Khớp gối nhân tạo có tuổi thọ bao lâu?

Hiện nay, các loại khớp gối nhân tạo có hạn sử dụng khoảng 15 đến 20 năm. Tuy nhiên, tuổi thọ của khớp gối nhân tạo còn phụ thuộc vào tần suất, mức độ sử dụng và vận động của người bệnh.
13:22 | 21/01/2025

BS.CKII Lê Tấn Thạnh, Trưởng khoa Chỉnh hình Vi phẫu, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, cho biết phương pháp mổ thay khớp gối nhân tạo được chỉ định cho những người bệnh thoái hoá khớp nặng, điều trị bằng thuốc không đáp ứng hoặc bị tổn thương, hư hỏng, biến dạng khớp gối do chấn thương hay nguyên nhân khác.

Thay khớp gối nhân tạo sẽ giúp phục hồi được chức năng vận động, đi lại của khớp gối, giúp khắc phục tình trạng đau đớn do thoái hoá khớp gây ra, sửa chữa các tình trạng lệch trục khớp, biến dạng chi.

Theo BS Tấn Thạnh, hiện nay các loại khớp gối nhân tạo có hạn sử dụng khoảng 15 đến 20 năm. Tuy nhiên, tuổi thọ của khớp gối nhân tạo còn phụ thuộc vào tần suất, mức độ sử dụng, vận động của người bệnh.

Các bác sĩ phẫu thuật thay khớp gối chân trái cho bà H. (Ảnh: BVCC)

Các bác sĩ phẫu thuật thay khớp gối chân trái cho bà H. (Ảnh: BVCC)

“Nếu người bệnh duy trì cường độ đi lại vừa phải, tránh các thói quen và tư thế gây hại cho khớp gối như ngồi xổm, đồng thời kiểm soát tốt tình trạng loãng xương, tuổi thọ của khớp gối nhân tạo có thể đạt đến mức tối đa. Ngược lại, những người sau thay khớp có cường độ vận động cao, đi lại nhiều, thường xuyên chơi thể thao hoặc duy trì các thói quen không tốt như ngồi xổm lâu, gập gối liên tục quá 120 độ, cùng với chế độ dinh dưỡng không cân đối dẫn đến loãng xương nhanh chóng, sẽ làm khớp gối nhân tạo và phần xương tiếp xúc với nó dễ bị hư tổn, dẫn đến giảm tuổi thọ của khớp.”, BS Tấn Thạnh thông tin.

Một ví dụ điển hình là trường hợp của bà N.T.H (72 tuổi, ngụ tại tỉnh Long An). Cách đây 5 năm, bà được chẩn đoán thoái hóa khớp gối nghiêm trọng và đã tiến hành thay khớp gối nhân tạo cho cả hai chân. Sau ca phẫu thuật đầu tiên, bà phục hồi khả năng vận động tốt và quay lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, vài năm sau, do di chuyển quá nhiều, khớp gối của bà dần bị biến dạng, gây đau nhức và khó khăn trong vận động, đặc biệt trong thời gian gần đây.

Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện đầu gối chân trái của bà H. bị biến dạng. Kết quả chụp X-quang cho thấy bà bị gãy xương khớp gối chân trái, vị trí gãy quanh chuôi khớp gối. Các bác sĩ đã tư vấn và chỉ định phẫu thuật thay khớp gối toàn phần chân trái cho bà H.

Theo BS Tấn Thạnh, đây là một ca phẫu thuật phức tạp, đòi hỏi ê-kíp phải chuẩn bị bộ dụng cụ thay khớp gối đặc biệt. Thách thức lớn trong quá trình mổ là việc tháo bỏ bộ khớp cũ để lắp bộ khớp mới. Đáng chú ý, bệnh nhân lớn tuổi và gặp tình trạng loãng xương nghiêm trọng. Phần khớp gối của bệnh nhân đã bị gãy xương từ lâu, dẫn đến mất nhiều mô xương. Các bác sĩ đã phải áp dụng hai biện pháp can thiệp: sử dụng vật liệu để chêm vào phần xương bị mất và bơm xi măng sinh học để lấp đầy các khoảng trống do xương bị khuyết.

Bác sĩ thăm khám lại cho bà H. (Ảnh: BVCC)

Bác sĩ thăm khám lại cho bà H. (Ảnh: BVCC)

Sau phẫu thuật, bà H. giảm đau rõ rệt, được theo dõi vết thương cẩn thận và hướng dẫn sử dụng khung tập đi. Ngày thứ 5 sau mổ, bà đã có thể đi lại với sự hỗ trợ của khung đỡ, đồng thời khả năng co duỗi gối tốt.

Để bảo vệ, duy trì tuổi thọ cho khớp gối nhân tạo, BS Tấn Thạnh khuyến cáo người bệnh sau phẫu thuật nên duy trì các bài tập phục hồi chức năng theo đúng hướng dẫn, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tái khám định kỳ đúng lịch. Đồng thời, cần tránh ngồi xổm quá lâu, hạn chế để chân phẫu thuật chịu lực quá nhiều, không đi cầu thang thường xuyên và không nâng vật nặng.

“Khi nhận thấy các dấu hiệu sớm của biến dạng khớp gối, chẳng hạn như đau nhức khớp hoặc hạn chế vận động, người bệnh nên chủ động đi khám sớm để kiểm soát tình trạng kịp thời, giúp kéo dài tuổi thọ của khớp tự nhiên và giảm nguy cơ phải thay khớp gối. Đối với người cao tuổi, cần đặc biệt chú trọng phòng ngừa té ngã nhằm bảo vệ chức năng vận động”, BS Tấn Thạnh nhấn mạnh.

Cao Ánh

comment Bình luận