Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống bệnh sởi, rubella trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Lắk

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh sởi tại huyện Buôn Đôn. Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống bệnh sởi, Sở Y tế đã tích cực triển khai đồng loạt các hoạt động không để dịch sởi bùng phát và lan rộng.
11:05 | 08/07/2024

Theo đánh giá của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nỗ lực giám sát các bệnh truyền nhiễm và công tác tiêm chủng nói chung và bệnh sởi nói riêng. Bên cạnh đó, việc gián đoạn cung cấp dịch vụ tiêm chủng và giảm tỷ lệ tiêm chủng trên toàn cầu khiến hàng triệu trẻ em dễ mắc các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin trong đó có bệnh sởi, dẫn tới nguy cơ cao khả năng bùng phát dịch sởi trên toàn cầu và đặc biệt trẻ em chưa được tiêm chủng có thể mắc bệnh và tử vong do sởi.

Tình hình trên cho thấy cần có biện pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả ngăn ngừa không để bệnh sởi, rubella diễn biến phức tạp và gây dịch trong thời gian tới. Chính vì vậy, việc triển khai các biện pháp đáp ứng phòng chống dịch và chiến dịch tiêm bù, tiêm vét, tiêm bổ sung vắc xin sởi, sởi rubella cho nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng đầy đủ là rất cần thiết. Hoạt động này sẽ góp phần quan trọng không để dịch sởi, rubella quay trở lại và góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu loại trừ bệnh sởi và rubella cùng với các nước khu vực Tây Thái Bình Dương trong tương lai.

Theo bác sĩ Nay Phi La – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, trước diễn biến tình hình dịch bệnh sởi phức tạp trên toàn quốc, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đã đánh giá nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh theo “Bộ công cụ đánh giá nguy cơ dịch sởi được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xây dựng nhằm hỗ trợ xác định khoảng trống đang tồn tại” ở mức độ nguy cơ cao.

Tiêm vaccine là biện pháp tốt nhất chủ động phòng bệnh sởi, rubella (ảnh: Quang Nhật)

Tiêm vaccine là biện pháp tốt nhất chủ động phòng bệnh sởi, rubella (ảnh: Quang Nhật)

Sở Y tế xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh sởi, Rubella trên địa bàn toàn tỉnh với mục tiêu giảm tỷ lệ mắc, chết do bệnh sởi và rubella, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng và thực hiện thành công các mục tiêu của dự án thuộc chương trình mục tiêu y tế - dân số. Đồng thời, tăng tỷ lệ tiêm chủng để đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng và phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý kịp thời ổ dịch, hạn chế thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh. Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động để tỷ lệ mắc sởi đạt <5/100.000 dân; ≥ 95% trẻ dưới 5 tuổi được tiêm đủ mũi vắc xin sởi, sởi – rubella; 100% ca bệnh sởi, rubella mới phát sinh ở quy mô xã, phường, thị trấn được kịp thời triển khai các biện pháp, xử lý triệt để theo quy định; 100% cán bộ trực tiếp tham gia công tác giám sát, xử lý ổ dịch được tập huấn và cập nhật công tác giám sát và phòng chống bệnh sởi, rubella; 100% cán bộ trực tiếp tham gia điều trị bệnh sởi, rubella được tập huấn về chẩn đoán, điều trị, chăm sóc tại cơ sở khám, chữa bệnh và 100% các xã, phường, thị trấn được cung cấp các tài liệu truyền thông về phòng chống dịch bệnh Sởi - Rubella, tổ chức các hoạt động truyền thông trên các hệ thống thông tin đại chúng, thông tin cơ sở tại địa phương.

Để công tác phòng, chống bệnh sởi đạt hiệu quả, về công tác chỉ đạo, ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các tuyến đã được kiện toàn, tăng cường chỉ đạo và thiết lập sự điều phối và hợp tác giữa ngành y tế và các ngành có liên quan, đồng thời phân công nhịêm vụ cụ thể cho các đơn vị. Các cơ quan ban, ngành, đoàn thể tổ chức triển khai các hoạt động phòng chống tại các lĩnh vực hoạt động. Bên cạnh đó sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là công tác tổ chức tiêm chủng vắc xin sởi, sởi - rubella (MR) trong chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo đạt tỷ lệ bao phủ cộng đồng > 95%. Có biện pháp chỉ đạo kịp thời và phù hợp, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng về bệnh sởi, rubella, cách nhận biết và biện pháp phòng chống như nâng cao sức đề kháng cơ thể bằng: Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất.

Đặc biệt tuyên truyền để người dân thấy rõ tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, rubella là biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất. Song song đó, tiến hành rà soát các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng ở tất cả các xã, phường, thị trấn. Tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động, tiêm vét, tiêm bổ sung cho nhóm trẻ dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng, tiêm chưa đủ mũi vắc xin phòng sởi, sởi – rubella (MR); đảm bảo không để sót đối tượng tiêm chủng, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, không để tồn tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp (vùng lõm). Cung ứng đầy đủ vắc xin và vật tư cho công tác tiêm chủng, thực hiện việc tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, cấp phát vắc xin và vật tư tiêm chủng theo đúng quy định. Tăng cường công tác an toàn tiêm chủng, không để xảy ra sai sót của cơ sở y tế trong quá trình tiêm chủng. Thực hiện tốt công tác giám sát, xử lý kịp thời nếu có các trường hợp phản ứng sau tiêm vắc xin.

Bên cạnh đó, chú trọng công tác giám sát, điều tra dịch tễ các trường hợp mắc tại khu vực ổ dịch và tiến hành xử lý ổ dịch nhanh chóng, kịp thời không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Triển khai các lớp tập huấn về công tác điều tra, giám sát và xử lý ổ dịch cho cán bộ y tế cơ sở. Đồng thời, tổ chức tốt công tác phát hiện sớm, điều trị bệnh nhân hạn chế tử vong và thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Yêu cầu các cơ sở điều trị trang bị máy móc, phương tiện, thuốc, bố trí nhân lực phục vụ cho công tác cấp cứu điều trị bệnh nhân tốt nhất.

Sởi và rubella là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút sởi và vi rút Rubella gây ra. Bệnh sởi lây nhiễm qua đường hô hấp và sau đó lây lan khắp cơ thể. Các triệu chứng bao gồm sốt cao, ho, sổ mũi và phát ban khắp cơ thể. Bệnh có thể gây các biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của trẻ. Trẻ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh (CRS) mắc đồng thời nhiều dị tật bẩm sinh như dị tật tim, đục thuỷ tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, đái tháo đường ở trẻ nhỏ, vàng da, xuất huyết,... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Do đó, để bảo vệ sức khỏe của trẻ, các bậc phụ huynh cần nâng cao hơn nữa ý thức trong việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt, nên đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin để bảo vệ trẻ trước dịch bệnh.

Mai Lê

comment Bình luận