Bệnh vảy nến: Điều chỉnh tâm lý và giảm căng thẳng là rất quan trọng

Bệnh vảy nến là một rối loạn tự miễn dịch mãn tính gây ra những mảng da đỏ, có vảy trắng bạc, đặc biệt ở khuỷu tay, đầu gối, da đầu và lưng. Vảy nến không phải là bệnh truyền nhiễm, vì vậy không lây từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc. Tuy nhiên, bệnh vảy nến ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nên việc điều chỉnh tâm lý và giảm căng thẳng là rất quan trọng.
8:22 | 29/10/2024

Vảy nến không lây qua tiếp xúc

Theo ThS.BS Phạm Thị Uyển Nhi, Phó Trưởng phòng KHTH Bệnh viện Da liễu TP.HCM, bệnh vảy nến là một bệnh tự miễn, nghĩa là hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào các tế bào da, làm cho tế bào da phát triển nhanh gấp nhiều lần bình thường. Tình trạng này gây ra các mảng da dày, đỏ, có vảy trắng hoặc bạc.

Nguyên nhân của bệnh không phải do vi khuẩn, virus hay bất kỳ tác nhân gây bệnh nào từ bên ngoài, mà là do rối loạn hệ miễn dịch và yếu tố di truyền bên trong cơ thể. Vì không có sự hiện diện của tác nhân lây nhiễm, bệnh không thể truyền từ người này sang người khác.

“Do các biểu hiện của vảy nến (da đỏ, bong tróc) thường khiến người ta nhầm lẫn rằng đây là bệnh ngoài da có thể lây lan. Tuy nhiên, vảy nến hoàn toàn không lây, và người mắc bệnh không gây nguy hiểm cho người khác trong quá trình tiếp xúc hàng ngày”, BS Uyển Nhi nói.

ThS.BS Phạm Thị Uyển Nhi, Phó Trưởng phòng KHTH Bệnh viện Da liễu TP.HCM chia sẻ tại kỷ niệm Ngày Vảy nến Thế giới 29/10

ThS.BS Phạm Thị Uyển Nhi, Phó Trưởng phòng KHTH Bệnh viện Da liễu TP.HCM chia sẻ tại kỷ niệm Ngày Vảy nến Thế giới 29/10

BS Uyển Nhi cho biết, ở những người bị vảy nến, tế bào da phát triển nhanh gấp 10 lần so với người bình thường, tạo thành các mảng da đỏ dày và có vảy. Triệu chứng phổ biến của vảy nến gồm: các mảng da đỏ, dày, có vảy trắng hoặc bạc; da khô, nứt nẻ và có thể chảy máu; ngứa hoặc rát; móng tay dày, dễ gãy; sưng, cứng khớp (trong trường hợp viêm khớp vảy nến). Một số yếu tố đóng vai trò khởi phát hoặc làm tình trạng vảy nến nặng hơn như: stress, tổn thương da, nhiễm trùng, một số loại thuốc, hút thuốc lá, uống rượu bia...

Vì vậy, để kiểm soát toàn diện bệnh vảy nến, bệnh nhân cần thăm khám và tuân thủ điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa da liễu và được theo dõi lâu dài. Ngoài ra, bệnh nhân nên tìm hiểu về bệnh, bởi nó giúp hỗ trợ cho việc chăm sóc, điều trị và hạn chế tái phát bệnh.

“Khi phát hiện bệnh vảy nến, người bệnh nên đến những cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được thăm khám và tư vấn phác đồ điều trị thích hợp. Không được tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc hoặc thuốc theo quảng cáo để điều trị vảy nến, về lâu dài sẽ làm mất cơ hội chăm sóc lúc đầu để hạn chế nguy cơ tàn phế sau này cho người bệnh”, BS Uyển Nhi khuyến cáo.

Sống vui, sống khoẻ cùng vảy nến

Do bệnh vảy nến có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống nên người bệnh dễ gặp phải tình trạng căng thẳng, lo âu, và đôi khi là trầm cảm.

Theo TS. Bùi Hồng Quân, Chuyên gia tâm lý - Ủy viên Ban chấp hành Hội Tâm lý học Việt Nam, khi người bệnh đối diện với triệu chứng vảy nến, đừng tập trung vào cảm giác ngứa mà hãy “vỗ về” vết ngứa. Theo đó, hãy cư xử nhẹ nhàng với từng bộ phận ngứa và tuyệt đối không nên suy nghĩ tiêu cực; đừng cố gắng nghĩ vì sao bản thân lại mắc bệnh mà nên nghĩ rằng mình may mắn hơn rất nhiều người đang mắc các căn bệnh mạn tính hoặc nan y khác.

Người bệnh cần xác định sống chung với bệnh lâu dài. Từ đó, tâm trạng người bệnh lạc quan, thoải mái, giúp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và đáp ứng các phương pháp điều trị tốt hơn.

Ở tuổi xế chiều, ông Lâm Ngọc Sơn (ngụ TP.HCM) vẫn kiên cường đối mặt với căn bệnh vảy nến mà ông phát hiện cách đây ba năm. Với ông, vảy nến chỉ là một “chướng ngại vật” trên hành trình cuộc đời, và ông không để nó đánh gục tinh thần của mình. Mỗi khi bệnh tái phát, ông lại tìm đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM để điều trị, khi bệnh thuyên giảm, ông tiếp tục mưu sinh với công việc giao hàng. Ông tự nhủ, giữa dòng đời tấp nập nếu chỉ đắm chìm trong nỗi đau thì liệu có ý nghĩa gì.

Điều chỉnh tâm lý và giảm căng thẳng là rất quan trọng trong điều trị bệnh vảy nến

Điều chỉnh tâm lý và giảm căng thẳng là rất quan trọng trong điều trị bệnh vảy nến

Hơn 25 năm chiến đấu với vảy nến, Bích Hằng (ngụ TP.HCM) vẫn nhớ rõ từng khoảnh khắc đau đớn và tuyệt vọng trong hành trình của mình. Dù đôi lúc mặc cảm với căn bệnh, Bích Hằng vẫn chưa bao giờ bỏ cuộc, săn sàng vượt mọi ngưỡng đau. Giờ đây, trước mặt mọi người Bích Hằng đầy tự tin và rạng rõ trong đồng phục ngân hàng yêu thích.

Bích Hằng chia sẻ: “Tôi cảm thấy biết ơn vì căn bệnh vảy nến đã giúp tôi tìm được người bạn đời thực sự yêu thương và đồng cảm với mình. Chính nhờ vảy nến, tôi đã chọn được những người bạn đồng điệu, những người không đánh giá tôi qua vẻ bề ngoài mà trân trọng con người và năng lực thật sự của tôi. Họ là những người bạn chân thành, luôn kề vai sát cánh và động viên tôi trong mọi hoàn cảnh. Hơn hết, chính họ là nguồn động lực quý giá giúp tôi vượt qua thử thách, tự khơi dậy ý chí trong chính mình, và nhờ đó tôi ngày càng mạnh mẽ hơn”.

Theo BS.CK2 Nguyễn Thị Phan Thúy, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, vảy nến không chỉ là một căn bệnh mà là cả một hành trình thách thức tâm lý xã hội. Ngày Vảy nến Thế giới 29/10 hàng năm là dịp để cộng đồng cùng nhau nhìn nhận đúng đắn về căn bệnh này. Với khẩu hiệu “Bật nến Hạnh Phúc” mỗi ngọn nến thắp lên chính là biểu tượng cho sự kiên cường, là lời nhắn nhủ cho mỗi bệnh nhân rằng họ không đơn độc trên hành trình chiến đấu với bệnh tật.

“Thắp lên ngọn nến của hy vọng và đồng cảm, mọi người xung quanh có thể giúp bệnh nhân vảy nến cảm thấy họ được thấu hiểu và ủng hộ trong cuộc sống”, BS Phan Thuý nhấn mạnh.

Cao Ánh

comment Bình luận