Bát nháo tại nhiều phòng khám tư – Bài 3: “Tay ngang” khám bệnh
Trong kì trước, phóng viên (PV) nêu thực trạng không ít bác sĩ (BS.) ở phòng khám tư trên địa bàn TP. HCM phớt lờ các quy định của Bộ Y tế, để bán thuốc, tiêm chích, truyền dịch…
Tuy nhiên chưa dừng tại đây, nhiều phòng khám còn để người không có chứng chỉ hành nghề vô tư chẩn đoán bệnh hoặc dùng đủ “chiêu trò”, để thu hút bệnh nhân tới phòng khám với mục đích “thu càng nhiều tiền càng tốt”.
Người phụ việc “hóa” thành bác sĩ
Trong vai người bị bệnh đường ruột, PV tìm đến phòng khám của BS. T ở quận 12, TP. HCM. Một phụ nữ khá trẻ khoác vội áo blouse, không có bảng tên hỏi PV tình trạng bệnh. Trong lúc trình bày bệnh tình với người phụ nữ, BS. T đi vào bảo PV nằm lên giường để siêu âm. Nghe PV từ chối siêu âm vì không đủ tiền, BS. T liền bỏ đi.
Lúc này, người phụ nữ tiếp tục hỏi han bệnh tình của PV. Sau khi nghe PV nói bị đau ê ẩm vùng bụng, “đi ngoài” nhiều lần vào ban đêm, người phụ nữ đề nghị PV truyền dịch và tiêm thuốc để mau khỏi bệnh. PV từ chối vì sợ đau, người phụ nữ liền mở tủ lấy 3 ngày thuốc rồi dặn về sử dụng, rồi quay lại tái khám.
Trong quá trình khám bệnh tại đây, PV thấy nhiều bệnh nhân khác được chính người phụ nữ thăm khám cho PV truyền dịch tại chỗ. Tìm hiểu qua nhiều nguồn thông tin PV được biết, người phụ nữ đó, tại phòng khám của BS. , chưa có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.
Tương tự, PV tìm đến phòng khám của BS. M ở Quận 6, TP. HCM để khám chứng đau thắt bụng bất thường và được một nhân viên nữ, tuổi trung niên, mặc áo thun trực tiếp khám.
Nghe PV trình bày 3 ngày nay bị đau bụng bất thường, không muốn ăn uống…, người phụ nữ ấn tay vào vùng bụng rồi “phán”: PV bị chứng rối loạn tiêu hoá, phải uống thuốc. Nói xong, nhân viên nữ mở tủ lấy thuốc, rồi cho vô từng túi nhỏ. Nhìn kỹ, PV thấy nhiều viên thuốc “trần truồng”, không nhãn mác, không tên.
Trao đổi với PV, BS. M cho biết do bận công việc, nên đã để người nhân viên nữ giúp phòng khám đón tiếp và phát thuốc cho những bệnh nhân quen. Như vậy, nữ nhân viên này đã hành động “vượt thẩm quyền”, trong dịch vụ khám bệnh và bán thuốc cho bệnh nhân.
Khám bệnh sai phép
Trong vai người bị chứng thở khò khè, PV tìm tới phòng khám của BS. H ở Quận 5. BS. H đồng thời là người phụ trách chuyên môn phòng khám, hiện đang công tác tại BV MH TP. HCM. Tuy nhiên, người khám cho PV không phải BS. H, mà lại là BS. N.
Khám bệnh cho PV xong, BS. N cùng một phụ nữ mặc áo blouse đi vào phòng trong. Vài phút sau, BS. N đi ra, cầm toa thuốc của PV. Người phụ nữ đi cùng cũng bước ra, tay cầm bịch thuốc.
Đưa thuốc cho PV, người phụ nữ hướng dẫn cách uống và cho biết tiền khám và tiền thuốc 7 ngày, tổng cộng 490.000 đồng. Do PV chỉ còn 300.000 đồng, người phụ nữ bảo, khi nào tái khám thì thanh toán số tiền còn nợ.
Tìm hiểu thêm từ Sở Y tế TP. HCM, PV được biết BS. N đăng ký làm việc chính thức tại phòng khám của BS. H từ ngày 15/5/2024. Tuy nhiên, PV được BS. N khám vào ngày 8/5/2024. Trên toa thuốc, BS. N còn in thông tin “Lịch khám: 17g – 19g (thứ 2 – thứ 6)”. Điều này đồng nghĩa BS. N đã khám bệnh, khi chưa đăng ký với Sở Y tế TP. HCM.
Chưa hết, nhân sự phòng khám của BS. H đăng ký với Sở Y tế TP. HCM chỉ gồm BS. H và BS. N. Nhưng khi tới khám, PV lại được một phụ nữ đưa thuốc và thu tiền, kể cả hướng dẫn cách sử dụng thuốc.
Tương tự, từ tháng 9/2022, vì lý do cá nhân nên BS. N đóng cửa hoạt động phòng khám ở Quận 4 TP. HCM. Thông tin từ Sở Y tế TP. HCM cũng thể hiện rõ điều này. Tuy nhiên, từ đó tới nay, BS. N vẫn để bảng hiệu phòng khám ghi tên mình và trực tiếp khám bệnh mỗi ngày. Điều này cho thấy BS. N “tận dụng” uy tín sẵn có của mình để người bệnh tới khám.
PV ghé phòng khám của BS. H ở Quận 10, để khám phụ khoa. BS. H hiện công tác tại BV HV, TP. HCM. PV hỏi nhân viên phòng khám “BS. H hôm nay khám bệnh phải không?” thì được trả lời: “Hôm nay BS. H trực, nên BS. Y khám thay, BS. Y làm cùng khoa với BS. H”. Sau đó, BS. Y thực hiện siêu âm và thăm khám, kê đơn, phát thuốc uống cho PV. Tìm hiểu thông tin từ Sở Y tế TP. HCM, BS. Y không nằm trong danh sách nhân sự của phòng khám BS. H.
Trao đổi với PV BS. H thừa nhận: "Mỗi lần đi trực hoặc bận việc thì đều nhờ BS. Y đến khám thay và bán thuốc cho bệnh nhân. Bác sĩ Y không có trong danh sách bác sĩ khám chữa bệnh của phòng khám mà vẫn khám thay BS. H là sai quy định trong Luật khám bệnh, chữa bệnh". Được biết BS. Y đang đứng phụ trách chuyên môn của một phòng khám tại Quận 7.
Trần Ngọc – Ngọc Lan
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Cà Mau: Tập huấn tư vấn cai nghiện thuốc lá tại cộng đồng
Nhằm thực hiện tốt các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Trần Văn Thời tổ chức lớp tập huấn tư vấn cai thuốc lá cho 40 học viên là cộng tác viên, y tế khóm/ấp tại cộng đồng.November 22 at 4:25 pm -
Đà Nẵng: Tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe cho y tế thôn bản
Từ ngày 19/11 đến 21/11, tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe cho đội ngũ nhân viên y tế thôn bản của 11 xã trên địa bàn huyện Hoà Vang.November 22 at 4:25 pm -
Gia Lai phát động tháng hành động vì bình đẳng giới
Vừa qua, tại TP. Pleiku, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Gia Lai phát động “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” năm 2024.November 21 at 8:52 am -
400 triệu đồng gây quỹ hỗ trợ sinh viên tại giải golf Trường Đại học Luật TP.HCM
Ngày 19/11, giải golf mở rộng lần I năm 2024 của Trường Đại học Luật TP.HCM diễn ra nhằm chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Sự kiện quy tụ 144 golfer, bao gồm các cựu giảng viên, cựu sinh viên và doanh nhân từ nhiều lĩnh vực khác nhau.November 20 at 1:03 pm