Bình Thuận: Đẩy mạnh tiêm vắc xin cho vật nuôi để khống chế bệnh dại
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có trên 10 triệu người bị động vật dại hoặc nghi dại cắn phải đi điều trị dự phòng bằng vắc xin dại, có khoảng 60.000 - 70.000 người bị chết do bệnh dại. Ở các nước Đông Nam Á, hàng năm tỷ lệ chết vì bệnh dại chiếm 80% trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, năm 1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 92/TTg về tăng cường phòng chống bệnh dại. Các biện pháp phòng chống bệnh dại đã được tăng cường và kết hợp nên số ca tử vong từ năm 1996 - 2007 đã giảm 75% so với năm 1995. Từ năm 2017 - 2021 trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012 - 2016. Tuy nhiên từ đầu năm 2024 đến nay, dịch bệnh xuất hiện trở lại và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại.
Nguyên nhân khiến bệnh dại gia tăng trong những năm trở lại đây là do các ban, ngành, cơ quan chức năng đã không tập trung vào bệnh dại trong quá trình ứng phó với đại dịch COVID-19. Tính riêng trong năm 2023, qua 1 năm mở cửa trở lại để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, cả nước đã ghi nhận 82 người tử vong vì bệnh dại, gần 700.000 người bị chó, mèo cắn phải tiêm phòng, tổn thất kinh tế gần 1.000 tỷ đồng.
TS Nguyễn Thanh Hương - Trưởng văn phòng chương trình phòng, chống bệnh dại Quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết: “Tại Việt Nam, bệnh dại chủ yếu truyền từ chó, mèo sang người. Đối với quần thể chó, mèo rất lớn như hiện nay tại Việt Nam. Nếu chúng ta không tiêm chủng đầy đủ, không có biện pháp quản lý chó, mèo thì rất dễ lây bệnh dại cho con người”.
“Để kiểm soát bệnh dại trên vật nuôi, cần phải triển khai tiêm phòng tối thiểu cho 70% tổng đàn chó, mèo. Trong giai đoạn ứng phó với đại dịch COVID-19, tất cả các ban, ngành, đoàn thể đều tập trung vào công tác phòng, chống dịch. Khi đó, chúng ta đã lãng quên các bệnh truyền nhiễm khác, trong đó bệnh dại. Điều này dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng trên các đàn, chó mèo khá thấp. Tỷ lệ tiêm chủng thấp, thì chỉ cần một vài con chó bị dại với thời gian ủ bệnh từ 2 tuần cho đến 1 tháng, chúng có thể lây truyền cho những con chó khác với tốc độ rất nhanh chóng”, TS Nguyễn Thanh Hương lưu ý.
Tại Bình Thuận, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 9 ổ dịch bệnh dại trên động vật và 9 trường hợp người tử vong vì bệnh dại. Theo đánh giá của ngành y tế, nguyên nhân số ca tử vong do bệnh dại của tỉnh ở mức cao là do số lượng chó, mèo nuôi trong các hộ dân ngày càng nhiều, việc quản lý đàn chó, mèo nuôi chưa chặt chẽ, tỷ lệ tiêm phòng trong vật nuôi còn thấp. Thông qua điều tra y tế, các trường hợp tử vong do bệnh dại tại tỉnh hầu hết đều không tiêm phòng vắc xin sau khi bị chó, mèo dại cắn. Vẫn còn một bộ phận người dân sau khi bị chó, mèo cắn không đến các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng dại mà chữa bệnh theo phương pháp dân gian.
Ngoài ra, trong công tác quản lý nhà nước, một số UBND xã, phường, thị trấn chưa thật sự quan tâm trong việc quản lý đàn chó mèo nuôi, chưa có giải pháp triệt để nhằm khắc phục các vấn đề tồn tại nêu trên; chưa tổ chức thực hiện kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm hành chính trong quản lý chó nuôi, trong công tác tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên động vật.
Trước thực trạng này, TS Nguyễn Thanh Hương khuyến cáo, để khống chế bệnh dại tại tỉnh Bình Thuận. Điều quan trọng cần phải làm ngay đó là sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh đối với các địa phương trong việc đôn đốc các ban, ngành, đoàn thể cùng thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại từ tiêm chủng cho đến tuyên truyền. Cần triển khai ngay lập tức chương trình tiêm ngừa bệnh dại cho vật nuôi. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân hiểu và thực hiện nghiêm túc các biện pháp rọ mõm chó, mèo khi ra ngoài đường.
Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận Lê Văn Hồng cho biết, trong thời gian đến, ngành y tế sẽ tiếp tục tăng cường triển khai tốt hơn nữa công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân để người dân biết được và hiểu rõ hơn cách xử lý khi bị chó, mèo cắn. Ngoài ra, ngành y tế sẽ bảo đảm cung ứng lượng vắc xin phòng bệnh dại và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân dễ dàng tiếp cận.
Loại trừ bệnh dại chỉ có thể đạt được nếu quản lý tốt đàn chó, và ít nhất 70% tổng đàn chó thực tế được tiêm phòng đầy đủ. Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, rất cần sự chung tay góp sức của người dân bằng các hành động thiết thực.
Để tích cực phòng, chống bệnh dại, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của bản thân, người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo và tiêm nhắc lại hằng năm; không thả rông chó, mèo, nếu đưa chó ra đường phải được đeo rọ mõm và có người dẫn; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo; khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm trên vết thương hở cần xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút càng sớm càng tốt dưới vòi nước chảy với xà phòng, sau đó sát khuẩn bằng cồn 700 hoặc cồn i ốt, ngoài ra không làm dập nát thêm vết thương, tránh khâu kín ngay vết thương; đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại.
Hữu Tri
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Cần Thơ: Tập huấn về công tác chăm sóc dinh dưỡng, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em lứa tuổi học đường
Vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Cần Thơ đã tổ chức tập huấn về công tác chăm sóc dinh dưỡng, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em lứa tuổi học đường cho giáo viên, cán bộ y tế trường học thuộc các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố.November 14 at 2:16 pm -
Long An: Phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
Sáng 12/11/2024, UBND tỉnh Long An tổ chức lễ phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”.November 12 at 4:37 pm -
Tác động của già hóa dân số và chiến lược chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Bình Phước
Hiện nay, tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố có dân số đông và kinh tế phát triển mạnh. Tỉnh Bình Phước là một ví dụ điển hình, khi số lượng người cao tuổi ngày càng tăng, tạo ra áp lực lớn không chỉ đối với phát triển kinh tế mà còn đối với các dịch vụ y tế và phúc lợi xã hội.November 12 at 12:02 pm -
Bà Rịa – Vũng Tàu: Triển khai tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024, từ ngày 10/11 - 10/12/2024, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành văn bản đề nghị Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức thực hiện và giám sát các hoạt động của tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024.November 10 at 4:35 pm