Lo ngại với tốc độ gia tăng bệnh đái tháo đường tại Bình Thuận

10 năm qua, tốc độ và tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở Bình Thuận gia tăng nhanh từ nông thôn đến thành thị. Bệnh gây nên nhiều tác hại cho sức khỏe thậm chí tử là vong nếu bệnh nhân chậm chẩn đoán, điều trị muộn.
13:37 | 27/12/2023

Năm 2002, tỷ lệ bệnh đái tháo đường của toàn quốc là 2,25% và 5,4% vào năm 2012, cùng thời gian, tỷ lệ bệnh tại Bình Thuận gần bằng với tỷ lệ toàn quốc. Đến năm 2020, tỷ lệ bệnh đái tháo đường toàn quốc ở mức 7,3%. Trong khi đó, con số mắc bệnh tại Bình Thuận ở mức 8,7%, cao hơn tỷ lệ toàn quốc. Thông qua số liệu cho thấy tốc độ bệnh đái tháo đường tại tỉnh gia tăng 1,5 lần. Số ca mắc đái tháo đường không chỉ gia tăng nhanh về số lượng mà còn ngày càng trẻ hóa ở nhóm người trẻ, nhiều bệnh nhân không biết bị mắc bệnh dù có ít nhiều biến chứng đi kèm.

Không nằm ngoài các yếu tố trên, số lượng người mắc bệnh đái tháo đường tại Bình Thuận gia tăng nhanh trong vòng 10 năm qua. Tỷ lệ mắc bệnh ở vùng nông thôn tăng gần bằng với tỷ lệ gia tăng ở đô thị.

Bệnh đái tháo đường là nguyên nhân tử vong đứng thứ 3 trong các bệnh không lây nhiễm. Nếu không được phát hiện và kiểm soát đường huyết kịp thời, người mắc đái tháo đường có thể bị giảm tuổi thọ trung bình từ 5 - 10 năm. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy hầu hết những người có tiền đái tháo đường đều tiến triển lên đái tháo đường trong vòng 10 năm, cao gấp 3 - 10 lần người bình thường và 30 - 40% chuyển thành đái tháo đường trong vòng 5 năm.

Đái tháo đường là nguyên nhân tử vong đứng thứ 3 trong các bệnh không lây nhiễm (ảnh minh họa)

Đái tháo đường là nguyên nhân tử vong đứng thứ 3 trong các bệnh không lây nhiễm (ảnh minh họa)

BS.CKI Huỳnh Văn Quyền - Phó khoa Tim mạch, bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Bệnh đái tháo đường có xu hướng gia tăng và mắc ở những người trẻ. Nguyên nhân chính gây ra bệnh này là ăn nhiều đồ ngọt, sản phẩm có chứa nhiều đường, thức ăn nhiều dầu mỡ, tiêu thụ thực phẩm giàu năng lượng nhưng chế độ sinh hoạt hàng ngày ít vận động. Đặc biệt, vào dịp lễ tết, trẻ em lẫn người lớn thoải mái ăn uống nhiều loại thức ăn. Trong đó, có bánh kẹo, mứt chứa hàm lượng đường rất cao; uống các loại nước ngọt, nước có gas , nhiều thực phẩm chiên rán khác,…”

“Hơn thế nữa, thực phẩm nhiều dầu mỡ không chỉ được tìm thấy tại các cửa hàng thực phẩm ăn nhanh mà còn phổ biến trong các bữa cơm văn phòng, nhà hàng, trường học và thậm chí là trong chính thực đơn ở nhà của nhiều người. Mặc khác, các cơ quan liên quan chưa chú trọng chỉ số hàm lượng đường, dầu mỡ trong việc sản xuất thực phẩm. Nghĩa là chưa có thông tin chỉ số cụ thể về hàm lượng đường, dầu mỡ để khuyến cáo nhà sản xuất thực phẩm, quán bán thức ăn nhanh”, bác sĩ Quyền cho biết thêm.

Để nhận biết nguy cơ và cách ứng phó với bệnh đái tháo đường, xét nghiệm đường máu là cách duy nhất phát hiện bệnh, điều trị sớm, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể phòng, chống được nếu tìm hiểu và biết cách thực hành dinh dưỡng, hoạt động thể lực hợp lý.

Theo bác sĩ Quyền, cách phòng bệnh đái tháo đường mà ai cũng làm được là thường xuyên tập thể dục thể thao để giải phóng năng lượng đã dung nạp vào cơ thể; kiểm soát cân nặng, ăn uống lành mạnh như ăn các loại rau quả, ngũ cốc nguyên hạt. Tránh các loại thực phẩm chứa nhiều đường, dầu mỡ, không hút thuốc lá, uống nước ngọt, rượu bia,…

Song hành việc mỗi người tự chủ động phòng bệnh, các bộ ngành cần có biện pháp để chế tài hàm lượng đường, dầu mỡ trong sản xuất thực phẩm. Cụ thể, các cơ quan liên quan, nhà khoa học, nhà sản xuất cần phối hợp nghiên cứu chỉ số hàng lượng đường trong sản xuất bánh, kẹo, mứt, nước ngọt, nước có gas; chỉ số lượng dầu mỡ trong thực phẩm ăn nhanh tại các hàng quán tiện lợi. Một khi có chỉ tiêu, tiêu chí rõ ràng về các hàm lượng đường, dầu mỡ trong sản xuất thực phẩm, được ban hành thành văn bản pháp quy, sẽ góp phần hạn chế dung nạp lượng đường, dầu mỡ vào cơ thể người sử dụng.

Hữu Tri

comment Bình luận