Cơ quan chức năng có "bỏ qua" dấu hiệu sai phạm của phòng khám Đa khoa Cần Thơ?

Theo văn bản Sở Y tế Cần Thơ cung cấp cho báo chí liên quan đến hoạt động của phòng khám Đa khoa (PKĐK) Cần Thơ vẫn còn nhiều biểu hiện sai phạm nghiêm trọng chưa được làm rõ, khiến dư luận hoài nghi: Liệu có phải Thanh tra Sở Y tế Cần Thơ chỉ phạt “lỗi nhẹ”, mà "bỏ qua" sai phạm nặng?
10:48 | 13/10/2023
Phòng khám Đa khoa Cần Thơ tại địa chỉ số 133A Trần Hưng Đạo, phường An Phú, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

Phòng khám Đa khoa Cần Thơ tại địa chỉ số 133A Trần Hưng Đạo, phường An Phú, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

Vừa qua, từ thông tin phản ánh của bạn đọc, chúng tôi đã trong vai bệnh nhân đến khám bệnh tại PKĐK Cần Thơ, tại địa chỉ số 133A Trần Hưng Đạo, phường An Phú, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

Tại đây, sau khi bệnh nhân trình bày bản thân đang có vấn đề trục trặc, khi quan hệ tình dục, sợ bị vô sinh và muốn biết có bị HIV hay không, thì một người phụ nữ được cho là bác sĩ, đã đề nghị làm siêu âm, xét nghiệm máu và tinh dịch đồ. Bệnh nhân đồng ý và được nhân viên của Phòng khám hướng dẫn đóng tiền rồi siêu âm, lấy mẫu xét nghiệm.

Sau khi làm đầy đủ các xét nghiệm, vài chục phút sau, nhân viên Phòng khám mời bệnh nhân vào phòng gặp bác sĩ. Lúc này, người phụ nữ, được cho là bác sĩ, đọc kết quả xét nghiệm máu, tinh dịch đồ và trấn an bệnh nhân không cần lo lắng về vấn đề vô sinh. Nhưng, lại cảnh báo rằng tuyến tiền liệt đang bị viêm, cần điều trị bằng cách bơm thuốc vào đường tiểu và cắt bao quy đầu, cho rằng những phương pháp điều trị này sẽ giúp sinh lý của bệnh nhân cải thiện hơn.

Điều kỳ lạ là dù trong tờ kết quả xét nghiệm máu không thấy ghi kết quả xét nghiệm HIV nhưng khi bệnh nhân hỏi có bị HIV không? Thì 'bác sĩ' này khẳng định là “Không”!

Kết quả xét nghiệm máu và tinh dịch đồ ngày 29/8/2023

Kết quả xét nghiệm máu và tinh dịch đồ ngày 29/8/2023

Vị bác sĩ này nói nhiều về bệnh tình của bệnh nhân, nhưng trong Sổ khám bệnh lại không hề ghi chẩn đoán bệnh, phương pháp điều trị, cũng không thấy ghi họ tên cùng chữ ký của bác sĩ điều trị. Chưa bàn đến việc những chỉ định dịch vụ điều trị kể trên có đúng với tình trạng, diễn biến bệnh không, nhưng có thể thấy hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại PKĐK Cần Thơ đã có nhiều dấu hiệu đáng ngờ.

Nhằm làm rõ những nghi vấn này, ngày 11/9/2023 phóng viên đã đăng ký và đến làm việc với Sở Y tế TP. Cần Thơ. Sau đó, phóng viên nhận được phản hồi từ email [email protected] đính kèm văn bản số 3973/SYT-NVY, đề ngày 19/9/2023 về việc cung cấp một số thông tin liên quan đến hoạt động PKĐK Cần Thơ, do Phó Giám đốc Nguyễn Ngọc Việt Nga ký.

Văn bản số: 3973/SYT-NVY, đề ngày 19/9/2023, người ký tên Nguyễn Ngọc Việt Nga - Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ

Văn bản số: 3973/SYT-NVY, đề ngày 19/9/2023, người ký tên Nguyễn Ngọc Việt Nga - Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ

Theo văn bản này, thì “Kỹ thuật xét nghiệm tinh dịch đồ không có trong danh mục chuyên môn của Sở Y tế phê duyệt đối với PKĐK Cần Thơ”.

Như vậy, PKĐK Cần Thơ chưa được phép thực hiện kỹ thuật xét nghiệm tinh dịch đồ, nhưng theo chứng cứ phóng viên thu thập được vào ngày 29/8/2023, cho thấy nhân viên tại PKĐK Cần Thơ có hành vi chỉ định xét nghiệm, thu tiền, lấy mẫu, đọc kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ. Phóng viên cũng đã đề cập đến vấn đề này trong nội dung gửi Sở Y tế TP. Cần Thơ vào ngày 11/9/2023.

Thế nhưng, trong văn bản số 3973/SYT-NVY của Sở Y tế Cần Thơ chỉ cho biết PKĐK Cần Thơ bị xử phạt đối với hành vi “Thanh toán dịch vụ chưa niêm yết, thu giá dịch vụ cao hơn niêm yết (theo báo cáo số 92/BC-Ttra ngày 13/9/2023 của Thanh tra Sở Y tế)”. Không thấy nói gì đến việc có xem xét, xử lý hành vi xét nghiệm tinh dịch đồ hay không?

Người phụ nữ được cho là bác sĩ đọc kết quả xét nghiệm và tư vấn phương pháp điều trị viêm tuyến tiền liệt cho bệnh nhân

Người phụ nữ được cho là bác sĩ đọc kết quả xét nghiệm và tư vấn phương pháp điều trị viêm tuyến tiền liệt cho bệnh nhân

Trường hợp, PKĐK Cần Thơ cho rằng đã đem mẫu tinh dịch đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để xét nghiệm thì cơ quan chức năng cũng cần làm rõ là đem đến đâu? Thời điểm nào? Để đối chiếu với những nguồn thông tin khác, tránh bỏ sót hành vi sai phạm.

Bên cạnh đó, cũng cần phải xác minh người phụ nữ được cho là bác sĩ có bằng cấp chuyên môn là gì, mà có thể chẩn đoán được vấn đề vô sinh, đọc kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ, chỉ định phương pháp điều trị tuyến tiền liệt? Những phương pháp điều trị, mà người này đưa ra có phù hợp với tình trạng diễn biến bệnh và đúng quy định của pháp luật hay không?

Đề nghị Sở Y tế TP. Cần Thơ có chỉ đạo kiểm tra, xác minh làm rõ vụ việc báo chí nêu trên. Trường hợp còn điều gì thắc mắc, hoặc chưa đủ chứng cứ, thì có thể liên hệ phóng viên đề nghị cung cấp thêm chứng cứ. Đừng vì một lý do nào đó mà bỏ sót hành vi sai phạm. Nếu không, về lâu dài có thể khiến các đối tượng “nhờn luật” và gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất, tinh thần và quyền lợi của nhiều bệnh nhân khác.

Theo Luật sư Trần Vũ Phi Khanh – Đoàn Luật sư TP. HCM: Nếu có đủ căn cứ xác định, việc xét nghiệm tinh dịch đồ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là hành vi “Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh,...” thì theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP và Nghị định 124/2021/NĐ-CP của Chính phủ, mức phạt tiền sẽ từ 80.000.000đ – 100.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm. Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ 2 – 4 tháng; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật từ 1 - 3 tháng.

Còn hành vi “Thu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cao hơn giá đã niêm yết” thì chế tài nhẹ hơn rất nhiều, chỉ phạt tiền từ 10.000.000đ – 20.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm.

Hồ Ninh

comment Bình luận