Cà Mau: Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có công văn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND các huyện, TP. Cà Mau tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo nội dung công văn số 83/BNNMT-CNTY ngày 14/3/2025 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh và khẩn trương tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi.
12:12 | 25/03/2025

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND các huyện, TP. Cà Mau và đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các nội dung có liên quan tại công văn số 83/BNNMT-CNTY ngày 14/3/2025 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 12/UBND-NNTN ngày 2/1/2025 về việc thống nhất kế hoạch và kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2025, Công văn số 10907/UBND-NNTN ngày 24/12/2024 về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục, dại,… tại các địa phương đã, đang có dịch, có nguy cơ cao, đảm bảo tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm phòng; chủ động triển khai giám sát dịch bệnh động vật để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, không để lây lan diện rộng.

Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi

Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi

Đẩy mạnh áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại khu vực chăn nuôi có nguy cơ cao, ổ dịch cũ; tiếp tục thực hiện xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, giám sát các trường hợp mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật trái phép, không đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch bệnh và an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở về nguy cơ, tác hại của các loại dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Báo cáo đầy đủ, kịp thời tình hình dịch bệnh động vật qua hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến theo đúng quy định.

Diễm Phương

comment Bình luận