An Giang: Tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng

Vừa qua, ông Phan Vân Điền Phương – Phó Giám đốc Sở Y tế An Giang đã ký ban hành Công văn số 2915/SYT-NVY về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng.
14:59 | 14/10/2024

Trong thời gian gần đây, khu vực phía Nam ghi nhận bệnh tay chân miệng tăng số ca mắc ở tất cả các tỉnh, thành phố và sự xuất hiện trở lại của vi rút EV71; đồng thời căn cứ Công văn số 3343/PAS-KSBT ngày 4/10/2024 của Viện Pasteur TP. HCM về việc tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng. Để chủ động kiểm soát sớm bệnh tay chân miệng, không để bùng phát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh An Giang, Sở Y tế đề nghị các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện các hoạt động sau:

Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chủ trì, phối hợp với trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố thực hiện:

Thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh để kịp thời tham mưu Sở Y tế các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp. Tiếp tục triển khai thực hiện các hướng dẫn của Bộ Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đẩy mạnh hoạt động thu thập thông tin, phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch nhiều nguồn khác nhau như hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm theo Thông tư 54/2015/TT-BYT, giám sát dựa vào sự kiện (EBS), trường học, cộng đồng. Tăng cường điều tra mở rộng ở khu vực ghi nhận ca bệnh và cộng đồng tránh bỏ sót ca bệnh, ổ dịch.

Chủ động chuẩn bị kinh phí đảm bảo thuốc, thiết bị y tế, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo đủ nhân lực hỗ trợ trong công tác điều tra, xử lý dịch khi phát hiện tại tuyến cơ sở, bệnh viện và cộng đồng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh bao gồm giám sát phát hiện và báo cáo ngay cho y tế khi có ca bệnh/ổ dịch; vệ sinh lớp học và môi trường; hướng dẫn rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch; đồng thời hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ theo dõi và cho trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Ngoài ra, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Chủ động, phối hợp với Sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng về phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại cộng đồng và các trường học, nâng cao kiến thức cho người chăm sóc trẻ về dấu hiệu nhận biết, theo dõi trẻ mắc bệnh tay chân miệng và các biện pháp phòng chống tay chân miệng, tuân thủ nguyên tắc bốn sạch: “ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và đồ chơi sạch”.

Chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố thực hiện giám sát chặt chẽ các trường hợp tay chân miệng tại khu điều trị và cộng đồng, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch. Củng cố các đội chống dịch cơ động, thực hiện điều tra, xác minh ca bệnh/ổ dịch và triển khai các biện pháp xử lý theo quy định của Bộ Y tế.

Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Tổ chức tốt công tác thu dung, phân luồng khám bệnh; cách ly điều trị, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.

Tăng cường phát hiện, quản lý và điều trị sớm cho bệnh nhân tay chân miệng theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế; đảm bảo đầy đủ thông tin tất cả các trường hợp nội trú và ngoại trú được báo cáo theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế.

Khẩn trương rà soát thuốc, vật tư, hóa chất phục vụ công tác điều trị và khử khuẩn phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng; chuẩn bị nhân lực hỗ trợ tuyến cơ sở trong công tác điều trị khi có yêu cầu.

SYT An Giang

comment Bình luận