Dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh lao

Lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất, chiếm hơn 80% tổng số ca bệnh.
17:31 | 13/03/2024

Bệnh lao lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, thông qua các giọt bắn (nước bọt) khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói lớn tiếng. Bệnh lao có thể phòng và chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

Người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như: Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu), đây là triệu chứng nghi lao quan trọng nhất. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp một số triệu chứng khác như: sụt cân, kém ăn, mệt mỏi; sốt nhẹ về chiều; ra mồ hôi “trộm” ban đêm; đau ngực, đôi khi khó thở.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Để phòng chống bệnh lao có hiệu quả, ngay tháng đầu sau sinh, tất cả trẻ đều phải tiêm vắc xin phòng lao (BCG) nhằm giúp phòng bệnh lao.

Khi có những dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đi khám, xét nghiệm đờm, chụp X-quang phổi để phát hiện bệnh lao.

Người bị bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh. Bệnh nhân lao không được khạc nhổ bừa bãi, tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 2 tháng đầu điều trị; cần phơi mền, gối, vật dụng ra nắng mỗi ngày.

Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khoẻ, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý.

Phát hiện sớm người mắc bệnh lao điều trị kịp thời và đúng phác đồ để không còn khả năng lây bệnh cho cộng đồng.

Thanh Thanh

comment Bình luận