Người đàn ông Campuchia mắc ung thư lưỡi tìm thấy hy vọng tại Việt Nam

Vài năm trước, ông Ty Saron (63 tuổi, quốc tịch Campuchia) được chẩn đoán mắc ung thư bờ lưỡi phải, có hạch vùng cổ và dưới cằm hai bên. Dù đã thăm khám tại nhiều cơ sở y tế ở Campuchia, ông vẫn chưa tìm được phương pháp điều trị hiệu quả.
20:09 | 20/02/2025

Ngày 20/2, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, các bác sĩ Khoa Ung bướu vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật cắt và tạo hình lưỡi cho người bệnh Campuchia bị ung thư lưỡi tiên lượng nặng.

Theo đó, vài năm trước, ông Ty Saron được chẩn đoán mắc ung thư bờ lưỡi phải, có hạch vùng cổ và dưới cằm hai bên. Dù đã thăm khám tại nhiều cơ sở y tế ở Campuchia, ông vẫn chưa tìm được phương pháp điều trị hiệu quả.

Khi đến khám tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, khối u ở bờ lưỡi của ông đã gây lở loét nghiêm trọng, khiến ông đau đớn và mệt mỏi. Qua thăm khám và chụp CT scan, các bác sĩ xác định khối u ở bờ lưỡi phải có kích thước 2,5 cm, khối u di động và đã lan sát phần xương hàm, với tiên lượng nặng.

Trước tình trạng này, các bác sĩ Khoa Ung bướu đã tiến hành hội chẩn và quyết định thực hiện phẫu thuật cắt rộng tổn thương, tạo hình lưỡi, đồng thời nạo hạch cổ triệt để các nhóm 1, 2, 3, 4, 5 bên phải nhằm loại bỏ hoàn toàn khối u. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân cần trải qua hóa trị để thu nhỏ khối u, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình can thiệp.

Các bác sĩ đã nạo triệt để toàn bộ hạch vùng cổ và cắt bỏ hoàn toàn tổn thương trong lưỡi (Ảnh: BVCC)

Các bác sĩ đã nạo triệt để toàn bộ hạch vùng cổ và cắt bỏ hoàn toàn tổn thương trong lưỡi (Ảnh: BVCC)

BS.CKI Nguyễn Quốc Huy cho biết, trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã nạo triệt để toàn bộ hạch vùng cổ và cắt bỏ hoàn toàn tổn thương trong lưỡi. Sau đó, tiến hành phục hình và tái tạo lưỡi cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật, bệnh nhân phục hồi tốt, vết mổ nạo hạch vùng cổ không bị phù nề. Theo kế hoạch, bệnh nhân sẽ tiếp tục được xạ trị bổ trợ để tối ưu hiệu quả điều trị.

“Sau phẫu thuật, bệnh nhân được đặt sonde mũi – dạ dày để hỗ trợ dinh dưỡng, đồng thời nuôi ăn qua đường tĩnh mạch nhằm đảm bảo quá trình lành thương. Sau 6 ngày hậu phẫu, vết mổ vùng lưỡi khô, bệnh nhân có thể ăn uống trở lại qua đường miệng, chức năng vận động của lưỡi không có dấu hiệu bất thường”, BS Huy thông tin.

Theo BS Huy, ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của ung thư lưỡi thường mờ nhạt và dễ bị bỏ qua. Người bệnh có thể cảm thấy như có dị vật hoặc xương cá mắc vào lưỡi, gây khó chịu nhưng nhanh chóng biến mất. Ngoài ra, có thể xuất hiện một vùng lưỡi nổi phồng kèm theo thay đổi màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc tổn thương dưới dạng vết loét nhỏ.

Do đó, BS Huy khuyến cáo người dân nên đi thăm khám ngay khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đặc biệt, những người có yếu tố nguy cơ cao như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia hoặc có tiền sử gia đình mắc ung thư lưỡi cần chú ý theo dõi sức khỏe định kỳ.

Cao Ánh

comment Bình luận