chứng của rất nhiều bệnh. Ho cũng là triệu chứng của nhiều nguyên nhân gồm: Hô hấp; tim mạch (suy tim trái); tiêu hóa (do trào ngược dạ dày thực quản); tác dụng phụ của thuốc; tâm lý,… Về phân loại có ho khan và ho có đờm. Trong đó ho khan là ho không có đờm do viêm mũi họng, viêm amidan, viêm tai giữa, nhiễm siêu vi hay trẻ hít phải tác nhân gây kích ứng (khói thuốc lá, phấn hoa, mùi khó chịu,…).

Khi trẻ bị ho, nhiều cha mẹ hay cho trẻ uống một số thuốc theo dân gian như: Lá hẹ, hoa hồng bạch, đường phèn, mật ong, chanh,… và kết quả sẽ diễn ra theo hai chiều hướng, một số trẻ giảm dần ho rồi hết, nhưng ngược lại, một số trẻ ho nặng lên, ho nhiều đờm, sốt, khò khè,… và lúc này khi đi khám thì tình trạng đã nặng, thậm chí rất nặng và dẫn đến một số biến chứng như viêm tai giữa, viêm thanh, khí, phế quản, phổi hoặc tự ý mua thuốc kháng sinh cho trẻ uống khi không có chỉ định của bác sĩ, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán chính xác.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Theo dõi trẻ ho khi nào cần nhập viện

Khi trẻ bị ho, cha mẹ cần theo dõi mức độ ho của trẻ; nếu trẻ ho dưới 3 tuần được xem là ho cấp tính; từ 3 - 8 tuần là ho bán cấp tính; trên 8 tuần trở lên là ho mạn tính.

Cha mẹ cần cho trẻ tới ngay các cơ sở y tế để có sự hỗ trợ của bác sĩ trong các trường hợp:

- Trẻ ho sâu, tiếng ho cảm nhận từ lồng ngực, trẻ mệt nhiều, ho ảnh hưởng tới ăn uống và giấc ngủ… để tìm nguyên nhân, mức độ nặng của bệnh, xác định hướng điều trị, vì đây là một trong những biểu hiện diễn biến nặng của bệnh, có thể trẻ đã bị viêm mũi xoang, viêm phổi, viêm phế quản, trào ngược dạ dày - thực quản.

- Ho kèm sốt.

- Ho kèm nôn trớ.

Bảo vệ và chăm sóc trẻ bị ho đúng cách

Giữ ấm cho trẻ: Vào mùa lạnh cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ, đặc biệt khi nhiệt độ hạ thấp nhất trong ngày là sáng sớm và tối. Nên cho trẻ đeo khăn quàng để bảo vệ vùng cổ và ngực, không cho trẻ ăn đồ lạnh và hạn chế tắm muộn để tránh trẻ bị cảm lạnh.

Vệ sinh mũi họng cho trẻ: Với những trẻ bắt đầu ho, cha mẹ cần thường xuyên sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi và họng cho trẻ. Điều này làm giảm tình trạng nhiễm khuẩn ở trẻ hiệu quả.

Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho trẻ:  Việc bổ sung chế độ dinh dưỡng sẽ giúp cho trẻ tăng sức đề kháng va mau khỏi bệnh. Đặc biệt, cha mẹ nên chú ý bổ sung vitamin C, chất xơ thông qua các thực phẩm như cam, bưởi, dâu tây, ớt xanh,... Nên nấu cho trẻ các món ăn lỏng và nóng hổi như cháo, súp để tạo cảm giác ngon miệng và dễ ăn hơn.

Khi trẻ bị ho cần cho trẻ tuân thủ chế độ đơn thuốc, kiểm soát cách uống thuốc, liều thuốc. Khám lại theo đúng hẹn để bác sĩ xác định tình trạng bệnh của trẻ đã ổn định hẳn chưa, điều trị theo yêu cầu của bác sĩ cho đến khi khỏi hẳn, chứ không phải chỉ giảm triệu chứng.

Không cho trẻ ngủ một mình trong giai đoạn này, vì khi trẻ ngủ nếu bị ho dễ gây trào ngược, sặc vào đường thở,… Không cho trẻ đi chơi xa, đi chơi ở những nơi đông người như công viên, siêu thị,… vì lúc này cơ thể trẻ đang giảm sức đề kháng, rất dễ lây nhiễm bệnh từ cộng đồng.

Thụy Hợp

comment Bình luận