Bát nháo tại nhiều phòng khám tư - Bài 2: Đủ “chiêu” bán thuốc
“Bắt tay” nhà thuốc?
PV đưa cháu gái 10 tuổi tới phòng khám của bác sĩ (BS.) C ở quận Bình Thạnh để điều trị chứng hô hấp. Theo ghi nhận, BS. C hiện đang công tác tại BV N2, TP. HCM.
Không mặc áo blouse, không có bảng tên, BS. C ngồi trước máy tính vừa gõ vừa hỏi bệnh. Sau khi khám, BS. C không đưa toa thuốc mà kêu PV dẫn cháu gái ra ngoài ngồi chờ lấy thuốc.
Vài phút sau, một cô gái trẻ ngồi ở quầy tiếp khách gọi PV tới nhận thuốc. Thực tế toa thuốc của cháu gái PV được BS. C nhập vào máy tính trong phòng khám rồi chuyển thẳng ra máy tính đặt tại chỗ cô gái ngồi. Đây cũng là một trong những hình thức bán thuốc của BS. tại phòng khám.
BS. Th hiện công tác ở BV T.M. TP. HCM, có phòng khám tư nằm sau tiệm thuốc tây ở Quận 8. Sau khi khám cho PV, BS. Th không đưa toa mà bảo ra ngoài nhận thuốc. Theo quan sát, PV được biết toa thuốc của người bệnh được BS. Th nhập vào máy tính đặt tại phòng khám rồi chuyển qua máy tính đặt tại nhà thuốc. Sau khi đưa thuốc cho PV, nhân viên nhà thuốc thu cả tiền khám lẫn tiền thuốc. Một câu hỏi đặt ra: “Phải chăng BS. Th “bắt tay” với nhà thuốc để bán thuốc cho bệnh nhân?”.
“Mua thuốc đâu cũng được, nhưng phòng khám có bán”
Trong vai bệnh nhân bị chứng trào ngược, nóng trong người, PV ghé phòng khám của BS. L, hiện đang làm việc tại BV N.P, TP. HCM. BS. L không mặc áo blouse, cũng không đeo bảng tên.
Khám xong, BS. L bảo PV lấy thuốc về uống. PV đồng ý, BS. L nhanh chóng đi vào trong lấy thuốc đưa PV rồi thu 800.000 đồng. Trong quá trình khám, BS. L không hỏi thông tin cá nhân của PV.
BS. Tr, công tác tại BV G, TP. HCM cũng có phòng khám trên địa bàn quận Phú Nhuận, TP. HCM.
Lấy lý do bị đau vai gáy, cơ bả vai căng cứng, không thể ngoái cổ…, PV tìm tới phòng khám và được BS. Tr kiểm tra. Sau đó, BS. Tr giới thiệu PV tới một cơ sở y tế chụp Xquang cột sống cổ để đưa ra hướng điều trị.
Sau khi xem kết quả chụp Xquang, BS. Tr nói, PV cần uống thuốc từ 7-10 ngày. PV đồng ý với đơn thuốc 7 ngày, BS. Tr kê đơn rồi bảo chờ. Vài phút sau, BS. Tr quay lại với bịch thuốc trên tay và hướng dẫn PV cách sử dụng. PV phải trả tổng cộng 200.000 đồng tiền khám và 450.000 đồng tiền thuốc, chưa tính tiền chụp Xquang. Trong quá trình khám, PV ghi nhận BS. Tr khám rất sơ sài, nghe trình bày bệnh rồi yêu cầu chụp X quang.
Lấy lý do mệt mỏi, khó thở mấy ngày nay, PV tới phòng khám của BS. H ở quận Bình Thạnh, TP. HCM. Sau khi khám và đo điện tim, BS. H chẩn đoán PV bị đau thắt ngực và tăng huyết áp nguyên phát. Dặn dò vài câu, BS. H đưa PV toa rồi nói “Mua thuốc ở đâu cũng được”. Tuy nhiên, khi PV hỏi “Phòng khám này có bán thuốc không?”, BS. H liền trả lời “Có”. Nói rồi, BS. H mở tủ lấy thuốc cho PV.
“Ở đây có thuốc”
Lấy lý do tiểu buốt mấy ngày nay, PV tìm tới phòng khám của BS. K ở quận Phú Nhuận. BS. K hiện công tác tại BV D, TP. HCM.
Trong lúc khám cho PV, BS. K không mặc áo blouse, không mang bảng tên. Sau khi nghe PV trình bày tình trạng bệnh, BS. K không thăm khám, cũng chẳng hỏi thêm điều gì rồi nhanh chóng chẩn đoán PV bị viêm bàng quang. Tiếp theo, BS. K ghi toa và bán thuốc cho PV uống trong 15 ngày, có loại uống trong 20 ngày. Sau khi dặn dò PV tái khám, BS. K thu tổng cộng 600.000 đồng.
Do có nhu cầu khám phụ khoa, PV tới phòng khám của BS. T ở quận 3. BS. T hiện đang làm việc tại BV DT TP. HCM.
Tại đây, PV được một phụ nữ không mặc áo blouse, không mang bảng tên yêu cầu siêu âm. Khi đã có kết quả siêu âm, PV được BS. T khám bệnh. Sau khi hỏi các thông tin về tiền sử sinh sản, lý do khám bệnh, BS. T đề nghị PV xét nghiệm tầm soát tế bào cổ tử cung và xét nghiệm HPV (virus HPV gây bệnh sùi mào gà - PV). Lấy lý do về nhà giải quyết công việc gấp, PV từ chối. BS. T khám lại và cho PV toa thuốc gồm 3 loại. PV hỏi: “Em mang toa thuốc ra ngoài mua phải không?”, BS. T liền trả lời: “Ở đây có thuốc". Nói rồi, BS. T mở tủ và lấy thuốc đưa PV.
Tìm hiểu thông tin từ Sở Y tế TP. HCM, PV được biết danh sách đăng ký làm việc tại phòng khám của BS. T chỉ duy nhất BS. T, không có đăng ký tên người thực hiện siêu âm.
Nhóm phóng viên
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Cà Mau: Tập huấn tư vấn cai nghiện thuốc lá tại cộng đồng
Nhằm thực hiện tốt các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Trần Văn Thời tổ chức lớp tập huấn tư vấn cai thuốc lá cho 40 học viên là cộng tác viên, y tế khóm/ấp tại cộng đồng.November 22 at 4:25 pm -
Đà Nẵng: Tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe cho y tế thôn bản
Từ ngày 19/11 đến 21/11, tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe cho đội ngũ nhân viên y tế thôn bản của 11 xã trên địa bàn huyện Hoà Vang.November 22 at 4:25 pm -
Gia Lai phát động tháng hành động vì bình đẳng giới
Vừa qua, tại TP. Pleiku, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Gia Lai phát động “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” năm 2024.November 21 at 8:52 am -
400 triệu đồng gây quỹ hỗ trợ sinh viên tại giải golf Trường Đại học Luật TP.HCM
Ngày 19/11, giải golf mở rộng lần I năm 2024 của Trường Đại học Luật TP.HCM diễn ra nhằm chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Sự kiện quy tụ 144 golfer, bao gồm các cựu giảng viên, cựu sinh viên và doanh nhân từ nhiều lĩnh vực khác nhau.November 20 at 1:03 pm