Bình Dương: Ngành y tế nỗ lực không ngừng để phát triển ​

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tinh thần của nhân viên y tế cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng. Vượt lên những khó khăn, thách thức, cán bộ, nhân viên ngành y tế Bình Dương đã củng cố lại tinh thần, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ "chữa bệnh - cứu người" với những kết quả ấn tượng và mục tiêu hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm y tế của vùng.
12:03 | 14/02/2024

Thành tựu y khoa

Khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, ngành y tế Bình Dương tập trung triển khai các hoạt động thích ứng trong tình hình mới, an toàn, vừa tích cực kiểm soát, phòng, chống dịch hiệu quả, vừa thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Cùng với những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch, ngành y tế đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thường xuyên. Công tác khám, chữa bệnh tiếp tục thực hiện đổi mới phong cách, nâng cao chất lượng phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Trong những thành tựu chung của ngành phải kể đến ca nối thành công cẳng chân bị đứt lìa sau một tuần cấy ghép "nuôi" ở chân lành do ekip bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương thực hiện.

Ngày 31/12/2022, anh Mai Văn Đẹt, 41 tuổi, bị tai nạn giao thông, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng tỉnh táo, đứt rời 1/3 cẳng chân phải, phần cơ bị dập nát, không được sơ cứu và bảo quản, dính nhiều dị vật là đất, cát; kèm theo chấn thương ở đầu và ngực khá nghiêm trọng. Sau khi cấp cứu hồi sức cho bệnh nhân, các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã hội chẩn khẩn và chỉ định nuôi giữ cẳng chân phần đứt lìa vào chân lành để chờ nối lại giúp người bệnh có cơ hội giữ chân, tránh tàn phế.

Hơn 1 tuần "nuôi" ở chân lành, các bác sĩ đã phẫu thuật nối lại cẳng chân dập đứt lìa cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật thực hiện trong 15 giờ đồng hồ do BS.CK II Võ Thái Trung - Phó Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình là phẫu thuật viên chính.

Ca phẫu thuật ghép nối chân thành công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương

Ca phẫu thuật ghép nối chân thành công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương

Ca phẫu thuật ghép nối chân thành công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đã tạo nên tiếng vang lớn vì đây là lần đầu tiên kỹ thuật này được thực hiện ở Việt Nam. Thành công của ca phẫu thuật đã đem lại hy vọng, niềm vui cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, tạo sự lan tỏa và củng cố thêm niềm tin của người dân vào khả năng chuyên môn của ngành y tế tỉnh.

Bên cạnh ca phẫu thuật ghép nối chân thành công còn những ca phẫu thuật chuyên sâu điều trị can thiệp bít dù cho bệnh nhân tim bẩm sinh thông liên nhĩ còn ống động mạch và điều trị can thiệp đặt stent cho bệnh nhân hẹp động mạch thận.

Hai kỹ thuật chuyên sâu này được sự hỗ trợ, chuyển giao từ PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh và nhóm bác sĩ điều trị can thiệp bệnh tim bẩm sinh. 

Bệnh nhân là nữ, 26 tuổi, phát hiện thông liên nhĩ khoảng 2 tháng với triệu chứng mệt, khó thở khi gắng sức. Siêu âm tim qua thành ngực và siêu âm tim qua thực quản, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân bị thông liên nhĩ lỗ thứ phát. Các bác sĩ đã tiến hành giải phẫu và lên kế hoạch điều trị can thiệp. Kết quả, bệnh nhân được bít dù thành công.

Trường hợp thứ hai là một thai phụ 33 tuổi, đang mang thai lần hai, thai 29 tuần tuổi. Thai phụ có biểu hiện mệt, đau ngực khi gắng sức, thường xuyên hồi hộp, tim đập mạnh, viêm phổi nhiều lần. Thai phụ được siêu âm tim qua thành ngực kiểm tra còn ống động mạch và áp lực mạch máu phổi. Các bác sĩ tiến hành hội chẩn với PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu về việc điều trị can thiệp bít dù còn ống động mạch cho thai phụ khi ở giai đoạn đầu của 3 tháng cuối thai kỳ. Bệnh nhân được lên kế hoạch điều trị can thiệp bít dù che chắn chì, bảo đảm an toàn cho mẹ và thai nhi. Thai phụ được điều trị bít dù thành công, triệu chứng cải thiện rõ rệt, không còn cảm giác mệt, khó thở khi gắng sức, triệu chứng hồi hộp, tim đập mạnh không còn. Đặc biệt, hiện nay bệnh nhân không còn tình trạng viêm phổi tái diễn.

Ngoài thành công với điều trị can thiệp bít dù, dưới sự hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu từ PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu và nhóm bác sĩ can thiệp động mạch ngoại biên, Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiến hành can thiệp đặt stent động mạch thận cho một trường hợp hẹp gốc động mạch thận phải. Đó là bệnh nhân nam, 20 tuổi, nhập viện vì tình trạng tăng huyết áp khó kiểm soát ở người trẻ. Các bác sĩ tiến hành siêu âm bụng và phát hiện hẹp nặng động mạch thận phải. Bệnh nhân được lên kế hoạch nong và đặt stent động mạch thận phải. Ca đặt stent diễn ra thành công. Sau khi đặt Stent, huyết áp bệnh nhân dần ổn định, bình thường. 

Kết quả những ca phẫu thuật trên được đánh giá là "kỳ tích y khoa" đã minh chứng cho sự thành công của y tế kỹ thuật cao tại Bình Dương. Không chỉ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, yếu tố con người - nguồn nhân lực chất lượng cao được tỉnh ưu tiên hàng đầu với mục tiêu tăng cường ứng dụng kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán và điều trị bệnh nặng.

Những ca phẫu thuật y tế kỹ thuật cao tại Bệnh viện Đa khoa Bình Dương

Những ca phẫu thuật y tế kỹ thuật cao tại Bệnh viện Đa khoa Bình Dương

PGS.TS Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết, nhằm tăng cường hoạt động chuyển giao các kỹ thuật cao, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã hợp tác với các bệnh viện trong và ngoài nước, tổ chức các hội thảo, hội nghị tham vấn. Nhiều bác sĩ, giáo sư đầu ngành đã về Bình Dương chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao kỹ thuật mới theo phương thức "cầm tay chỉ việc". Bệnh viện cũng đã gửi các bác sĩ trẻ đi học tập tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội,… Đặc biệt, bước quan trọng nhất, theo bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đó là khơi dậy, phát huy tối đa khả năng của chính các bác sĩ tại bệnh viện. "Tôi rất tự hào khi bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện thành công các ca phẫu thuật khó, tạo nên kỳ tích y khoa".

Tiếp tục đào tạo và thu hút nhân tài

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại dịch Covid-19 cũng đã làm bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế của ngành y tế cả nước. Năm 2023, ngành y tế đối mặt với những cuộc khủng hoảng thiếu thuốc, vật tư y tế; đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế; hàng loạt nhân viên y tế nghỉ việc,...

Tại Bình Dương, một số nhân viên y tế có tay nghề và thâm niên ở khu vực công nghỉ việc hoặc chuyển sang y tế tư nhân, đặc biệt là những bác sĩ, chuyên viên, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn. Việc tuyển mới điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên gặp khó do đặc thù ngành học vất vả, không có điều kiện làm thêm để tăng thu nhập như bác sĩ.

Tình hình thiếu thuốc, vật tư y tế, hoá chất xét nghiệm gây khó khăn cho công tác khám, chữa bệnh. Nhiều người có kinh nghiệm trong công tác đấu thầu đã xin nghỉ việc, cán bộ, công chức, viên chức e ngại khi tham gia vào công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế,…

Để giải quyết "bài toán" nguồn nhân lực, trong khi chờ đợi các chính sách của Trung ương về cải cách tiền lương để cải thiện thu nhập, giữ chân nhân viên y tế, các sở ngành đang tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chính sách thu hút, hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế tại Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND về chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương và Quyết định số 33/2012/QĐ-UBND về quy định chính sách, chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế tỉnh Bình Dương.

Tổ chức các hội nghị khoa học

Tổ chức các hội nghị khoa học

Về lâu dài, theo BS.CK II Huỳnh Minh Chín – Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết: “Ngành y tế chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực y tế. Việc đào tạo thực hiện theo 3 nhóm mô hình: Nhóm đào tạo ngắn hạn trang bị các kiến thức cần thiết, khẩn cấp như cấp cứu ngừng tuần hoàn ngoại viện, chăm sóc trẻ sốt xuất huyết,…; nhóm đào tạo trung hạn là các khoá học cấp chứng chỉ hành nghề về nội soi, siêu âm, can thiệp, phẫu thuật và đào tạo dài hạn về chuyên khoa II, chuyên khoa I, thạc sĩ, tiến sĩ. Thông qua các hoạt động đào tạo, các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế vừa có cơ hội học tập, vừa có cơ hội cống hiến và nâng cao thu nhập. Nếu hoạt động đào tạo thường xuyên, liên tục sẽ góp phần cung ứng nguồn nhân lực bền vững cho ngành y tế tỉnh”.

Hiện thực hóa khát vọng đưa y tế Bình Dương trở thành trung tâm y tế của vùng không phải là nhiệm vụ có thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Hệ thống y tế toàn tỉnh phải thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, thiếu sót để học tập, để thay đổi, để phát triển đồng bộ. Tuy nhiên, để y tế Bình Dương "vươn mình" không chỉ là sự cố gắng nỗ lực của ngành y tế mà cần đến sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự tham gia phối hợp của các ngành, tổ chức, đoàn thể và sự đồng tình ủng hộ của các tầng nhân dân toàn tỉnh. Đảng phải lãnh đạo, chính quyền phải điều hành, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc chung tay đưa ngành y tế tỉnh nhà phát triển ngày càng toàn diện và hiện đại.

Bình Dương đang xây dựng đề án phát triển tổng thể ngành y tế Bình Dương đến năm 2030. Đề án nhằm kiện toàn và nâng cao năng lực toàn bộ hệ thống y tế bao gồm: Y tế cơ sở, y tế chuyên sâu tuyến tỉnh và huyện, y tế dự phòng, y tế ngoài công lập. Thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ nhân lực y tế chất lượng cao ở tất cả các chuyên khoa, các tuyến, tạo nguồn nhân lực y tế có kỹ thuật chuyên môn sâu, đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, hợp lý về cơ cấu giữa các chuyên ngành. Nâng cấp năng lực cung ứng dịch vụ của của các đơn vị y tế; đảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ; nâng cao cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người dân.

Đức Tường – Minh Chín

comment Bình luận