Đắk Lắk: Tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh và khẩn trương tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi

Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Công văn số 3057/UBND-NNMT, gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc thực hiện Công văn số 83/BNNMT-CNTY ngày 14/3/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường về tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và khẩn trương tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi.
16:17 | 05/04/2025

Tại tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến ngày 24/3/2025, đã xảy ra 6 ổ dịch bệnh dại trên động vật tại 4 huyện Cư Kuin, Cư M’gar, Krông Năng và Lắk. Số chó chết và tiêu huỷ bắt buộc là 10 con. Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã có 2 trường hợp tử vong vì bệnh dại tại 2 huyện là Krông Ana và M’Đrắk. Ngoài ra, phát sinh 3 ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Cư M’gar và TP. Buôn Ma Thuột; tổng lợn mắc bệnh, chết và tiêu huỷ là 38 con (1.974 kg).

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Để chủ động kiểm soát có hiệu quả các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, các bệnh truyền lây giữa động vật và người. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng các loại vắc xin và sát trùng tiêu độc đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ theo quy định, không để quá hạn hoặc hết hạn; rà soát tiêm phòng nhắc lại, tiêm phòng bổ sung, bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vắc xin tại thời điểm tiêm vắc xin, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi. Giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; đẩy mạnh xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.

Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền đối với chủ vật nuôi và cộng đồng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi; hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi; tiêm vắc xin và lợi ích của việc tiêm vắc xin; xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; chủ động xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện.

Bích Trâm

comment Bình luận