Người đàn ông 48 tuổi nhập viện cấp cứu vì nuốt răng giả trong lúc ngủ

Khi tỉnh dậy, ông N.M.T (48 tuổi, ngụ tại Trảng Bàng, Tây Ninh) cảm thấy khó chịu, nuốt khó và đau tức ở vùng cổ. Kiểm tra hàm răng giả tháo lắp, ông nhận thấy không còn. Lúc này, ông nghi ngờ mình đã nuốt phải răng giả nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.
15:43 | 20/01/2025

Ngày 20/1, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, các bác sĩ tại Đơn vị Nội soi vừa thực hiện nội soi cấp cứu để gắp ra hàm răng giả bị nuốt vào đường tiêu hóa của một người đàn ông 48 tuổi.

Ông N.M.T cho biết, khi thức dậy vào sáng sớm, ông cảm thấy khó chịu, nuốt khó và đau tức ở vùng cổ. Kiểm tra hàm răng giả tháo lắp, ông phát hiện không còn. Nghi ngờ mình đã nuốt phải răng giả, ông lập tức gọi người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh để cấp cứu.

Hàm răng giả của bệnh nhân T. mắc kẹt trong thực quản (Ảnh: BVCC)

Hàm răng giả của bệnh nhân T. mắc kẹt trong thực quản (Ảnh: BVCC)

Qua thăm khám và chụp X-quang vùng cổ, các bác sĩ phát hiện hàm răng giả của bệnh nhân T. mắc kẹt trong thực quản, có nguy cơ gây tổn thương hoặc thủng niêm mạc nếu không được xử lý kịp thời. Ngay lập tức, ekip bác sĩ Đơn vị nội soi tiến hành gắp hàm răng giả ra ngoài bằng phương pháp nội soi không đau.

Sau khi thực hiện thủ thuật, sức khỏe của bệnh nhân T. đã ổn định và được xuất viện.

Theo BS.CKI Ngô Hùng Trí, Trưởng khoa Chẩn đoán Hình ảnh, Đơn vị Nội soi Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, việc răng giả không được gắn chặt hoặc thiết kế không phù hợp có thể dẫn đến nguy cơ bị nuốt, đặc biệt trong các tình huống bất cẩn như khi ngủ hoặc ăn uống. Nếu không xử lý kịp thời, có thể dẫn đến tổn thương đường tiêu hóa như tắc nghẽn, nhiễm trùng hoặc thủng, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Ekip bác sĩ Đơn vị nội soi tiến hành gắp hàm răng giả ra ngoài bằng phương pháp nội soi không đau (Ảnh: BVCC)

Ekip bác sĩ Đơn vị nội soi tiến hành gắp hàm răng giả ra ngoài bằng phương pháp nội soi không đau (Ảnh: BVCC)

Để tránh gặp phải tai nạn như bệnh nhân T., BS Hùng Trí khuyến cáo nên tháo răng giả trước khi ngủ nhằm tránh tình trạng răng giả bị rơi ra và vô tình nuốt phải; kiểm tra răng giả định kỳ (nên đến nha khoa để kiểm tra và điều chỉnh răng giả ít nhất 6 tháng/lần); thay thế răng giả hỏng, nứt, gãy hoặc không còn vừa vặn.

“Người có răng giả nên cẩn thận khi ăn uống, cần ăn chậm, nhai kỹ và tránh các thực phẩm quá cứng để hạn chế rủi ro. Đồng thời, cần đến ngay cơ sở y tế nếu nghi ngờ nuốt phải răng giả hoặc bất kỳ vật thể lạ nào để được xử lý kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm”, BS Hùng Trí nhấn mạnh.

Cao Ánh

comment Bình luận