Nhiều trẻ nhập viện cấp cứu vì tự chế pháo

Trong hai tuần qua, khoa Bỏng – Chỉnh trực của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận ba trường hợp trẻ em bị thương nghiêm trọng do tự chế pháo.
20:50 | 18/12/2024

Trường hợp đầu tiên là bé Đ.S.R (sinh năm 2012, tỉnh Bình Phước), đã sử dụng bột từ que diêm để nhồi vào vòi ruột xe và gây nổ. Tai nạn khiến bàn tay trái của bé bị tổn thương nghiêm trọng, bao gồm dập nát mô cái, nhiều vết thương ở các ngón tay 1, 2, 3 và gãy hở xương bàn ngón 2. Bé đã được các bác sĩ phẫu thuật cấp cứu ngay khi nhập viện.

Trường hợp thứ hai, bé A.T.V (sinh năm 2012, tỉnh Gia Lai) nhập viện trong tình trạng bỏng độ 2, chiếm 35% diện tích cơ thể. Vết thương tập trung tại mặt, ngực, cánh tay, đùi và chân, do pháo tự chế phát nổ.

Trường hợp thứ ba, bé H.K.B (trú tại Lâm Đồng) nhập viện đã một tuần. Theo thông tin từ gia đình, anh trai của bé (16 tuổi) tự chế pháo. Trong lúc bé cùng bạn chơi pháo, khi pháo chuẩn bị phát nổ, cả hai anh em cố gắng chạy thoát, nhưng bé B. không kịp chạy và bị bỏng.

Nhiều trẻ nhập viện cấp cứu vì tự chế pháo (Ảnh: BVCC)

Nhiều trẻ nhập viện cấp cứu vì tự chế pháo (Ảnh: BVCC)

Hằng năm tại Bệnh viện Nhi đồng 2 thường xuyên tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi liên quan đến pháo nổ, nhất là trong các dịp lễ, Tết. BS.CK1 Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Phó khoa Bỏng – Chỉnh trực, nhấn mạnh phụ huynh và nhà trường cần đặc biệt lưu ý, thường xuyên nhắc nhở trẻ không chơi pháo, không tự ý pha trộn hóa chất hoặc sử dụng các vật liệu dễ cháy nổ để chế pháo.

Hậu quả của việc tự chế pháo không chỉ gây thương tích nghiêm trọng, mà còn để lại nguy cơ tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong. Trong thời điểm cận Tết, khi các video hướng dẫn chế pháo lan tràn trên mạng, phụ huynh cần nâng cao cảnh giác, kiểm tra chặt chẽ và giáo dục trẻ nhận thức về hiểm họa từ pháo tự chế.

Việc tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng tránh nguy cơ cháy nổ và đảm bảo an toàn cho trẻ em là trách nhiệm chung của gia đình, nhà trường và toàn xã hội, nhằm bảo vệ sức khỏe và tương lai của các em.

Cao Ánh

comment Bình luận