Cuộc tranh cãi không hồi kết từ dư luận khi chọn chó Shiba vào vai cậu Vàng

Chọn chú chó giống Shiba Inu - giống chó đặc trưng của Nhật Bản đóng vai "Cậu Vàng" trong tác phẩm cùng tên ngay lập tức dư luận bùng nổ một cuộc tranh cãi trái chiều hết sức gay gắt
15:38 | 29/08/2019
Về phim điện ảnh Cậu Vàng, được biết đây là một dự án được cố NSND Bùi Cường lên kịch bản ấp ủ đã gần chục năm. NSND Bùi Cường đồng thời cũng chính là nam diễn viên thủ vai Chí Phèo trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy. Đáng tiếc thay, ông đột ngột qua đời vào tháng 8 năm 2018 sau một cơn tai biến. Con rể của cố NSND Bùi Cường – đạo diễn Trần Vũ Thủy sẽ tiếp nối di nguyện của cha mình. Đạo diễn chia sẻ: “Vào lúc sinh thời, cha tôi tâm đắc nhân vật lão Hạc. Ông muốn tái hiện nhân vật này trọn vẹn, sâu sắc hơn để tri ân cố đạo diễn Phạm Văn Khoa và cố nhà văn Kim Lân (người vào vai lão Hạc). Tôi sẽ gắng sức hoàn thành tác phẩm bởi đó là tâm nguyện cuối cùng của cha”.
 
 
Đạo diễn Trần Vũ Thủy - Con rể của cố NSND Bùi Cường.
 
Với ý nghĩa như vậy, ngay từ khi dự án Cậu Vàng được khởi động đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của công chúng. Đoàn làm phim đã dành hẳn 2 ngày (17, 18 tháng 8 vừa qua) để tổ chức casting “diễn viên bốn chân” sẽ thủ vai cậu Vàng của lão Hạc.
 
Sau 2 ngày, thông tin đoàn làm phim "Cậu Vàng" tổ chức casting "diễn viên bốn chân" và kết quả chọn ra được một chú chó thuần giống Shiba Inu - giống chó đặc trưng của Nhật Bản vào vai chính thu hút sự quan tâm của cộng đồng, ngay lập tức dư luận bùng nổ một cuộc tranh cãi trái chiều hết sức gay gắt xoay quanh việc để một chú chó đặc trưng của Nhật Bản đóng trong tác phẩm văn học của Việt Nam.
 
 
Chú chó được chọn vào vai cậu Vàng thuộc giống Shiba Inugiống chó đặc trưng của Nhật Bản.
 
Phần đông dư luận khẳng định, việc lựa chọn chó Nhật cho phim chuyển thể từ một tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam là hết sức vô lý và khó chấp nhận. Trước hết về bối cảnh lịch sử, Truyện ngắn "Lão Hạc" được lấy bối cảnh tại làng quê Việt Nam những năm 1945 - giai đoạn diễn ra nạn đói lớn nhất, thảm khốc nhất trong lịch sử dân tộc. 
 
Mà một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn đói giết chết 2 triệu người Việt Nam này có liên quan đến việc binh lính Nhật đã ép người dân nhổ lúa và hoa màu để trồng đay. Do vậy, việc lựa chọn một chú chó thuộc dòng quốc khuyển của Nhật vào vai Cậu Vàng vừa phi thực tế, lại vừa khiến nhiều người Việt Nam cảm thấy đau xót.
 
Đặc biệt hơn, một người nông dân đói khổ cùng đường như lão Hạc sao có thể nuôi cậu Vàng béo tròn, mượt mà bóng bẩy như bé Vàng đây? Nhiều lập luận hài hước còn cho rằng, nếu cậu Vàng trong nguyên tác thật sự là Shiba Inu hoặc một giống chó ngoại đắt đỏ nào khác thì có lẽ lão Hạc đã “đổi đời”, chẳng cần phải tự vẫn để nhường lại sự sống cho con trai.
 
 
 
Có rất nhiều chú chó thuần Việt tham gia buổi "casting" nhưng không được chọn.
 
Rõ ràng đoàn làm phim hoàn toàn có thể lựa chọn một chú chó thuần Việt cho vai diễn cậu Vàng. Việt Nam cũng có “tứ đại danh khuyển”, bao gồm chó Lài (hay còn gọi là chó Dingo Đông Dương, chó ta – giống chó phổ biến nhất hiện nay), chó Bắc Hà, chó Phú Quốc và chó H’mông cộc đuôi. Tất cả những giống chó này đều rất thông minh và cực kỳ “dễ tính” khi chăm sóc. Có chăng là ekip chưa bỏ ra đủ thời gian và tâm huyết để tìm kiếm mà thôi. Gần 40 năm về trước, “diễn viên bốn chân” vào vai cậu Vàng trong Làng Vũ Đại ngày ấy cũng là một chú chó Bắc Hà. Một dự án chuyển thể dù sáng tạo đến mấy cũng phải tuyệt đối tôn trọng nguyên tác. Chúng ta đang làm phim về một chú chó của một lão nông dân Việt Nam bần hàn, cô khổ trước năm 1945, chứ không phải “phiên bản mới” của Hachiko – Chú chó trung thành.
 
 
Hình ảnh cậu Vàng trong bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” là một chú chó Bắc Hà.
 
Trái với sự phản đối nói trên, cũng có không ít ý kiến “nương tay” hơn với ekip sản xuất Cậu Vàng. Theo đó, “diễn viên chính” chỉ cần có bộ lông màu vàng là được, miễn là chó, không nhất thiết phải xét tới nguồn gốc. Hơn nữa, vốn dĩ trong tác phẩm của mình hay trong suốt cuộc đời cầm bút, nhà văn Nam Cao cũng không hề nhắc tới việc cậu Vàng của lão Hạc thuộc giống chó nào. Đối với họ, cái khó của bộ phim này là làm thế nào để chọn được diễn viên vào vai lão Hạc một cách chân thực và sống động như như nhà văn Kim Lân trước đây.
 

Vai lão Hạc trong “Làng Vũ Đại ngày ấy” được xem như vai diễn để đời của cố nhà văn Kim Lân.
 
Trước ý kiến gay gắt đến từ cộng đồng mạng, đạo diễn Trần Vũ Thủy khẳng định không có ý định thay thế chú chó sẽ đóng vai Cậu Vàng.
 
"Tôi không có ý định đổi 'diễn viên'. Hiện giờ ê-kíp chúng tôi chỉ có dự định thay đổi một số chi tiết trong kịch bản để phù hợp với tác phẩm hơn", đạo diễn phim Cậu Vàng chia sẻ với Zing.vn.
Đồng thời, đạo diễn cũng tiết lộ ngoài chú chó giống Shiba Inu đã được chọn, đoàn phim còn chọn thêm 2 chú chó thuần Việt có vóc dáng tương đồng để cùng hỗ trợ diễn xuất và phòng trường hợp đau ốm, rủi ro...
Thông tin này khiến nhiều khán giả cảm thấy bất bình: "Cứ tưởng tưởng đến cảnh bị đánh đập khổ sở là đưa mấy em chó ta vào đóng thế thấy xót xa quá".
 
Lý giải về quyết định chọn chú chó Shiba Inu cho vai diễn đặc biệt lần này, ông Nguyễn Hữu Việt – đại diện truyền thông của dự án cho biết: “Việc chọn chú chó Vàng, giống chó không phải thuần Việt vào vai chính trong tác phẩm là điều chúng tôi cũng cân nhắc kỹ lưỡng. Vì đây là bộ phim khá đặc biệt, một chú chó được đưa lên làm nhân vật trung tâm nên chú chó đó phải hội tụ rất nhiều yếu tố từ ngoại hình đến các kỹ năng.” Bên cạnh đó, ekip cũng đã đính chính rằng sẽ có bộ phận chuyên môn kỹ thuật xử lý làm sao để cậu Vàng xuất hiện với hình ảnh gần gũi, chân thật và giống chó Việt nhất.
Hiện tại, tranh cãi trái chiều xoay quanh dự án phim Cậu Vàng vẫn chưa dừng lại. Phim dự kiến bấm máy vào tháng 9 và ra rạp vào khoảng giữa năm 2020.
 
[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2019/08/29/Cận cảnh chú chó Nhật Shiba đi casting phim vào vai -Cậu Vàng-_29082019143909.mp4[/presscloud]

Cận cảnh chú chó Nhật Shiba trong buổi casting vai "cậu Vàng".
 
 
Lê Hà (T/h)
 
comment Bình luận