Kết quả đánh giá thực trạng công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ em tại tỉnh Đắk Lắk

Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm - trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk vừa có báo cáo kết quả nghiên cứu về đánh giá thực trạng công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ em trên địa bàn tỉnh từ năm 2019 đến năm 2023.
14:30 | 07/11/2023

Nghiên cứu được tiến hành bằng phương pháp mô tả cắt ngang được thực hiện tại 30 xã, phường, thị trấn tại tỉnh Đắk Lắk. Nhằm xác định tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được tiêm chủng đầy đủ (trẻ sinh từ tháng 4 năm 2019 đến tháng 8 năm 2022), đánh giá kiến thức về tiêm chủng mở rộng của nhân viên trạm y tế xã và tìm hiểu kiến thức về tiêm chủng các bà mẹ có con trong độ tuổi tiêm chủng.

Mẫu nghiên cứu gồm 600 trẻ em trong độ tuổi sinh từ tháng 9/2019 đến tháng 8/2022, 300 bà mẹ có con dưới 5 tuổi và 60 nhân viên y tế làm công tác tiêm chủng được phỏng vấn để thu thập các thông tin về tình trạng tiêm chủng của trẻ em, kiến thức của bà mẹ và nhân viên y tế về tiêm chủng.

Theo báo cáo về tiêm chủng thường xuyên của các đơn vị từ năm 2019 - 2022, tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin như tỷ lệ tiêm vắc xin lao là 95%; %; tỷ lệ tiêm vắc xin 5 trong 1 là 86,7%; tỷ lệ uống vắc xin bại liệt (OPV) là 84,1%; tỷ lệ tiêm vắc xin sởi là 89,0%; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ là 90,1%.

Tuy nhiên qua nghiên cứu thực tế cho thấy tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng thì tỷ lệ tiêm vắc xin lao là 99,4%; tỷ lệ tiêm vắc xin 5 trong 1 là 84,9%; tỷ lệ uống vắc xin bại liệt (OPV) là 82,3; tỷ lệ tiêm vắc xin sởi là 81,0%; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ là 76,9%. Hiểu biết của các bà mẹ về lợi ích của tiêm chủng là 93,2% nhưng chỉ có 39,7% nắm được đầy đủ lịch tiêm chủng của trẻ. Về nhân viên y tế thì phần lớn có kiến thức đúng về lịch tiêm chủng và bảo quản các loại vắc xin (hơn 90%).

Truyền thông về tiêm chủng nhằm nâng cao nhận thức cho các bà mẹ và gia đình của những trẻ trong độ tuổi tiêm chủng hiểu rõ lợi ích của tiêm chủng (ảnh: Đình Thi)

Truyền thông về tiêm chủng nhằm nâng cao nhận thức cho các bà mẹ và gia đình của những trẻ trong độ tuổi tiêm chủng hiểu rõ lợi ích của tiêm chủng (ảnh: Đình Thi)

Nghiên cứu còn chỉ ra một số mặt hạn chế trong triển khai công tác tiêm chủng như thống kê báo cáo, kiến thức của bà mẹ và nhân viên y tế.

Từ kết quả nghiên cứu trên, để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em cần có sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể. Bên cạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức chất lượng về thực hành tiêm chủng cho nhân viên y tế, cần truyền thông các nội dung tiêm chủng cho trẻ em một cách  đầy đủ và chính xác cho người dân, tăng cường công tác truyền thông trực tiếp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên nhiều kênh thông tin nhằm nâng cao nhận thức cho các bà mẹ và gia đình của trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng hiểu rõ lợi ích của tiêm chủng; biết được sự nguy hiểm và cách phòng chống của những bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng để đưa trẻ đi tiêm đầy đủ.

Minh Thu

comment Bình luận