Bệnh tay chân miệng dấu hiệu nhận biết và cách phòng chống

Bệnh tay chân miệng (TCM) là một bệnh truyền nhiễm dễ lây lan nhất là trong giai đoạn chuyển mùa. Đối tượng thường dễ mắc bệnh là trẻ em vì sức đề kháng của trẻ còn yếu. Cha mẹ cần hiểu biết đúng về bệnh để có thể ứng phó kịp thời, kiểm soát dịch bệnh một cách tốt nhất.
15:47 | 17/01/2025

Bệnh TCM là một bệnh truyền nhiễm do nhiễm virus đường ruột Coxsackie nhóm A và Enterovirus 71 (EV71) gây ra, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, tuy nhiên người lớn cũng có thể mắc bệnh. Bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch mũi, phân, hoặc các vật dụng của người bệnh, khiến bệnh rất dễ lây lan trong cộng đồng, nhất là ở những nơi trẻ em sinh hoạt đông đúc như trường học, lớp mẫu giáo…

Bệnh TCM có thể khởi phát với các biểu hiện nhẹ, nhưng nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến biến chứng nặng bệnh nguy hiểm. Các dấu hiệu nhận biết bệnh bao gồm:

Sốt nhẹ đến sốt cao: Trẻ có thể bắt đầu bị sốt trong vài ngày đầu.

Mụn nước, phồng rộp: Các nốt mụn nhỏ, có thể kèm theo mụn nước, xuất hiện chủ yếu ở tay, chân, miệng, và mông. Những mụn này có thể vỡ ra và để lại vết loét.

Đau họng, đau miệng: Trẻ sẽ cảm thấy đau miệng, khó nuốt, và đôi khi là đau họng do vết loét trong miệng.

Mệt mỏi, biếng ăn: Trẻ có thể cảm thấy mệt mỏi, không muốn ăn, uống.

Tổn thương da: Các nốt phồng rộp có thể lan rộng, đặc biệt là ở tay và chân, gây khó chịu cho trẻ.

Nếu trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh TCM, đặc biệt là các dấu hiệu  như sốt cao, mệt mỏi, quấy khóc, các vết lở loét lan rộng, mưng mủ hoặc nghiêm trọng hơn như khó thở, co giật, lơ mơ, hôn mê,… cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh tây chân miệng

Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh tây chân miệng

Các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng

Để bảo vệ sức khỏe trẻ em, các gia đình cần thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh TCM sau đây:

Đảm bảo vệ sinh cá nhân: Vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho trẻ. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với trẻ mắc bệnh.

Vệ sinh đồ chơi và môi trường sống: Lau chùi, khử trùng đồ chơi, bề mặt bàn ghế, đồ dùng của trẻ em để tránh lây nhiễm bệnh.

Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh: Người chăm sóc trẻ hoặc người bệnh cần đeo khẩu trang để ngăn ngừa lây nhiễm qua đường hô hấp.

Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người: Nếu trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, cần cho trẻ nghỉ học và hạn chế tiếp xúc với những trẻ khác để tránh lây lan.

Khám và điều trị kịp thời: Nếu phát hiện trẻ nghi ngờ hoặc có dấu hiệu bệnh TCM, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị. Trường hợp, bệnh đỡ chậm, có dấu hiệu nặng lên, cần điều trị tại bệnh viện để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Thụy Hợp – Thái Tuyền

comment Bình luận