Bác sĩ Nguyễn Tri Thức: Chỉ có một hãng độc quyền thì lấy đâu ra gói giá khác để tham khảo?
Sáng 22/10, thảo luận tại tổ ở Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM cho biết, từ khi có những tiếng nói đầu tiên về tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế đến nay đã hơn tám tháng. Chính phủ, các bộ ngành đã tổ chức nhiều cuộc họp, gặp gỡ lắng nghe cán bộ y tế, "nhưng đến giờ chúng tôi thấy vẫn chưa có thay đổi nào về chính sách".
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, khi dùng các máy cao cấp như máy xạ trị, CT thì phải mua của các hãng độc quyền. Một bóng đèn dùng trong máy CT khoảng 3-4 tháng là hỏng, phải thay. Nhưng vì máy độc quyền của một hãng, nên khi thay bóng đèn hoặc các linh kiện kèm theo máy thì buộc phải mua đúng loại của hãng đó mới sử dụng được. Tuy nhiên, nếu ghi rõ là mua bóng đèn của hãng cụ thể, thì sẽ bị coi là vi phạm chỉ định thầu.
"Theo quy định, khi đấu thầu phải tham khảo ba gói giá. Nhưng khi mua máy cao cấp, chỉ có một hãng độc quyền thì lấy đâu ra gói giá khác để tham khảo?", ông Thức nói, cho hay đang có thực trạng là máy móc cao cấp ở các bệnh viện hư hỏng nhưng rất khó sửa chữa, "rất bế tắc".

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Hiểu Khuê
Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nhấn mạnh, khi máy móc cao cấp ở bệnh viện công hỏng khó sửa chữa thì bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo sẽ chịu thiệt thòi, không đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh. Nguyên nhân là người có tiền thì có thể ra bệnh viện tư chữa trị. Nhưng người dân nghèo thì khó chi trả được giá dịch vụ ở bệnh viện tư.
Đánh giá đây là vấn đề khẩn thiết, ông Thức đề nghị các đại biểu có ý kiến để các bệnh viện sớm có cơ chế sửa chữa được máy móc cao cấp khi hư hỏng. "Anh em Bệnh viện Chợ Rẫy như ngồi trên lửa vì máy CT hỏng mà không biết làm sao để mua thiết bị thay được", ông nói.
Ông cũng trăn trở về tình trạng bác sĩ bệnh viện công chuyển sang tư vì đây "chắc chắn đều là tinh hoa ngành y". Nếu không có giải pháp khắc phục thì người nghèo vào bệnh viện không có cơ hội tiếp cận bác sĩ giỏi. Đây là sự bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, dù tồn dư quỹ bảo hiểm y tế lớn, nhưng việc thanh toán bảo hiểm y tế cho các bệnh viện rất khó khăn. Bệnh viện Chợ Rẫy được "khoanh vùng" bảo hiểm y tế năm 2019 là 283 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay số tiền này chưa được thanh toán hết cho bệnh viện.
"Trong giai đoạn cấp bách này, Thường vụ Quốc hội cần ra Nghị quyết giải quyết tức thì các vấn đề của ngành y trong khi chờ sửa các luật", ông Thức đề xuất.
Chung lo lắng với ông Thức, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đánh giá, hệ thống y tế đang có vấn đề rất nghiêm trọng khi nhân viên y tế thôi việc hàng loạt, thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế... Nhiều người dân phản ánh vào bệnh viện điều trị nhưng thiếu từ băng gạc đến thuốc uống, phải tự ra ngoài mua và không được bảo hiểm y tế thanh toán.
"Như vậy, chúng ta đang tước đi quyền lợi bảo hiểm y tế của người dân và làm giảm hiệu quả của chính sách này", bà Lan nói, nhấn mạnh kiềng ba chân của ngành y là y tế cơ sở, bệnh viện, cung ứng "đều đang yếu".
Theo nữ đại biểu TP HCM, nguyên nhân của thực trạng này là cơ chế, quản lý chưa tốt, tâm lý "sợ làm là bị phát hiện sai". Dù Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30 về cơ chế đặc thù chống Covid-19, nhưng khi triển khai, giữa các đơn vị thanh tra, kiểm toán, công an "chưa nhìn nhận lẫn nhau, làm chùn bước những người muốn làm việc hiệu quả".
Cũng như ông Thức, bà Lan cho rằng nhân viên y tế rời bệnh viện công sang tư sẽ khiến đa số người dân thiệt thòi trong tiếp cận dịch vụ y tế. Do đó, cần có cơ chế để hệ thống bệnh viện công lập phát triển xứng tầm, đảm bảo an sinh xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nêu thêm, ngành y tế đang rất khó khăn, nhưng mới được giải ngân 12% vốn đầu tư công. Như vậy, còn 88% số tiền được giao mà ngành chưa tiêu được, "trong khi rất cần, rất nhiều vấn đề bức xúc". Bản thân ông Nhân đã đến bệnh viện tuyến Trung ương và thấy rõ cảnh thiếu đủ thứ, thậm chí thuốc xoa ngoài da giảm đau cũng không có.
Để giải quyết trước mắt các vấn đề nêu trên, luật sư Trương Trọng Nghĩa đề xuất Quốc hội có Nghị quyết để giải quyết các vấn đề cấp bách về đấu thầu trong y tế và hàng loạt vấn đề của ngành này.

- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Chủ động bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng
Nhiệt độ cao kéo dài tại nhiều địa phương trên cả nước, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là người lao động làm việc ngoài trời. Tình trạng say nắng, say nóng, thậm chí đột quỵ có thể xảy ra nếu cơ thể phải tiếp xúc lâu với môi trường oi bức hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột. Việc nhận biết sớm các nguy cơ và chủ động phòng tránh là điều hết sức cần thiết trong thời điểm này.May 5 at 2:11 pm -
Cà Mau: Sôi nổi sự kiện thể thao, du lịch “Hương rừng U Minh” năm 2025
Sáng 1/5, tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau phối hợp tổ chức sự kiện thể thao, du lịch “Hương rừng U Minh” năm 2025. Hoạt động thu hút hơn 650 vận động viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đến từ các sở, ban, ngành trong tỉnh tham gia.May 2 at 10:35 am -
Cặp song sinh mắc hội chứng truyền máu song thai hiếm gặp chào đời khỏe mạnh
Ngày 27/3, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận và cấp cứu thành công một trường hợp song thai mắc hội chứng truyền máu song thai hiếm gặp. Mặc dù tỷ lệ mắc chỉ khoảng 1/10.000 ca, hội chứng này cực kỳ nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của cả thai nhi và sản phụ.March 27 at 7:30 pm -
Phương pháp ăn uống trong phòng và chống đột quỵ
Tai biến mạch máu não (TBMMN - đột quỵ não - stroke) là các thiếu sót chức năng thần kinh xảy ra đột ngột với các triệu chứng khu trú hơn là lan tỏa, các triệu chứng tồn tại trên 24 giờ hoặc tử vong trong 24 giờ trừ sang chấn sọ não. Thực tế, có thể định nghĩa TBMMN một cách đơn giản là các thiếu sót thần kinh cấp tính do nguồn gốc mạch máu.March 27 at 12:30 pm