Mối nguy hiểm của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bác sĩ Trần Kiện Toàn, bệnh viện Lao - Phổi tỉnh Cà Mau chia sẻ: “Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính gây giảm chức năng thông khí ở phổi. Người bệnh thường cảm thấy khó thở vì đường thở bị hẹp so với bình thường và có thể dẫn đến suy hô hấp. Nếu bệnh được điều trị kịp thời, sẽ giúp làm chậm tiến triển khi được phát hiện ở giai đoạn sớm và sẽ tránh được các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng cho người bệnh”.
Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ từ khoa phòng, chống bệnh không lây nhiễm của trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau cho biết, hiện nay toàn tỉnh có tới 3.144 trường hợp mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đang được quản lý, cấp thuốc và điều trị thường xuyên. Từ đầu năm 2023 đến nay phát hiện 1.646 trường hợp và chỉ tính riêng trong quý 3 năm nay, đã có 422 trường hợp mắc mới.
Bác sĩ Ngô Minh Phước - Trưởng khoa phòng chống bệnh không lây nhiễm, trung tâm kiểm soát bệnh tỉnh Cà Mau, cho biết: “Thật ra, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính trên địa bàn toàn tỉnh thực tế còn cao hơn rất nhiều so với số liệu mà ngành chuyên môn đã thống kê được. Nguyên nhân là do nhiều người không có thói quen khám sức khỏe định kì, thậm chí những trường hợp đã xuất hiện dấu hiệu của bệnh, nhưng người bệnh vẫn chủ quan không đi thăm khám”.
Đối với những trường hợp bệnh nặng có thể phải nhập viện, điều trị kháng sinh, thở máy hoặc sử dụng corticoid (một dạng thuốc xịt),… chức năng hô hấp giảm sút, thời gian sống bị rút ngắn lại. Khi xuất hiện các biểu hiện ở giai đoạn đầu, người bệnh thường chủ quan cho rằng những cơn ho, khạc đờm là bệnh bình thường. Từ đó, không có các can thiệp kịp thời, dẫn đến bệnh tiếp tục tiến triển nặng đến khi xuất hiện triệu chứng khó thở liên tục. Ban đầu, tình trạng khó thở thường chỉ xuất hiện khi gắng sức, càng về sau cơn khó thở càng xuất hiện thường xuyên hơn và đến giai đoạn cuối cùng thì người bệnh cảm thấy hết sức khó thở, ngay cả khi đang nghỉ ngơi trên giường.
Bà Lý Kim Chi, 59 tuổi, tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau mắc phải căn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính từ nhiều năm nay cho biết: “Ban đầu tôi chỉ cảm thấy tức ngực, khó thở hoặc có lúc hơi thở nghe khò khè. Rồi thỉnh thoảng ho có đờm kéo dài, sốt nhẹ và hay bị ớn lạnh… nhưng do chủ quan cứ nghĩ là do thường xuyên đi ruộng, đi vuông gặp mưa nắng nhiều, nên bị cảm lạnh. Nhưng đến khi bệnh tình càng trở nên nặng hơn, có các biểu hiệu như sụt cân, sưng phù cả hai bàn chân và mắt cá chân nên người nhà đã đưa tôi đi khám ở bệnh viện của tỉnh, các bác sĩ ở đây cho biết là tôi đã bị nhiễm trùng đường hô hấp nặng”.
Hầu hết các đối tượng có nguy cơ cao khi mắc phải căn bệnh nguy hiểm chết người này là thợ mỏ, công nhân xây dựng, thợ dệt, công nhân làm việc tại các xưởng luyện kim, nông dân,… vì thường xuyên phải tiếp xúc với các yếu tố kích thích phế quản dẫn tới nguy cơ mắc bệnh cao. Các yếu tố gây bệnh bao gồm khí độc, xi măng, các sản phẩm than đá, bụi silic, các chất kích thích sử dụng trong nông nghiệp, khói thuốc lá và nhất là những người có thói quen hút thuốc lá.
Biện pháp phòng ngừa vẫn là bỏ thuốc lá và tránh xa các chất kích thích. Hút thuốc lá là nguy cơ chính của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, kể cả những người hút thuốc thụ động. Theo một số nghiên cứu, những người hút thuốc có nguy cơ mắc COPD cao hơn 10 lần so với những người không hút thuốc. Có tới 80 - 90% bệnh nhân COPD hút thuốc và gần 50% người hút thuốc lâu năm bị COPD.
Cần tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, bởi bụi bẩn, phấn hoa, lông thú, khói nhiên liệu,… cũng là những tác nhân khiến các triệu chứng COPD dễ tái phát. Chú ý giữ ấm khi thời tiết thay đổi. Khi thời tiết trở lạnh, trở gió, hãy che miệng, mũi cẩn thận khi ra ngoài. Tránh tình trạng nhiễm trùng hô hấp vì yếu tố này rất nguy hiểm đối với những người bị COPD, do nó ảnh hưởng trực tiếp đến phổi và đường hô hấp.
Chế độ ăn uống cần phải đủ chất dinh dưỡng và bổ sung thêm nước hoa quả, trái cây, rau xanh. Khi bệnh tái phát hoặc diễn biến nặng, nên đến các cơ sở y tế để thăm khám ngay.
Phương Vũ
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Cần Thơ: Tập huấn về công tác chăm sóc dinh dưỡng, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em lứa tuổi học đường
Vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Cần Thơ đã tổ chức tập huấn về công tác chăm sóc dinh dưỡng, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em lứa tuổi học đường cho giáo viên, cán bộ y tế trường học thuộc các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố.November 14 at 2:16 pm -
Long An: Phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
Sáng 12/11/2024, UBND tỉnh Long An tổ chức lễ phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”.November 12 at 4:37 pm -
Tác động của già hóa dân số và chiến lược chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Bình Phước
Hiện nay, tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố có dân số đông và kinh tế phát triển mạnh. Tỉnh Bình Phước là một ví dụ điển hình, khi số lượng người cao tuổi ngày càng tăng, tạo ra áp lực lớn không chỉ đối với phát triển kinh tế mà còn đối với các dịch vụ y tế và phúc lợi xã hội.November 12 at 12:02 pm -
Bà Rịa – Vũng Tàu: Triển khai tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024, từ ngày 10/11 - 10/12/2024, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành văn bản đề nghị Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức thực hiện và giám sát các hoạt động của tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024.November 10 at 4:35 pm