Cần Thơ thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, diệt muỗi chủ động trong phòng, chống dịch sốt xuất huyết và Zika

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, từ ngày 1/1 – 31/8, toàn thành phố ghi nhận 1.376 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), số ca mắc đang có xu hướng gia tăng kể từ tháng 6 đến nay.
14:11 | 14/09/2023

Để chủ động phòng chống dịch SXH, Sở Y tế ban hành Kế hoạch thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng kết hợp phun hóa chất diệt muỗi chủ động trong phòng, chống dịch SXH và Zika từ tháng 9 đến tháng 12/2023.

Mục đích của chiến dịch nhằm ngăn chặn sự lan rộng của bệnh SXH tại những nơi có nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong mùa cao điểm của dịch bệnh SXH. Huy động mọi lực lượng, tạo sự chủ động trong công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng từ các cấp chính quyền đến người dân ở các xã, phường, thị trấn.

Triển khai chiến dịch, chủ động diệt lăng quăng, diệt muỗi nhằm làm giảm chỉ số lăng quăng và mật độ muỗi trong thời gian ngắn nhất. Tăng cường truyền thông phòng, chống dịch bệnh SXH, lồng ghép các hoạt động khác để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi lăng quăng, bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt và thả cá vào bể.

Chủ động diệt lăng quăng, diệt muỗi phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Chủ động diệt lăng quăng, diệt muỗi phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Tập trung vào hoạt động truyền thông về nguyên nhân, tác hại và các biện pháp phòng, chống bệnh SXH, vận động nhân dân thường xuyên thực hiện diệt muỗi, diệt lăng quăng, loại bỏ nơi muỗi đẻ trứng và trú ẩn. Phản ánh những cá nhân, tập thể những địa phương làm tốt và chưa tốt, cung cấp tài liệu truyền thông (băng rôn, áp phích, đĩa, tờ rơi,…) cho các đơn vị.

Trung tâm Y tế quận/huyện, trạm y tế xã/phường/thị trấn tăng cường truyền thông tại các nơi tập trung đông dân cư trên các tuyến đường có đông người qua lại. Viết tin, bài và gửi băng đĩa truyền thông về nguyên nhân, tác hại và các biện pháp thực hiện vệ sinh phòng bệnh phát trên đài truyền thanh huyện, xã. Sử dụng các hình thức tuyên truyền cổ động khác sẵn có ở địa phương.

Tại các trường học, tăng cường tập huấn kiến thức và kỹ năng truyền thông phòng, chống bệnh SXH cho giáo viên lồng ghép trong đợt sinh hoạt chính trị hè. Tổ chức các đợt ra quân tổng vệ sinh trong và xung quanh trường học vào đầu năm học để giáo dục, nâng cao trách nhiệm của các em học sinh, giáo viên trong phòng, chống dịch bệnh. Mỗi trường thực hiện và treo băng rôn với nội dung “không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết” treo trước cổng trường. Phối hợp với trung tâm y tế huyện hoặc trạm y tế xã lồng ghép truyền thông phòng, chống SXH trong buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần. Phát loa truyền thông nội dung về phòng, chống SXH trong thời gian cuối buổi học. Thực hiện các nội dung truyền thông phòng, chống SXH tại góc giáo dục truyền thông của trường.

Bên cạnh đó, hoạt động diệt lăng quăng kết hợp phun hóa chất diệt muỗi tại 20 xã trọng điểm trên địa bàn thành phố. Đây là các xã có số mắc SXH trong quý II năm 2023 tăng so với quý I năm 2023 và có số mắc vượt đường cong chuẩn dự báo dịch.

Căn cứ tình hình dịch bệnh SXH, Sở Y tế và CDC Cần Thơ tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát, lồng ghép công tác chỉ đạo phòng, chống dịch SXH tại các quận, huyện trên địa bàn. CDC Cần Thơ phối hợp Trung tâm y tế quận, huyện tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện sau mỗi đợt chiến dịch.

Thiên Thanh - CDC Cần Thơ

comment Bình luận