Bệnh viện Quân dân y tỉnh Đồng Tháp kịp thời cấp cứu một trường hợp sốc phản vệ

Khoa cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc, bệnh viện Quân dân y Đồng Tháp vừa tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân nữ 59 tuổi bị sốc phản vệ.
13:13 | 22/11/2023

Bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, nôn ói, khó thở, da mặt đỏ ngứa, mạch nhanh, không đều >100l/p nhẹ, huyết áp tụt dần: 85/50mmHg, khó thở, tứ chi lạnh. Qua khai thác tiền sử bệnh, được biết bệnh nhân mắc suy tim, rung nhĩ mạn tính, tăng huyết áp phải dùng thuốc thường xuyên.

Nhận định đây là một trường hợp sốc phản vệ cần cấp cứu khẩn trương, êkíp trực đã ngay lập tức triển khai, thiết lập êkíp cấp cứu hồi sức cho bệnh nhân. Thực hiện các biện pháp cấp cứu theo phác đồ điều trị của bác sĩ như thở oxy, thiết lập 2 đường truyền tĩnh mạch, đưa dịch và dùng ngay các thuốc cần thiết chống sốc đầu tay như adrenalin, methylprednisolon, diphenhydramin HCL10mg/1ml,... và mắc monitor theo dõi sinh hiệu liên tục.

Tình trạng sinh hiệu bệnh nhân cải thiện dần, tỉnh hơn, tiếp xúc được, giảm khó thở, da giảm đỏ và ngứa, mạch 90l/p rõ, huyết áp 110/60 mmHg, SpO2: 97%, nhịp thở 22l/p.

Sau cơn nguy kịch, bệnh nhân được lưu tại khoa cấp cứu bệnh viện để theo dõi tiếp tục cho đến khi ổn định và được chuyển về khoa nội tiếp tục điều trị.

Bệnh nhân được lưu tại khoa cấp cứu bệnh viện để tiếp tục theo dõi

Bệnh nhân được lưu tại khoa cấp cứu bệnh viện để tiếp tục theo dõi

Theo BS.CKI Phạm Duy Thắng - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn bệnh viện Quân dân y Đồng Tháp, sốc phản vệ là một kiểu phản ứng dị ứng cấp tính nặng đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không được xử trí điều trị kịp thời. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên sốc phản vệ, một số nguyên nhân thường gặp như thuốc, thực phẩm, hóa chất, nọc độc côn trùng, bò sát, protein.

Sốc phản vệ trải qua 3 giai đoạn chính: Giai đoạn 1 là giai đoạn mẫn cảm, khi dị nguyên đi vào cơ thể; giai đoạn 2 là giải phóng nhiều chất trung gian serotonin, histamin; giai đoạn 3 là giai đoạn động mạch bị giãn, huyết áp hạ, phế quản co thắt, bệnh nhân bị choáng hay có thể hôn mê.

Để phòng tránh sốc phản vệ, bệnh nhân cần báo cho thầy thuốc biết bạn đã từng dị ứng hay sốc phản vệ. Đồng thời nhân viên y tế có trách nhiệm hỏi kỹ các tiền sử dị ứng của bệnh nhân, thực hiện sử dụng theo quy định bộ y tế, luôn kiểm tra hộp thuốc chống sốc, theo dõi sát bệnh nhân sau sử dụng thuốc, thường xuyên tập huấn cho nhân viên y tế về nhận biết và xử trí sốc phản vệ.

Ngọc Nguyễn

comment Bình luận