Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên phẫu thuật thành công ca sỏi san hô phức tạp

Vừa qua, Khoa Ngoại Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã phẫu thuật thành công lấy sỏi san hô phức tạp tái phát ra khỏi thận phải cho bệnh nhân T.Q.V, 64 tuổi, tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.
9:19 | 14/01/2024

Được biết, bệnh nhân V nhập viện trong tình trạng đau bụng âm ỉ thắt lưng, di chứng liệt nửa người. Sau kết quả chụp chiếu, bác sĩ kết luận bệnh nhân có nguy cơ phải cắt bỏ thận và cần phẫu thuật lấy sỏi thận.

Ca phẫu thuật kéo dài hơn 1 tiếng, các bác sĩ đã loại bỏ sỏi san hô ra khỏi thận phải người bệnh với kích thước tương đối lớn, chiều dài 12 cm, ngang 7 cm. Điều may mắn là bệnh nhân không phải cắt bỏ thận.

Đến nay, sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục tốt, có thể ăn uống và không đau.

Sức khỏe người bệnh hồi phục tốt sau ca phẩu thuật lấy sỏi thận cực kỳ phức tạp (ảnh: Đình Thi)

Sức khỏe người bệnh hồi phục tốt sau ca phẩu thuật lấy sỏi thận cực kỳ phức tạp (ảnh: Đình Thi)

Theo BS.CKII Nguyễn Ngọc Hoàng - Trưởng Khoa Ngoại Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, đây là ca bệnh có sỏi thận cực kỳ phức tạp, thận không ứ nước, chủng mô dày; sỏi to, chân bám rất nhiều. Đặc biệt, khi tiếp nhận, bệnh nhân trong tình trạng khá nguy hiểm: sốt cao, suy kiệt thận, nhiễm trùng huyết, thiếu máu, ứ mủ trong thận.

Sỏi thận nếu không được điều trị sớm có thể gây nhiều biến chứng như nhiễm khuẩn đường tiết niệu, suy thận, nhiễm độc toàn thân, thậm chí dẫn đến tử vong. Người dân cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ từ 3 – 6 tháng/lần và đến ngay các cơ sở y tế uy tín khi có các triệu chứng như đau nhức vùng hông, lưng, tiểu buốt, tiểu gắt. Ngoài ra nên uống mỗi ngày ít nhất 2 lít nước để phòng tránh các nguy cơ hình thành sỏi.

Bảo Trọng

comment Bình luận