Cấp cứu thành công cho bệnh nhi bị rắn cắn

Ngày 16/2, theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP. HCM), chiều mùng 1 tết bệnh viện tiếp nhận trường hợp bệnh nhi Tr. Q. Đ, 8 tuổi, nam, tại tỉnh Long An bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
14:33 | 16/02/2024

Được biết, bé Đ ra sau nhà bếp đánh răng, bất ngờ bị rắn lục đuôi đỏ cắn ở bàn tay trái, gây rối loạn đông máu nặng. Gia đình cầm máu cho trẻ, bắt được con rắn và lập tức đưa trẻ đến bệnh viện địa phương, sơ cứu cầm máu, truyền dịch sau đó chuyển viện đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.

Tại bệnh viện, các bác sĩ trực ghi nhận trẻ sưng bầm bàn tay trái, lan lên cẳng tay trái, chảy máu thấm gạc, vẻ mặt trẻ lừ đừ, xét nghiệm biểu hiện rối loạn đông máu nặng. Xác định con rắn bắt được là rắn lục xanh đuôi đỏ, các bác sĩ đã truyền 5 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục đặc hiệu cho trẻ. Tuy nhiên sau 6 giờ truyền huyết thanh kháng nọc rắn, vết rắn căn sưng to và lan tiếp lên cánh tay trái, nên được truyền thêm 5 lọ nữa.

Sau 24 giờ tình trạng bệnh nhi cải thiện, không còn chảy máu, vết thương bị rắn cắn bớt sưng bầm.

Bệnh nhi bị rắn cắn ở bàn tay trái, gây sưng nề chảy máu, được truyền huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu

Bệnh nhi bị rắn cắn ở bàn tay trái, gây sưng nề chảy máu, được truyền huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu

Qua trường hợp này, BS.CK II Nguyễn Minh Tiến – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố cũng khuyến cáo đến các bậc phụ huynh nên phát quang xung quanh nhà tránh cho rắn, ong, côn trùng vào nhà tấn công trẻ và hướng dẫn trẻ lưu ý khi đi lại dưới ruộng cỏ lùm cây dễ bị rắn độc tấn công, tốt nhất là mang giày ủng khi lao động, làm việc vùng đồng cỏ, ruộng vườn, tránh đi chân đất, tránh trèo cây vì có thể bị rắn lục cắn hoặc có nguy cơ té ngã.

Ngọc Nguyễn

comment Bình luận