Người phụ nữ liệt hai chân do u tủy ngực hồi phục ngoạn mục sau hơn 2 tháng tập phục hồi chức năng

Sau gần 3 tháng điều trị và tập luyện phục hồi chức năng tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, bà N.T.H (59 tuổi, quê Phú Yên) từng bị liệt hoàn toàn hai chân do u tủy ngực đã có thể tự đứng và đi lại bằng khung tập đi, sức cơ phục hồi đến 70%.
14:36 | 08/05/2025

Từ đầu năm 2024, bà H. thường xuyên đau lưng, được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm qua chụp MRI tại các cơ sở y tế ở Phú Yên. Tự cho rằng bệnh không nghiêm trọng, bà lựa chọn điều trị bằng thuốc bắc tại nhà. Tuy nhiên, đến tháng 11/2024, bà đột ngột bị liệt chân phải, sau đó chân trái cũng yếu dần khiến bà không thể đi lại, tiểu tiện mất kiểm soát.

Sau khi được đưa đến một bệnh viện tại Bình Định, bà được phát hiện có khối u tủy ngực chèn ép tủy đoạn D10. Tình trạng đau lưng ngày càng tăng nặng, hai chân mất hoàn toàn vận động. Gia đình quyết định chuyển bà vào Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TP.HCM) điều trị vào ngày mùng 6 Tết Ất Tỵ 2025.

Nhân viên y tế hướng dẫn bà H. tập phục hồi chức năng (Ảnh: BVCC)

Nhân viên y tế hướng dẫn bà H. tập phục hồi chức năng (Ảnh: BVCC)

Tại đây, các bác sĩ Khoa Sọ Não - Cột Sống 2 xác định khối u gây chèn ép nghiêm trọng ống sống tủy ngực – nguyên nhân chính dẫn đến liệt hai chân và rối loạn tiêu tiểu. Bệnh nhân được phẫu thuật giải áp và bóc tách toàn bộ khối u. Sau mổ, bà H. hết đau lưng nhưng hai chân vẫn còn yếu, chưa thể tự đi lại.

Bệnh nhân được chuyển sang Khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng để tiếp tục điều trị phục hồi. Hàng ngày, bà được tập luyện 2 buổi sáng – chiều theo phác đồ chuyên biệt, bao gồm: tập thụ động chống teo cơ, điện xung kích thích thần kinh cơ, châm cứu và các bài tập đứng, đi bộ với sự hỗ trợ của thiết bị.

Sau 2 tháng, sức cơ cải thiện đạt mức 2/5, bệnh nhân bắt đầu tập đi với khung trong thanh song song. Đến tháng thứ 3, bà có thể tự co duỗi chân, bước đi trong cự ly ngắn từ 5–10m bằng khung hỗ trợ, đồng thời kiểm soát được việc tiểu tiện.

BS.CKI Ngô Tấn Phát – Phó Trưởng khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng, cho biết: “Ban đầu, chúng tôi dự kiến bệnh nhân cần 5–6 tháng mới có thể phục hồi chức năng. Tuy nhiên, nhờ tinh thần kiên trì và không có bệnh nền, bà H. đã đạt được tiến triển vượt mong đợi chỉ sau chưa đầy 3 tháng”.

Hiện tại, bà H. tiếp tục tuân thủ phác đồ tập luyện của bệnh viện và hy vọng có thể tự đi lại hoàn toàn trong vòng một tháng tới.

U tủy ngực – Căn bệnh nguy hiểm dễ nhầm với thoái hóa cột sống

U tủy ngực là tình trạng xuất hiện khối u trong ống sống hoặc chèn ép vào ống sống tại vùng ngực, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tủy sống và hệ thần kinh trung ương. Đây là một bệnh lý nguy hiểm, có thể dẫn đến liệt tứ chi, rối loạn cảm giác và tiểu tiện, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Triệu chứng phổ biến của u tủy ngực bao gồm: đau lưng kéo dài, rối loạn vận động (yếu hoặc liệt chân tay), tê bì, dị cảm, tăng phản xạ gân xương, tăng trương lực cơ. Cơn đau có xu hướng lan rộng và tăng dần mức độ. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân bị mất cảm giác từ vùng tổn thương trở xuống, kèm theo mất khả năng kiểm soát tiêu tiểu.

Điều đáng lo ngại là bệnh thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh cơ xương khớp thông thường như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống hoặc viêm rễ thần kinh. Điều này khiến người bệnh không được điều trị đúng hướng, dẫn đến tổn thương thần kinh nghiêm trọng hơn.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, nếu được phẫu thuật sớm để giải áp tủy sống và lấy bỏ khối u, đa số bệnh nhân có thể phục hồi vận động và chức năng thần kinh tốt, nguy cơ tái phát cũng rất thấp.

Người dân khi xuất hiện các triệu chứng như đau lưng dai dẳng, yếu hoặc tê chân tay, rối loạn cảm giác, cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa thần kinh – cột sống để được thăm khám và chẩn đoán chính xác. Việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời là yếu tố quyết định tiên lượng điều trị của bệnh lý nguy hiểm này.

Cao Ánh 

comment Bình luận
  • Sản phẩm vì sức khỏe
  • Chủ động bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng

    Nhiệt độ cao kéo dài tại nhiều địa phương trên cả nước, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là người lao động làm việc ngoài trời. Tình trạng say nắng, say nóng, thậm chí đột quỵ có thể xảy ra nếu cơ thể phải tiếp xúc lâu với môi trường oi bức hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột. Việc nhận biết sớm các nguy cơ và chủ động phòng tránh là điều hết sức cần thiết trong thời điểm này.
    May 5 at 2:11 pm
    Chủ động bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng
  • Cà Mau: Sôi nổi sự kiện thể thao, du lịch “Hương rừng U Minh” năm 2025

    Sáng 1/5, tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau phối hợp tổ chức sự kiện thể thao, du lịch “Hương rừng U Minh” năm 2025. Hoạt động thu hút hơn 650 vận động viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đến từ các sở, ban, ngành trong tỉnh tham gia.
    May 2 at 10:35 am
    Cà Mau: Sôi nổi sự kiện thể thao, du lịch “Hương rừng U Minh” năm 2025
  • Cặp song sinh mắc hội chứng truyền máu song thai hiếm gặp chào đời khỏe mạnh

    Ngày 27/3, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận và cấp cứu thành công một trường hợp song thai mắc hội chứng truyền máu song thai hiếm gặp. Mặc dù tỷ lệ mắc chỉ khoảng 1/10.000 ca, hội chứng này cực kỳ nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của cả thai nhi và sản phụ.
    March 27 at 7:30 pm
    Cặp song sinh mắc hội chứng truyền máu song thai hiếm gặp chào đời khỏe mạnh
  • Phương pháp ăn uống trong phòng và chống đột quỵ

    Tai biến mạch máu não (TBMMN - đột quỵ não - stroke) là các thiếu sót chức năng thần kinh xảy ra đột ngột với các triệu chứng khu trú hơn là lan tỏa, các triệu chứng tồn tại trên 24 giờ hoặc tử vong trong 24 giờ trừ sang chấn sọ não. Thực tế, có thể định nghĩa TBMMN một cách đơn giản là các thiếu sót thần kinh cấp tính do nguồn gốc mạch máu.
    March 27 at 12:30 pm
    Phương pháp ăn uống trong phòng và chống đột quỵ