Chủ động phòng bệnh cúm A/H5N1

Bệnh cúm A/H5N1 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút cúm A /H5N1 gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm bệnh, chết do nhiễm cúm A/H5N1.
15:57 | 04/11/2023

Nguyên nhân gây cúm gia cầm ở người

Tiếp xúc trực tiếp đồ dùng: Vật dụng bị nhiễm bởi phân gia cầm, vi rút cúm gia cầm có thể lây nhiễm cho người bằng các cơ chế cơ học như qua các phương tiện vận chuyển, quần áo, giày dép.

Lây truyền qua không khí: Vi rút có thể lây truyền qua không khí (ví dụ các giọt bắn dịch tiết đường hô hấp của gia cầm mang bệnh hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm).

Qua đường ăn uống hoặc tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh: Có thể lây qua đường ăn uống (nước, thực phẩm nhiễm vi rút,...), do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh qua chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn các sản phẩm của gia cầm bệnh chưa được nấu chín hoặc chế biến không hợp vệ sinh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dấu hiệu khi bị bệnh cúm gia cầm trên người

Các triệu chứng của cúm gia cầm gần giống với cúm thông thường như ho, sốt, sổ mũi, hắt hơi, đau đầu, người mệt mỏi, chảy nước mắt, da khô nóng,... Tuy nhiên, điểm khác của cúm gia cầm là các dấu hiệu suy hô hấp rõ rệt hơn và thể hiện tùy vào từng giai đoạn của bệnh như sau:

Giai đoạn ủ bệnh: Kéo dài từ 2 – 5 ngày sau khi người bệnh tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh như giết mổ hay sử dụng các sản phẩm từ gia cầm bị bệnh như thịt, trứng hoặc tiếp tiếp xúc trực tiếp với người đang bị nhiễm bệnh,... Đây là khoảng thời gian vi rút H5N1 tiềm ẩn trong cơ thể bệnh nhân, chưa phát tán và chưa có dấu hiệu gì, chỉ chờ cơ hội bùng phát.

Giai đoạn khởi phát: Lúc này bệnh nhân sẽ đột ngột bị sốt cao, đau nhức, mệt mỏi khắp toàn thân, thậm chí chán ăn,... Đây là dấu hiệu ban đầu cảnh báo người bệnh sắp bước vào một giai đoạn bùng phát dữ dội của bệnh cúm A/H5N1 với nhiều biến chứng phức tạp.

Giai đoạn toàn phát: Đây là giai đoạn phát ra hoàn toàn những triệu chứng trong thời gian ủ bệnh và giai đoạn khởi phát. Đến lúc này người bệnh mới có thể nhận biết một cách rõ ràng sốt cao kéo dài có thể bị hôn mê, ho khan, ho có đờm và đau nhức toàn thân dữ dội.

Phòng tránh bệnh cúm gia cầm trên người

Thường xuyên vệ sinh môi trường như tẩy uế chuồng trại nuôi gia cầm, phun thuốc cloramin B xung quanh khu vực nhà ở, thậm chí trong từng gia đình.

Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: Rửa mặt, mũi, chân tay ít nhất 2-3 lần/ngày. Sử dụng các loại thuốc sát khuẩn đường hô hấp trên để nhỏ mũi và súc họng hàng ngày.

Ăn uống đảm bảo vệ sinh: Không ăn tiết canh hoặc thịt các loại gia cầm ốm, bệnh hoặc nghi mắc bệnh.

Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh: Khi tiếp xúc với nguồn bệnh, phải trang bị bảo hộ gồm mặt nạ, áo choàng, găng tay, mũ,... sản xuất theo tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo ngăn ngừa vi rút xâm nhập.

Gia đình trong vùng dịch hoặc có người thân nhiễm cúm gia cầm cũng cần vệ sinh nhà cửa. Đồ dùng bệnh nhân phải được ngâm dung dịch tẩy trùng, sau đó giặt sạch và phơi khô.

Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Bác sĩ Quốc Huy – Thái Tuyền

comment Bình luận