Ung thư tinh hoàn có sinh con được không? Tình dục sau khi cắt tinh hoàn như thế nào?

Ung thư tinh hoàn ngày càng gia tăng ở người trẻ tới mức báo động. Người bị ung thư tinh hoàn có sinh con được không? Làm sao duy trì ham muốn tình dục và chức năng sinh sản ở người bị ung thư tinh hoàn.
13:54 | 11/07/2019

Trai mới lớn đã bị ung thư tinh hoàn

 
Phần lớn người dân hiện nay vẫn có quan điểm người tuổi trung niên mới dễ mắc ung thư. Quan điểm này hoàn toàn không chính xác, thực tế ghi nhận số trẻ vị thành niên mắc ung thư tinh hoàn cao tới mức báo động.
 
Theo thống kê của Khoa Nam Học (Bệnh viện Bình Dân TP.HCM), từ năm 2017 - 2018 bệnh viện đã tiếp nhận điều trị 141 trường hợp ung thư tinh hoàn. Đa số bệnh nhân đều còn rất trẻ, đặc biệt có nhiều trường hợp người bệnh mới chỉ từ 16 đến 19 tuổi.

Gần đây nhất, nam sinh N.T.H (19 tuổi, quê Bảo Lộc) tới thăm khám khi phát hiện vùng bìu phải có một khối cứng ngày càng to dần lên. Chàng trai bàng hoàng khi nhận thông báo bị u tinh hoàn ác tính và được khuyên đi trữ tinh trùng trước khi can thiệp điều trị.
 
Ung thư tinh hoàn có sinh con được không? Tình dục sau khi cắt tinh hoàn như thế nào?
Ung thư tinh hoàn ở người trẻ ngày càng gia tăng

Các bác sĩ Khoa Nam Học nhận định khối u tinh hoàn của H. là ác tính và đã di căn. Bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt bỏ khối u tinh hoàn và đang được điều trị tích cực bằng phác đồ hóa trị hỗ trợ tại khoa ung bướu để triệt căn ung thư.

Ung thư tinh hoàn vốn được y văn thế giới coi là bệnh ít gặp. Thế nhưng trong những năm gần đây bệnh có xu hướng gia tăng ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.

U tinh hoàn âm thầm tiến triển, người bệnh chỉ phát hiện ra dấu hiệu khi khối u đã lớn. Thống kê 90% trường hợp u tinh hoàn là ung thư và thường được phát hiện ở giai đoạn muộn.

Một số dấu hiệu nhận biết u tinh hoàn như: sờ thấy một khối cứng, đặc trong bìu, không đau hoặc có đau. Khi bệnh nhân cảm nhận thấy đau ở bìu kèm đau lưng, đau hông thì bệnh đã di căn đi cơ quan khác.

Những người bị dị tật tinh hoàn ẩn (tinh hoàn không nằm trong bìu mà nằm trong ổ bụng), tinh hoàn teo, người từng bị quai bị hoặc bị di truyền từ người nhà mắc bệnh hay người mẹ trong khi mang thai nạp quá nhiều thuốc nội tiết (DES, estrogen)... có nguy cơ rất cao mắc ung thư tinh hoàn.

Những người bị dị tật tinh hoàn ẩn hoặc có vấn đề về giới tính có nguy cơ bị ung thư tinh hoàn cao gấp 100 lần so với người bình thường. Đáng nói, thống kê hầu hết trường hợp mắc ung thư tinh hoàn trong độ tuổi từ 16-30 đều không rõ nguyên nhân.

Ung thư tinh hoàn có sinh con được không?


Người bị ung thư tinh hoàn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng về chức năng sinh sản. Các bác sĩ khẳng định ung thư hoàn không lây nhiễm và có tỷ lệ chữa khỏi cao nhất trong số các bệnh ung thư.

Ung thư tinh hoàn được phát hiện và điều trị sớm tỷ lệ chữa khỏi triệt để và sống sau 5 năm lên tới hơn 95%. Ung thư tinh hoàn đã di căn tỷ lệ chữa thành công trung bình trên 70%. Tùy vào giai đoạn và mức độ di căn của tế bào ung thư mà tỷ lệ chữa khỏi có thể đạt 90%.
 
Ung thư tinh hoàn có sinh con được không? Tình dục sau khi cắt tinh hoàn như thế nào?
Ung thư tinh hoàn nếu được phát hiện và điều trị sớm tỷ lệ chữa khỏi hoàn toàn rất cao

Theo phác đồ điều trị hiện hành, bệnh nhân đã phát hiện ung thư tinh hoàn bắt buộc phải phẫu thuật cắt bỏ khối u. Cắt bỏ khối u tức là đã loại bỏ 80-90% tế bào ung thư ra khỏi cơ thể. Sau đó, căn cứ vào tình trạng bệnh, bệnh nhân sẽ được hóa trị hoặc xạ trị để loại bỏ triệt để tế bào ung thư, tránh tái phát.

Về việc ung thư tinh hoàn có sinh con được không, các bác sĩ khẳng định ung thư tinh hoàn ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh sản nhưng không có nghĩa là vô sinh 100%.

Trường hợp ung thư tinh hoàn được phát hiện sớm bệnh nhân được chữa khỏi hoàn toàn, vẫn đảm bảo chức năng sinh sản.

Duy trì chức năng tình dục và sinh sản cho người ung thư tinh hoàn

 
Theo các bác sĩ, hầu hết ung thư tinh hoàn chỉ bị ở một bên và không lây sang bên còn lại. Dù vậy, khi phải thực hiện hóa trị, xạ trị bên tinh hoàn khỏe mạnh chắc chắn cũng bị ảnh hưởng. Đó là chưa kể, vị trí mọc u tinh hoàn có thể khiến bác sĩ buộc phải cắt bỏ "cậu nhỏ". Vì những lý do này, khả năng tình dục và sinh sản ở người bị ung thư tinh hoàn sẽ bị ảnh hưởng.
 
Ung thư tinh hoàn có sinh con được không? Tình dục sau khi cắt tinh hoàn như thế nào?
Trữ đông tinh trùng để đảm bảo duy trì nòi giống sau khi điều trị ung thư tinh hoàn

Đối với các trường hợp ung thư tinh hoàn ở người trẻ, người chưa lập gia đình, các bác sĩ thường đưa lời khuyên dự trữ tinh trùng trước khi điều trị để tránh mất tinh trùng hoặc suy yếu tinh trùng.

Phương pháp trữ đông tinh trùng (ở nam) và trứng (ở nữ) ngày càng phổ biến trong đời sống hiện đại. Tinh trùng được trữ đông an toàn trong nhiều năm, giúp người bệnh an tâm vì đảm bảo khả năng duy trì nòi giống bất kể việc điều trị ung thư tinh hoàn có thành công không. Chi phí trữ đông tinh trùng hiện nay khoảng 1,5 - 3 triệu đồng một lần thực hiện, tùy cơ sở y tế và được gia hạn hàng năm.

Với trường hợp bệnh nhân buộc phải cắt bỏ tinh hoàn, y học hiện nay đã có phương pháp đặt tinh hoàn giả. Việc đặt tinh hoàn giả được khuyến cáo nhằm mục đích ổn định tâm lý bệnh nhân sau khi cắt tinh hoàn, đồng thời duy trì phần nào ham muốn tình dục của phái mạnh.

Để phòng ngừa ung thư tinh hoàn, nam giới đặc biệt người trong độ tuổi từ 15 - 35 cần tự kiểm tra tinh hoàn bằng cách nắn nhẹ hai bên bìu ít nhất 1 lần/tháng. Đây là phương pháp đơn giản nhất nhằm phát hiện sớm u tinh hoàn. Khi phát hiện trong bìu có cục cứng, đặc dù đau hay không đau cũng cần đi khám tại chuyên khoa Nam học càng sớm càng tốt.
 
[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2019/07/11/bị teo tinh hoàn vẫn sinh con_11072019133751.mp4[/presscloud]
Người đàn ông bị teo tinh hoàn vãn có thể sinh con. Video: VTC14
 
 
Hà Ly (T/h)
 
comment Bình luận