Chủ động phòng bệnh loãng xương

Loãng xương là tình trạng rối loạn chuyển hóa của bộ xương làm giảm sức mạnh của xương dẫn đến làm tăng nguy cơ gãy xương. Loãng xương phát triển chậm, âm thầm cho đến khi bệnh nhân bị gãy xương cho dù chỉ có té nhẹ hoặc va chạm nhẹ.
16:40 | 16/12/2024

Theo BS.CKII Nguyễn Minh Trực - Trưởng khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên: Ở độ tuổi nào cũng có thể mắc loãng xương nhưng người sau 60 tuổi có khả năng bị loãng xương cao hơn. Ngoài tuổi tác, có nhiều nguyên gây ra loãng xương là cơ thể không hấp thụ đủ chất canxi; người uống nhiều bia, rượu, hút thuốc lá và các chất kích thích khác; lười vận động hay thường làm nhiều việc nặng đều có nguy cơ mắc bệnh loãng xương; di truyền từ thế hệ trước; đặc biệt ở nữ giới có nguy cơ bị loãng xương cao hơn nam giới do sự thay đổi tiết tố trong quá trình mãn kinh, do bị thiếu hụt estrogen. Sự thiếu hụt hormone này ở phụ nữ mãn kinh dẫn đến giảm mật độ xương, mất xương gây ra tình trạng loãng xương.

Tại khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trung bình một tuần khoa phẫu thuật cho 5 đến 7 trường hợp bị gãy liên mấu chuyển xương đùi, đa số bệnh nhân là người lớn tuổi và có tình trạng loãng xương nặng. Thậm chí có người còn gãy lần thứ hai, thứ ba và quá trình hồi phục sau phẫu thuật cũng chậm hơn so với người không bị loãng xương hoặc so với người trẻ tuổi.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia y tế, quá trình loãng xương diễn ra từ từ, không có triệu chứng điển hình nên nhiều người không biết bản thân bị loãng xương. Chỉ đến khi loãng xương nặng, xương bị gãy hoặc bị xẹp mới có biểu hiện bệnh, như: Đau nhức xương khớp, cột sống, thường là ở các khớp như khớp gối, khớp háng, thắt lưng, cột sống gù hoặc vẹo, thường gặp tình trạng chuột rút, ớn lạnh, đổ nhiều mồ hôi, khi va chạm hoặc ngã nhẹ dễ bị gãy xương… Biến chứng nặng nề hơn là bị loãng xương nhưng không điều trị hoặc điều trị không đúng phác đồ, hậu quả xấu nhất là rạn xương, nứt vỡ hoặc gãy xương, hoặc cũng có thể cong xương, cong vẹo cột sống, cong ống chân, chiều cao giảm dần... Hiện tượng gãy, lún cột sống, gãy cổ xương đùi, xương cẳng chân, xương cẳng tay rất có thể xảy ra khi có một tác động mạnh (ngã, gập chân, trượt chân...). Trong cơ thể, loại xương nào thường chịu tác động nhiều nhất, chịu lực nhiều nhất, khi loãng xương, rất dễ bị tổn hại hơn cả (cột sống, xương đùi, cẳng chân, cánh tay, cẳng tay). Vì vậy, gãy cổ xương đùi, gãy cổ tay, gãy khớp háng thường chiếm tỉ lệ cao nhất trong bệnh lý loãng xương ở người cao tuổi. 

Loãng xương là bệnh lý thường gặp ở nhiều đối tượng khác nhau. Bệnh có thể đến từ nhiều nguyên nhân nên mọi người cần có động thái chủ động phòng bệnh ngay từ khi còn trẻ. Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo: Có thể phòng bệnh bằng cách thay đổi lối sống. Thay đổi lối sống có vai trò rất lớn trong việc duy trì sức khỏe tổng thể. Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh như thực phẩm giàu can xi gồm trái cây tươi, rau và ngũ cốc nguyên hạt cùng với lượng vitamin D đầy đủ. Vitamin D làm chậm quá trình mất xương và giảm nguy cơ gãy xương, đặc biệt ở người cao tuổi. Canxi và vitamin D cùng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa loãng xương.

Thường xuyên rèn luyện cơ thể bằng các bài tập thể dục với cường độ phù hợp nhằm tăng cường sự dẻo dai và chắc khỏe cho xương, chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ, đi bơi… luyện tập vừa tăng cường vững chắc cho xương khớp, vừa giảm thoái hoá xương khớp. Khi có các vấn đề về xương khớp, như đau vùng xương cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, xương đùi, đầu gối, thay đổi dáng đi (đi lom khom, gù lưng), đau rõ rệt ở cột sống, đau hai bên liên sườn… cần tới ngay cơ sở y tế hoặc bệnh viện chuyên khoa để kiểm tra.

Bên cạnh đó, để phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh loãng xương cần chủ động kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Trong đó, đo loãng xương là quy trình không thể thiếu trong quá trình kiểm tra. Căn cứ vào mức độ loãng xương các bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị phù hợp. Về dùng thuốc, thuốc giảm đau chỉ dùng khi cần thiết, tùy mức độ có thể dùng các thuốc giảm đau. Các loại thuốc đơn thuần như paracetamol hay dùng calcitonin xịt mũi hoặc tiêm bắp cho các trường hợp đau nặng sau gãy xương có tác dụng ức chế hoạt động của các tế bào hủy xương vừa có tác dụng giảm đau do loãng xương. Cũng nên tránh lạm dụng các thuốc kháng viêm giảm đau, nhất là nhóm thuốc kháng viêm chứa corticosteroids bởi nó sẽ làm cho tình trạng loãng xương nặng thêm và khó kiểm soát.

Mỹ Hạnh

comment Bình luận