Bình Thuận: Tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh

Theo hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận 187 trường hợp mắc sốt xuất huyết, so với cùng kỳ năm 2024 số ca mắc giảm (năm 2024 ghi nhận 230 trường hợp mắc), tuy nhiên đã có 1 trường hợp tử vong tại huyện Hàm Tân.
15:20 | 15/02/2025

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, không để dịch bùng phát, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Sở Y tế Bình Thuận đã ban hành công văn đề nghị các đơn vị triển khai các công việc cụ thể như sau:

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến, tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh, có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo Trung tâm Y tế tuyến huyện trong công tác giám sát dịch tại những vùng nguy cơ cao; rà soát, chuẩn bị đầy đủ hóa chất, trang thiết bị, phương tiện, nhân lực để kịp thời xử lý khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.

Phối hợp, hướng dẫn Trung tâm Y tế tuyến huyện và các bệnh viện lấy mẫu bệnh phẩm để thực hiện xét nghiệm, xác định type vi rút gây bệnh sốt xuất huyết đang lưu hành tại địa phương.

Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống Sốt xuất huyết tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch; kịp thời hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch.

Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố: Tham mưu UBND cấp huyện chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể cảnh, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các biện pháp xử lý.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tham mưu UBND cấp huyện tổ chức tập huấn chuyên môn và chỉ đạo các phòng khám tư nhân trên địa bàn thực hiện nghiêm túc quản lý điều trị, theo dõi phân tuyến và chuyển tuyến kịp thời, an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Triển khai giám sát chặt chẽ tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch.

Đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể.

Tăng cường các hoạt động truyền thông phòng chống bệnh sốt xuất huyết để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải gây đọng nước, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt; truyền thông về dấu hiệu của bệnh Sốt xuất huyết và hướng dẫn khi mắc bệnh không tự điều trị tại nhà, đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Cập nhật và báo cáo đầy đủ, kịp thời tình hình dịch bệnh qua phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời; đồng thời rà soát, điều chỉnh quy trình tiếp nhận sàng lọc, phân loại ca bệnh, có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.

Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền (đặc biệt là dung dịch cao phân tử) dùng trong điều trị Sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức tập huấn, đào tạo lại cho cán bộ y tế về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Sốt xuất huyết theo các hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thực hiện báo cáo kịp thời, đầy đủ, thông tin rõ ràng ca bệnh Sốt xuất huyết trên phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế để các Trung tâm Y tế tuyến huyện tiến hành giám sát ca bệnh, sớm nhận định ổ dịch Sốt xuất huyết để xử lí kịp thời.

Hữu Tri

comment Bình luận