Đôi bàn tay sần sùi \'tố cáo\' người đàn ông bị nhiễm độc sắt nặng

Bệnh nhân đi khám da liễu với biểu hiện da mặt, da tay thâm sạm có sẩn sừng nhỏ li ti, vùng cổ, gáy có mủn mốc dày sừng. Khi thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị nhiễm độc sắt nặng.
21:21 | 14/09/2019

Đi khám da liễu phát hiện nhiễm độc kim loại

 
TS. BS Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết mới đây thăm khám cho nam bệnh nhân P.V.D., ngụ tại TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Người đàn ông tới khám với triệu chứng trên mặt và cổ, gáy, lỗ tai có những mủn mốc dày sừng màu xám. Qua kiểm tra, bác sĩ phát hiện da bệnh nhân tăng sắc tố mạnh, các nang lông mọc sẩn sừng nhỏ li ti, đôi bàn tay sần sùi nhiều chai sạn, mống mắt có quầng xanh.
 
Đôi bàn tay sần sùi 'tố cáo' người đàn ông bị nhiễm độc sắt nặng
Bàn tay bệnh nhân sần sùi, thâm sạm do nhiễm độc sắt

Nghi ngờ đây không phải các biểu hiện tổn thương do bệnh ngoài da, bác sĩ khai thác bệnh sử thì được biết ông D. từng điều trị nội thận do suy thận, men gan tăng cao, ho khan kéo dài. Chỉ định làm một số xét nghiệm lâm sàng, kết quả bệnh nhân suy thận giai đoạn hai, phổi thâm nhiễm, men gan cao.

Bác sĩ tiếp tục yêu cầm làm một số xét nghiệm bệnh ác tính và bệnh tự miễn nhưng không phát hiện bất thường. Tuy nhiên, xét nghiệm sắt trong huyết thanh cao mấy hàng chục lần nồng độ cho phép. Bác sĩ kết luận, bệnh nhân D. bị suy đa cơ quan do nhiễm độc sắt nặng.

Theo bác sĩ Vân Thanh, đã có nhiều trường hợp đi khám da liễu thì phát hiện bị nhiễm độc kim loại nặng như chì, sắt, thạch tín (asen), đồng, thủy ngân... Hầu hết mọi trường hợp đều đi khám vì thấy có bất thường trên da chứ không biết mình bị nhiễm độc kim loại.
 

Dấu hiệu nhiễm độc sắt


Theo bác sĩ Vân Thanh, nhiễm độc kim loại được chia ra cấp tính và mạn tính. Nếu nhiễm độc cấp tính, bệnh nhân có thể tử vong lập tức nếu không cứu kịp thời. Tuy nhiên những trường hợp này có biểu hiện rõ ràng, rất dễ phát hiện, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có cơ hội hồi phục cao. 
 
Nhiễm độc mạn tính tuy không gây chết người ngay tức khắc nhưng bệnh tiến triển âm thầm, các dấu hiệu không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với bệnh khác gây khó khăn trong quá trình điều trị. Hầu hết bệnh nhân nhiễm độc mạn tính khi phát hiện đều ở giai đoạn nặng, tổn thương đa cơ quan, khả năng cứu chữa thấp. Mỗi giai đoạn bệnh có khả năng đáp ứng khác nhau với các phương pháp thải độc kim loại.
 
Đôi bàn tay sần sùi 'tố cáo' người đàn ông bị nhiễm độc sắt nặng
Nhiễm độc sắt gây men gan tăng cao, suy thận...

Bệnh nhân nhiễm độc kim loại mạn tính thường có biểu hiện ngoài da giống như viêm da tiếp xúc dị ứng toàn thân. Bệnh nhân có bất thường như lỗ chân lông sần sùi, da thâm sạm, có mống mắt xanh, xét nghiệm sẽ thấy chỉ số kim loại trong máu tăng cao bất thường... Bệnh nhân thường chỉ phát hiện bệnh khi bị suy thận, gan to, men gan tăng cao...

Bác sĩ lý giải nguyên nhân gây ra ngộ độc sắt nói chung hay ngộ độc kim loại nói riêng có thể do việc sử dụng vitamin tổng hợp, bổ sung vi chất bừa bãi, không có sự tư vấn của bác sĩ.
 
Một nguyên nhân khác có thể do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ăn quá nhiều thực phẩm chứa sắt khi cơ thể không bị thiếu hụt sẽ dẫn tới dư thừa, hoặc ăn thực phẩm chứa sắt kết hợp với thực phẩm giàu canxi, chất xơ làm gián đoạn quá trình hấp thu sắt của cơ thể. Ngoài ra người bị viêm gan C mạn tính, người nghiện rượu có nguy cơ cao bị nhiễm độc sắt mạn tính.
 
[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2019/09/14/nhiem-doc-thuy-ngan-vi-han-rang_14092019203605.mp4[/presscloud]
Vì sao bị nhiễm độc thủy ngân khi hàn răng. Video: VTC14
 
 
Hà Ly (t/h)
 
 
 
comment Bình luận