Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu bé trai 12 tuổi nhập viện do pháo nổ

Ngày 15/12, theo thông tin từ bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi 12 tuổi bị thương tích nặng, dập nát 2 bàn tay do pháo nổ.
10:46 | 16/12/2023

Bệnh nhi P.L.B.K, nam, 12 tuổi, ở TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Tối 14/12, bệnh nhi được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng đa chấn thương, choáng chấn thương, mạch nhanh, huyết áp tụt, mất nhiều máu, dập nát bàn tay phải, trái, có nhiều vết thương vùng mặt và 2 mắt, vết thương cẳng chân phải, vết thương 2 bàn chân phải và trái do hỏa khí.

Ngay lập tức, các bác sĩ khoa chấn thương - chỉnh hình bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiến hành phẫu thuật. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, bệnh nhi được truyền 4 đơn vị máu. Do vết thương nặng, bệnh nhi phải tháo bỏ toàn bộ bàn tay trái, tháo bỏ 4 ngón bàn tay phải, các vết thương ở chân và cẳng chân đã được cắt lọc để hở, các vết thương sây sát vùng hàm, mặt đã được các bác sĩ chuyên khoa mắt kiểm tra, hiện tại mắt có dấu hiệu mờ. Hiện nay, sau ca phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân đã tạm ổn và sẽ được chuyển lên tuyến trên để tiếp tục điều trị.

Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu bé trai 12 tuổi nhập viện do pháo nổ

Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu bé trai 12 tuổi nhập viện do pháo nổ

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Trực - Trưởng khoa chấn thương - chỉnh hình bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, pháo là chất nổ có sức tàn phá mạnh, thường để lại di chứng nặng nề về sau cho các bệnh nhân. Tổn thương do pháo nổ rất nguy hiểm, gây chấn thương phần mềm, rách da, chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay chân,... Các thương thích này rất khó làm sạch do dính dị vật khi pháo nổ, khó khăn cho quá trình điều trị. Nhiều trường hợp vết thương không thể tái tạo, dẫn đến nạn nhân tàn phế. Thông thường vào các tháng cuối năm và khi tết đến, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp chấn thương do pháo, chủ yếu ở trẻ vị thành niên, từ 15 đến 20 tuổi.

Để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho trẻ cũng như tất cả mọi người, bác sĩ Nguyễn Minh Trực khuyến cáo gia đình, nhà trường giáo dục trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ. Khi gặp trường hợp bệnh nhân bị các chấn thương do pháo nổ cần nhanh chóng tiến hành các biện pháp sơ cứu, trường hợp các chi của cơ thể bị đứt lìa, nên rửa phần đứt bằng nước muối sinh lý sau đó đặt vào túi sạch rồi bỏ vào túi có đá lạnh (không cho trực tiếp vào đá lạnh) và đưa vào viện cùng nạn nhân. Lưu ý cần đưa bệnh nhân nhập viện càng sớm càng tốt, không tự điều trị tại nhà hoặc dùng thuốc không rõ nguồn gốc khiến vết thương nặng nề, không thể hồi phục.

Mai Lê

 
comment Bình luận