Những điều cần biết về bệnh lao

Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên. Lao phổi là thể lao phổ biến nhất, chiếm 80 - 85% tổng số ca bệnh và là nguồn lây chính cho người xung quanh. Theo báo cáo của Tổ chức thế giới (WHO) năm 2023, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất toàn cầu.
14:35 | 22/03/2024

Bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao đối với các trường hợp như: Người mắc bệnh HIV/AIDS, đái tháo đường, người đang hóa trị, xạ trị ung thư, trẻ nhỏ hoặc người già… Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác, vì vậy phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bệnh lao lây truyền qua con đường nào?

Lao phổi có thể dễ dàng lây từ người sang người bằng đường hô hấp. Người bị lây bệnh do hít phải không khí có chứa vi khuẩn lao, do người mắc lao giai đoạn tiến triển ho, khạc, hắt hơi ra môi trường.

Triệu chứng bệnh lao

Những người mắc bệnh lao thường có các biểu hiện điển hình gồm: Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm hoặc ho ra máu); đau ngực thỉnh thoảng khó thở; gầy sút, kém ăn, mệt mỏi; sốt nhẹ về chiều; đổ mồ hôi "trộm" ban đêm; nguyên tắc điều trị bệnh lao; người mắc bệnh lao cần tuân thủ điều trị: Đúng – Đủ – Đều 

Đúng: Đúng phác đồ, đúng liều lượng và đúng thuốc.

Đủ: Đủ thời gian từ 4 tháng đến 1 năm tùy theo loại phác đồ được bác sĩ chỉ định.

Đều: Phải uống thuốc đều đặn hàng ngày, người bệnh không được tự ý dừng thuốc hoặc bỏ thuốc

Các biến chứng do bệnh lao gây ra

Ở phổi: biến chứng do lao gây ra là suy hô hấp, tâm phế mãn, tràn khí màng phổi, tràn mủ màng phổi, giãn phế quản, giãn phế nang.

Ở não - màng não: gây liệt chi, liệt nửa người, động kinh, rối loạn tiền đình.

Ở xương khớp: hủy hoại xương khớp (cột sống, khớp háng, khớp gối...).

Để hạn chế các biến chứng do bệnh lao gây ra, ngay khi phát hiện ra mình có dấu hiệu nhiễm lao, người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và chẩn đoán chính xác. Việc điều trị lao phải được tiến hành càng sớm càng tốt và thuốc điều trị lao được Nhà nước cấp miễn phí.

Cách phòng chống bệnh lao trong cộng đồng

Để phòng chống bệnh lao có hiệu quả, ngay tháng đầu sau sinh, tất cả trẻ đều phải tiêm vắc - xin phòng lao (BCG) nhằm giúp ngăn ngừa mắc bệnh lao.

Mỗi người khi bị ho kéo dài hơn 02 tuần, cần đi khám, xét nghiệm đờm, chụp X-quang phổi để phát hiện bệnh lao.

Người bị bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh. Bệnh nhân lao không được khạc nhổ bừa bãi, tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 2 tháng đầu điều trị; cần phơi chăn, chiếu, vật dụng ra nắng mỗi ngày.

Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khoẻ, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý.

Phát hiện sớm người mắc bệnh lao điều trị kịp thời và đúng phác đồ để không còn khả năng lây bệnh cho người khác.

Mỹ Huyền

comment Bình luận