Bát nháo tại nhiều phòng khám tư – Bài 4: Không bán thuốc bị xem là… khác người

Bác sĩ phòng khám tư ở TP. Hồ Chí Minh không bán thuốc cho bệnh nhân, thì bị đồng nghiệp xem là… khác người.
17:28 | 06/06/2024

Trong loạt bài trước, phóng viên (PV) phản ánh thực trạng bát nháo ở không ít phòng khám tư trên địa bàn TP. HCM. Các phòng khám này ngoài khám bệnh còn bán thuốc, tiêm chích, truyền dịch cho bệnh nhân để thu tiền. Chưa hết, có phòng khám còn sử dụng cả người không có chứng chỉ hành nghề, bác sĩ chưa đăng ký hành nghề, kể cả áp dụng nhiều cách thức để dẫn dụ bệnh nhân.

Tuy nhiên, cũng có bác sĩ ở phòng khám tư không bán thuốc mà đưa toa cho bệnh nhân tự tìm mua.

“Tôi chỉ biết khám bệnh”

Trong quá trình tác nghiệp, PV đã tới phòng khám của BS. L ở Quận 11, TP. HCM, hiện đang công tác tại BV Nhân dân Gia Định.

Khám xong, BS. L cho PV toa và nói thuốc có bán ở các nhà thuốc. PV hỏi: “Phòng khám mình không bán thuốc hả bác sĩ?”, BS. L trả lời: “Không”. PV hỏi tiếp: “Sao BS. không bán thuốc như nhiều phòng khám khác?”. BS. L liền nói: “Tôi là bác sĩ, chỉ biết khám bệnh. Còn bán thuốc là công việc của dược sĩ”.

Lúc này, PV trình bày là nhà báo, đang tác nghiệp tìm hiểu hoạt động của các phòng khám tư. PV kể đa phần các phòng khám đều bán thuốc, riêng phòng khám của BS. L là ngoại lệ. PV đề nghị được viết tên thật, BS. L từ chối với lý do: “Tôi không bán thuốc tại phòng khám là đi ngược “tư duy” của nhiều đồng nghiệp. Tôi không muốn bị đồng nghiệp xem là… khác người”.

Tình trạng bác sĩ ở TP. HCM vừa khám bệnh vừa bán thuốc diễn ra đã lâu (Ảnh: TRẦN NGỌC)

Tình trạng bác sĩ ở TP. HCM vừa khám bệnh vừa bán thuốc diễn ra đã lâu (Ảnh: TRẦN NGỌC)

Nghe PV nói các bác sĩ phòng khám cho rằng bán thuốc vì lý do “mưu sinh”, BS. L liền chia sẻ: “Tôi khám một buổi được tầm 20 bệnh nhân, công khám mỗi bệnh nhân là 100.000 đồng. Tính ra thu nhập thêm của tôi mỗi buổi tối là 2 triệu đồng, không nhỏ so với thu nhập của nhiều lao động khác. Do vậy, nói bán thuốc vì lý do “mưu sinh” là không hợp lý”.

BS. L còn cho biết thêm, bệnh nhân tới khám đều mong muốn hết đau, mau khỏi bệnh. Nắm được tâm lý này, không ít bác sĩ phòng khám tiêm các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, nội tiết, thuốc bổ (vitamin B, C)… Đối với những người mệt mỏi, chán ăn, suy nhược cơ thể, bác sĩ sẽ cho truyền đạm để phục hồi sức khỏe.

“Tiêm chích và truyền dịch mau có tác dụng nên người bệnh khen bác sĩ “mát tay” và sẵn sàng chi thêm tiền. Đây là lý do khiến không ít phòng khám tư lạm dụng việc làm nói trên, để thu lợi và nâng uy tín”, BS. L nói.

Rất cần vai trò của hội nghề nghiệp

“Thực tế cho thấy bác sĩ phòng khám tư bán thuốc xảy ra đã lâu, cho dù hành vi này bị cấm” - PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội thuộc đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM cho biết.

Đề cập tới nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng: Thứ nhất là ý thức của mỗi bác sĩ; Thứ hai là thu nhập; Thứ ba do lực lượng thanh tra, kiểm tra quá ít.

“Phòng khám tư do phòng y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức quản lý. Tuy nhiên, do phòng y tế thiếu người nên không ít phòng khám tư mấy năm trời không bị thanh tra, kiểm tra. Do vậy, dễ xảy ra tình trạng bác sĩ phòng khám tư bán thuốc cho người bệnh” - bà Lan chia sẻ.

Ở các nước, hội nghề nghiệp được thành lập để kiểm tra các phòng khám tư. Trong một khu vực có bao nhiêu phòng khám tư, thì toàn bộ bác sĩ của các phòng khám đó sẽ tham gia bác sĩ đoàn, tự quản lẫn nhau. “Nước Pháp chẳng hạn, có 5 hội nghề nghiệp và tính tự quản của mỗi hội viên rất cao. Liên quan đến lĩnh vực khám, chữa bệnh thì có bác sĩ đoàn, gồm các bác sĩ, y sĩ, có quyền tước chứng chỉ hành nghề của bác sĩ, nếu có vi phạm”, bà Lan cho biết.

Do vậy, Việt Nam phải có một cơ chế để hội nghề nghiệp phát huy tác dụng, tự chủ và quản lý lẫn nhau. Một khi quản lý lẫn nhau, thì quản rất chặt bởi có tính cạnh tranh. “Hiện công tác thanh tra, kiểm tra phòng khám tư của chúng ta rất là hình thức. Chỉ khi có chuyện xảy ra, hoặc báo chí phản ánh, thì cơ quan chức năng mới vào cuộc, chứ tự họ (cơ quan chức năng – PV) không phát hiện được sai phạm. Do vậy, rất cần vai trò của hội nghề nghiệp. Tuy nhiên, Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện vẫn chưa chấp nhận vai trò của hội”, bà Lan cho biết thêm.

Cần rà soát lại quy trình thẩm định cấp giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh cho các phòng khám

Tháng 1/2024, Sở Y tế TP. HCM cấp giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh số 1xxx cho BS. T. Theo quy định, phòng khám chuyên khoa phải có buồng khám bệnh, chữa bệnh có diện tích ít nhất 10 m2. Phòng khám phải được xây dựng chắc chắn, đủ ánh sáng, có trần chống bụi, tường và nền nhà phải sử dụng các chất liệu dễ tẩy rửa làm vệ sinh. Tuy nhiên, phòng khám của BS. T , được xây dựng sơ sài, chỉ để đủ một giường nằm, một bàn làm việc và vài chiếc ghế. Thế nhưng, phòng khám này vẫn được Sở Y tế TP. HCM thẩm định đạt.

Tìm hiểu thêm, PV được biết BS. T hiện đang công tác tại một BV ở TP. HCM. Thời gian làm việc của BS. T tại BV này xuyên suốt thứ Hai tới Chủ nhật, mỗi ngày từ 6 giờ đến 20 giờ. Trong khi đó, giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh do Sở Y tế TP. HCM cấp ghi rõ thời gian làm việc của BS T tại phòng khám hằng ngày từ 17 giờ đến  21 giờ 30.

Điều này dễ dẫn đến tình trạng BS. T không có mặt ở phòng khám từ 17 giờ tới 20 giờ. Thế nhưng, trong khoảng thời gian này, phòng khám vẫn hoạt động, vẫn có người khác khám cho bệnh nhân. Trong khi quy định người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải có mặt trong thời gian phòng khám hoạt động.

Trước tình trạng nói trên, Sở Y tế TP. HCM cần rà soát lại quy trình thẩm định cấp giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh cho các phòng khám.

Trần Ngọc

comment Bình luận