Cảnh báo nhiều yếu tố nguy cơ bùng phát dịch sởi trong năm 2024

Chiều 14/3, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh tổ chức họp trực tuyến về “Tăng cường giám sát và phòng chống bệnh sởi khu vực phía Nam năm 2024” với Bệnh viện Nhi đồng 1; Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện chuyên khoa Nhi, Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi, Bệnh viện đa khoa của các tỉnh khu vực phía Nam.
11:35 | 16/03/2024

Số liệu về tình hình bệnh sởi trên thế giới và tại Việt Nam do Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cung cấp cho biết, tại Châu Âu số ca mắc sởi năm 2023 so với năm 2022 tăng 62 lần, tại Tây Thái Bình Dương tăng 3,7 lần. Một trong những yếu tố làm gia tăng số ca mắc sởi là do trong giai đoạn dịch Covid-19 từ 2020 - 2022, toàn cầu trì hoãn hơn 61 triệu liều vắc xin sởi.

Phân tích yếu tố nguy cơ bùng phát dịch sởi tại Việt Nam năm 2024, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh chỉ ra có sự lặp lại chu kỳ 2 vụ dịch lớn toàn quốc là năm 2014 và 2019 (cách nhau 4 năm). Đáng lưu ý, trong 6 tháng gần đây, một số nước lân cận Việt Nam như Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Philippines ghi nhận số ca mắc sởi cao, trong đó chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi. Tại khu vực phía Nam – Việt Nam, tỉ lệ tiêm chủng sởi mũi 1 và mũi 2 từ năm 2021 đến nay dưới 90%, trong khi đó theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, muốn phòng dịch sởi lây lan trong cộng đồng, ngưỡng miễn dịch cộng đồng cần đạt từ 90 - 95%.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Để chủ động ứng phó với bệnh sởi tại khu vực phía Nam, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã triển khai hướng dẫn các tỉnh thực hiện các hoạt động giám sát, điều tra và phòng chống bệnh sởi tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng theo Quyết định số 4845/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 23/12/2012 về hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sởi, rubella; Thông tư số 17/2019/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 17/7/2019 về hướng dẫn giám sát và đáp ứng với dịch bệnh truyền nhiễm;…

Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế phát hiện sớm, báo cáo ca sốt phát ban nghi sởi lên phần mềm thông tư 54 trong vòng 24 giờ; củng cố quy trình giám sát phát hiện, lấy mẫu xét nghiệm tại các cơ sở khám chữa bệnh; thành lập đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động giám sát và phòng chống Sởi; triển khai các biện pháp truyền thông về bệnh Sởi tại các khu dân cư, trường học; đánh giá nguy cơ và lập danh sách vùng nguy cơ đối với bệnh Sởi; rà soát đối tượng chưa tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần Sởi và thực hiện tiêm bù, tiêm vét.

Theo CDC BR-VT

comment Bình luận