Cần Thơ: Cứu sống cụ ông 87 tuổi bị ho ra máu “sét đánh”

Ho ra máu "sét đánh" thường gặp ở người bệnh bị các vấn đề về phổi như: Giãn phế quản, lao phổi, di chứng lao, bất thường mạch máu phổi…
7:08 | 23/08/2024

Các bác sĩ tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa cấp cứu và điều trị thành công cho cụ ông 87 tuổi bị ho ra máu “sét đánh” nguy kịch. Đây là tình trạng bệnh diễn biến rất đột ngột và nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.     

Cụ ông Trần Văn A, 87 tuổi, tại  tỉnh Sóc Trăng có triệu chứng ho khan cách đây khoảng 2 tuần, ho ngày càng nhiều. Cụ ho ra máu với lượng trung bình và nhập viện tại khoa tổng hợp, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long. Sau một ngày theo dõi tại phòng chăm sóc đặc biệt, cụ ông đột ngột ho ra máu lượng nhiều (khoảng 1.000 ml), suy hô hấp tiến triển kèm rối loạn tri giác, vã mồ hôi, mạch nhanh, tụt huyết áp, phổi ran ẩm hai bên, thở nhanh nông, co kéo cơ hô hấp phụ. Người bệnh được chẩn đoán tình trạng ho ra máu “sét đánh” gây suy hô hấp cấp - giãn phế quản - di chứng lao.

Xác định người bệnh trong tình trạng nguy kịch, khoa tổng hợp đã thực hiện quy trình báo động Code Blue (quy trình cấp cứu người bệnh ngưng tim, ngưng thở) nội viện, huy động các chuyên khoa cấp cứu khẩn cấp. Cụ ông được đặt nội khí quản, thở máy, lắp vận mạch, điều động ekip nội soi phế quản khẩn để lưu thông đường thở, thám sát (quan sát, thăm dò) và cầm máu.

Bệnh nhân được khám, điều trị tại bệnh viện

Bệnh nhân được khám, điều trị tại bệnh viện

Sau 90 phút nội soi, tình trạng người bệnh cải thiện hơn, các thông số máy thở dần cải thiện. Các bác sĩ đã hội chẩn thống nhất chẩn đoán xác định đây là ca ho ra máu nặng, tái phát nhiều lần trên nền bệnh lý giãn phế quản, di chứng lao, có chỉ định can thiệp đánh giá tắc mạch phổi. Người bệnh được chuyển sang phòng chụp mạch số hoá xoá nền (DSA) để can thiệp xử trí nút tắc một phần mạch máu đỉnh phổi 2 bên.

Tình trạng người bệnh sau can thiệp cải thiện dần, được rút ống nội khí quản và điều trị tại Khoa Tổng hợp. Sau 10 ngày điều trị, người bệnh hết ho máu, các chỉ số sinh hiệu ổn định nên đã được xuất viện và theo dõi tái khám ngoại trú.

ThS.BS Lê Trọng Nhân - khoa tổng hợp, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: “Ho ra máu “sét đánh” là tình trạng bệnh diễn biến đột ngột, nhanh chóng, máu có thể nôn ra ồ ạt không cầm được. Máu đông có thể gây bít tắc đường thở, biến chứng suy hô hấp cấp trong thời gian ngắn, gây suy tuần hoàn, giảm tưới máu các cơ quan và có thể dẫn đến tử vong. Khi xử trí ho máu rất nặng và ho ra máu sét đánh, việc quan trọng nhất là giải phóng đường thở bằng việc đặt nội khí quản và hút máu trong đường thở, giúp lưu thông tốt đường dẫn khí, nếu không người bệnh sẽ tử vong ngay lập tức. Việc làm này cần tiến hành song song với quá trình cấp cứu nội khoa và gây tắc động mạch phế quản cấp cứu mới hy vọng cứu sống người bệnh.”

BS.CKII Nguyễn Thị Thu Thảo - Phó Trưởng khoa tổng hợp, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long chia sẻ thêm: “Cụ ông trong trường hợp này được cứu sống nhờ kịp thời tiến hành hồi sức nội khoa và khai thông đường thở, nội soi phế quản cấp cứu và can thiệp nội mạch sớm. Đây cũng là kỳ tích trong thực hành lâm sàng, vì ho ra máu sét đánh rất nặng, tỷ lệ tử vong gần như 100% do tắc nghẽn đường thở cấp tính dù được cấp cứu kịp thời. Đặc biệt, nhờ có sự phối hợp khẩn trương hiệu quả giữa các chuyên khoa tại bệnh viện, người bệnh đã thoát khỏi cơn nguy kịch.”

Ho ra máu sét đánh thường gặp ở người bệnh bị các vấn đề về phổi như: giãn phế quản, lao phổi, di chứng lao, bất thường mạch máu phổi… Khi có biểu hiện ho ra máu dù nhiều hay ít, người bệnh cần được chuyển ngay đến cơ sở y tế để có biện pháp điều trị phù hợp và kịp thời.

H.Xuân

comment Bình luận