Đề xuất các giải pháp phòng, chống bệnh sởi trong thời gian tới tại tỉnh Đắk Lắk

Sau thời gian tiến hành điều tra, giám sát dịch tễ, đánh giá nguy cơ về tình hình bệnh sởi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đoàn công tác Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên do TS Viên Chinh Chiến - Viện trưởng làm trưởng đoàn đã đề xuất các giải pháp phòng chống bệnh sởi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới.
16:24 | 25/09/2024

Theo TS Viên Chinh Chiến - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, quá trình làm việc, đoàn nhận thấy công tác thu dung, cách ly điều trị, kiểm soát nhiễm khuẩn tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột và Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên là 2 Bệnh viện có số ca điều trị sởi nhiều nhất tại tỉnh Đắk Lắk. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên là bệnh viện tuyến cuối điều trị các trường hợp sởi nặng, có biến chứng, cả 2 bệnh viện đã được tập huấn về công tác điều trị sởi theo quyết định hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Hai Bệnh viện có xây dựng kế hoạch, phương án cho các cấp độ dịch về thu dung, cách ly, điều trị đảm bảo phòng chống lây nhiễm sởi tại Bệnh viện. Do đã có kinh nghiệm từ phòng, chống dịch COVID-19 nên cả hai Bệnh viện đều tổ chức cách ly tốt tại khu điều trị sởi và đường vào.

Tuy nhiên, đoàn công tác nhận định, hiện nay, một số bệnh truyền nhiễm khác cũng đang tăng như sốt xuất huyết, tay chân miệng... do đó sẽ có các khó khăn như về việc quá tải, điều kiện cơ sở vật chất nếu như số ca mắc bệnh tiếp tục tăng cao. Đối với hoạt động giám sát, xét nghiệm và đáp ứng với bệnh sởi, Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột đã nhanh chóng tổ chức điều tra ca bệnh và triển khai các biện pháp phòng, chống ngay khi ghi nhận ca bệnh trên địa bàn thành phố. Các đơn vị đã điều tra tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi, vắc xin MR theo quy mô thôn, buôn nơi có bệnh nhân và đã nhanh chóng triển khai tiêm bù vắc xin cho trẻ. Các đơn vị cũng đã triển khai tốt các hoạt động truyền thông đến người dân, trường học bằng nhiều hình thức về cách phòng, chống dịch bệnh sởi và hiệu quả của tiêm chủng phòng các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ tiêm vắc xin sởi từ năm 2021 – 2023 trên toàn tỉnh thấp, chưa đạt chỉ tiêu yêu cầu.

TS Viên Chinh Chiến - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và đoàn công tác của Viện làm việc với Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột về công tác điều trị bệnh sởi

TS Viên Chinh Chiến - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và đoàn công tác của Viện làm việc với Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột về công tác điều trị bệnh sởi

Để công tác phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đạt kết quả hơn nữa, TS Viên Chinh Chiến - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho biết, hiện nay số ca sởi tại TP. Buôn Ma Thuột và huyện Lắk đang có xu hướng gia tăng, các bệnh viện trên 2 địa bản này cần phải thiết lập khu vực sàng lọc, cách ly bệnh nhân sởi ngay từ khâu tiếp đón, thiết lập khu cách ly điều trị và phân luồng di chuyển để tránh tình trạng lây nhiễm chéo trong Bệnh viện. Đồng thời các cơ sở khám, điều trị bệnh cần chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực cho tình huống số ca tăng cao, cần quan tâm hơn nữa đến yêu cầu bảo hộ cá nhân (khẩu trang) nội viện cũng như công tác khử khuẩn, vệ sinh môi trường thường tại khu vực tiếp nhận và điều trị bệnh sởi.

Đối với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế thành phố cần tiếp tục các hoạt động giám sát, phát hiện ca mắc mới, điều tra dịch tễ, xác định và xử lý ổ dịch sớm, triệt để. Cần chia sẻ khẩn thông tin ca bệnh của các địa phương khác (nếu có) để chủ động phòng chống. Tất cả các ca bệnh phải được nhập thông tin trên phần mềm thông tư 54. Bên cạnh đó, cần phối hợp cùng ngành giáo dục, thông báo đến các trường trên địa bàn, đặc biệt là các trường mầm non, mẫu giáo cách phát hiện, thông báo trường hợp sốt phát ban nghi sởi, cách ly sớm tại nhà và triển khai các biện pháp vệ sinh phòng bệnh tại trường học, rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh để nhắc phụ huynh đưa con đi tiêm đầy đủ.

Đối với Sở Y tế, đoàn kiến nghị sở tham mưu cho UBND tỉnh và các huyện/thị, các tổ chức đoàn thẻ, ngành giáo dục hỗ trợ ngành y tế khẩn trương triển khai tiêm MR cho trẻ từ 1-5 tuổi và nhân viên y tế đồng loạt tất cả các địa bàn (kể cả những địa phương chưa có ca sởi) theo hình thức tiêm chiến dịch, hoàn hành sớm nhất có thể ngay sau khi nhận vắc xin viện trợ để phòng, chống dịch sởi. Chỉ đạo phân tuyến điều trị ca bệnh sởi, tránh quá tải đối với các Bệnh viện tuyến trên.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 23/9, toàn tỉnh đã ghi nhận 150 trường hợp mắc sởi tại 14/15 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện M’Đrắk chưa ghi nhận ca bệnh). Trong đó, số ca mắc cao nhất tại TP. Buôn Ma Thuột với 83 trường hợp, huyện Lắk 27 trường hợp, Krông Pắc 9, Cư Kuin 6, Cư M’gar và Krông Ana mỗi huyện 5 trường hợp… Trước việc liên tục gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi, ngày 20/9, Sở Y tế đã ban hành công văn về việc tăng cường các biện pháp đáp ứng phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

Theo đó, Sở Y tế đề nghị UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi mắc sởi mới trên địa bàn quản lý để nhanh chóng chuyển gửi, thu dung điều trị tại các cơ sở y tế nhằm cắt đứt nguồn lây truyền bệnh. Thực hiện việc giám sát dựa vào sự kiện (EBS) trong cộng đồng tại tất cả các thôn/buôn để kịp thời phát hiện các trường hợp nghi sởi nhằm nhanh chóng xử lý triệt để nguồn lây truyền bệnh, hạn chế lây lan rộng trong cộng đồng. Thực hiện truyền thông lưu động bằng các thứ tiếng đặc thù dân cư sinh sống từng địa phương trong vòng 21 ngày, đồng thời rà soát danh sách trẻ từ 1-5 tuổi (tại các trường mầm non, tại cộng đồng), đối chiếu tiền sử tiêm chủng vắc xin phòng bệnh theo quy định trong đó có vắc xin phòng bệnh sởi để triển khai tiêm bù, tiêm vét các vắc xin theo quy định trong đó có vắc xin phòng bệnh sởi cho nhóm đối tượng này trên địa bàn quản lý.

Sở Y tế cũng đề nghị các cơ quan, ban, ngành và hệ thống chính trị theo chức năng nhiệm vụ phối hợp với trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố để khoanh vùng dập dịch, tiêm vắc xin phòng chống bệnh sởi nói riêng và các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn, nắm rõ đối tượng để có biện pháp tuyên truyền, vận động trong phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn có hiệu quả. Chủ động trong nắm bắt tình hình dịch, đánh giá nguy cơ để có hướng tham mưu, đề xuất chính quyền địa phương trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo phương châm “bốn tại chỗ”. Bố trí nguồn nhân lực đảm bảo cho công tác đáp ứng hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn hiệu quả, quản lý chặt các nhóm đối tượng tiêm chủng để có kế hoạch và giải pháp phù hợp trong triển khai các hoạt động khoanh vùng dập dịch và tiêm vắc xin đạt kết quả cao nhất.

Mai Lê

comment Bình luận