Tổng công ty Sông Hồng tiếp tục thua lỗ gần ngàn tỷ và trách nhiệm của ông Trần Huyền Linh

Báo cáo tài chính mới nhất của Tổng công ty CP Sông Hồng cho thấy doanh nghiệp này lỗ 973 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu "âm" 683 tỷ đồng, trong vòng 3 tháng đầu năm 2020, phải trả 13 tỷ đồng tiền lãi…
12:13 | 10/06/2020

Người đại diện phần vốn nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Sông Hồng là ông Trần Huyền Linh khó tránh khỏi trách nhiệm.

Thua lỗ ngàn tỷ, nguy cơ mất hết vốn

Tổng công ty cổ phần Sông Hồng là doanh nghiệp nhà nước chuyên hoạt động thi công xây dựng, đã thực hiện nhiều công trình dự án lớn trên cả nước.

Năm 2010, Bộ Xây dựng cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại tổng công ty này, thu về 61,5 tỉ đồng. Phần vốn nhà nước còn lại khoảng 132 tỉ đồng, chiếm 49,04% vốn điều lệ.

Từ ngày, ông Linh về đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT, đại diện phần vốn Nhà nước tại Tổng Công ty CP Sông Hồng là những chuỗi ngày thua lỗ, kinh doanh bết bát của doanh nghiệp.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 của Tổng công ty CP Sông Hồng cho thấy tổng cộng nguồn vốn của doanh nghiệp này hiện là 1.444 tỷ đồng, trong khi đó nợ phải trả đang ở con số 2.127 tỷ đồng (tăng 76 tỷ đồng so với đầu năm 2020).

Đa phần khoản nợ phải trả của Sông Hồng là ngắn hạn (tức dưới 12 tháng) chiếm tới 1.678 tỷ đồng, trong đó chi phí phải trả là 669 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính là 309 tỷ đồng. Nợ dài hạn của Sông Hồng hiện ở con số 449 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính, Sông Hồng hiện đang “âm” tới 683 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Sông Hồng tính đến ngày 31/3 ở con số “âm” 990,7 tỷ đồng. Chỉ trong vòng 3 tháng từ đầu năm, Sông Hồng kinh doanh lỗ thêm 17,6 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay là 13,8 tỷ đồng.

Những năm gần đây, Tổng công ty Sông Hồng không triển khai được dự án đầu tư nào và cũng không có hợp đồng thi công xây lắp mới nên tình hình tài chính ngày càng bết bát.

Không chỉ vậy, doanh nghiệp này đang vướng vào các rắc rối pháp lý khi phải thi hành án đã có hiệu lực pháp luật, số tiền tổng công ty phải chi trả cho Ngân hàng SHB khoảng 238,4 tỉ đồng.

Hiện khoản tiền của SHB đang do Công ty TNHH MTV Quản lý các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) quản lý. Trong báo cáo tài chính, Sông Hồng cho biết: Theo bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 45/2018 ngày 12/4/2018 của TAND TP.Hà Nội…, Sông Hồng phải trả cho VAMC số tiền 238 tỷ đồng và còn phải tiếp tục trả khoản tiền lãi quá hạn là 95,43 tỷ đồng chưa thanh toán.

Tòa án nhân dân quận Tây Hồ (Hà Nội) đang chuẩn bị đưa ra xét xử vụ OceanBank khởi kiện, buộc Tổng công ty Sông Hồng phải trả nợ vay thi công công trình nhiệt điện Vũng Áng 1 với số tiền cả gốc và lãi lên tới 470 tỉ đồng.

Kinh doanh lỗ gần 1.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm tới 683 tỷ đồng.

Trong văn bản gửi đến Thủ tướng trước đó, Tổng công ty Sông Hồng khẳng định nếu tình trạng kinh doanh bết bát kéo dài trong một thời gian ngắn nữa thì buộc phải tuyên bố phá sản và mất toàn bộ vốn nhà nước.

Để "vớt vát" phần vốn nhà nước còn sót lại, thời gian qua tổ đại diện phần vốn nhà nước tại tổng công ty đã hoàn thành và trình Bộ Xây dựng phê duyệt hồ sơ thoái vốn doanh nghiệp để thực hiện đấu giá phần vốn nhà nước.

Tổ đại diện phần vốn nhà nước cũng chủ động tìm kiếm nhà đầu tư cùng ngành nghề xây dựng quan tâm, tham gia đấu giá công khai cổ phần với giá 10.000 đồng/cổ phần, với điều kiện phải thoái vốn ngay trong năm 2019.

Trước đó, Bộ Xây dựng cũng có văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận giao Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện thoái toàn bộ 13.241.200 cổ phần, chiếm 49,04% vốn điều lệ, phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp này.

Bi quan hơn khi đánh giá về tình hình tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh năm 2018 của Tổng công ty Sông Hồng, Bộ Tài chính nhận định tổng công ty này đã mất toàn bộ vốn đầu tư của chủ sở hữu nhà nước.

Bộ Tài chính cũng cho biết Tổng công ty Sông Hồng đang đầu tư tài chính vào 26 công ty con, công ty liên doanh, liên kết với tổng số tiền khoảng 286 tỉ đồng, nhưng không có khoản đầu tư nào đem lại cổ tức, lợi nhuận cho tổng công ty.

Các công ty con này đang thua lỗ dẫn tới tổng công ty phải thực hiện trích lập dự phòng đầu tư tài chính cho 17 công ty số tiền 220 tỉ đồng.

Việc Tổng công ty Sông Hồng phải đề xuất Thủ tướng cho bán gấp cổ phần nhà nước tại tổng công ty để "vớt vát" phần nào tài sản, vốn nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp là điều đáng lưu tâm.

Nhà nước bỏ tiền vào doanh nghiệp nhưng không thu được lợi nhuận, ngược lại phải chạy theo gỡ vướng cho doanh nghiệp, chỉ mong thu lại một phần vốn.

Trách nhiệm của Chủ tịch Trần Huyền Linh

Ông Trần Huyền Linh “tiếp quản” chức Chủ tịch HĐQT của Tổng công ty Cổ phần Sông Hồng (SHG) từ ngày 29/7/2016.

Từ ngày ông Linh về đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT, đại diện phần vốn Nhà nước tại Sông Hồng là những chuỗi ngày thua lỗ, kinh doanh bết bát của doanh nghiệp này.

Cụ thể, tại báo cáo tài chính năm 2016 (kết thúc ngày 31/12/2016) khi ông Linh mới về nhậm chức được 5 tháng, Sông Hồng đã báo “âm” vốn chủ sở hữu tới 64,5 tỷ đồng và kinh doanh thua lỗ tới 389 tỷ đồng. Lúc này, tổng cộng nguồn vốn của Sông Hồng là 1.117 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là 1.235 tỷ đồng.

Như vậy, sau 4 năm ông Linh làm Chủ tịch HĐQT tại Sông Hồng, doanh nghiệp này đã “âm” vốn chủ sở hữu từ 64,5 tỷ đồng lên 683 tỷ đồng, kinh doanh lỗ từ 389 tỷ đồng lên con số 990,7 tỷ đồng.

Theo nguồn tài liệu mà trên tờ Giaoduc.net.vn tiếp cận được, ông Trần Huyền Linh lúc đó đang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Sông Hồng đã đứng ra cho tư nhân vay vốn.

Theo bài báo trên tờ Giaoduc.net.vn, trước khi về làm Chủ tịch HĐQT của Tổng Công ty CP Sông Hồng, ông Linh từng làm Tổng giám đốc – Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư địa ốc Sông Hồng.

Theo đó, từ tháng 5/2007, ông Trịnh Xuân Thanh, lúc này là Tổng giám đốc Tổng công ty Sông Hồng (hiện đang thụ lý án tù chung thân trong vụ án trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam) đã đổi tên Chi nhánh và thành lập lên thành Công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc Sông Hồng, một công ty cổ phần bao gồm nhiều thành viên khác nhau và ông Trần Huyền Linh lúc đó cũng tham gia góp vốn. Sau đó, ông Linh được ông Trịnh Xuân Thanh bổ nhiệm làm Tổng giám đốc – kiêm Chủ tịch HĐQT công ty “con” này.

Tại thời điểm thành lập năm 2007, Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Sông Hồng đang là công ty nhà nước nắm 51%. Đến năm 2010, Cổ phần của Tổng công ty Sông Hồng tại Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Sông Hồng là 26% và Công ty này không có chức năng cho vay tài chính.

Tuy nhiên, theo nguồn tài liệu mà trên tờ Giaoduc.net.vn tiếp cận được, ông Trần Huyền Linh lúc đó đang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Sông Hồng đã đứng ra cho tư nhân vay vốn.

Cụ thể, theo hợp đồng số 60/2010/04/HDVV của Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Sông Hồng, hợp đồng này cho thấy Công ty này đã mang tiền của công ty này cho một cá nhân vay số tiền tiền 90 tỷ đồng với lãi suất 0% trong thời hạn 3 tháng. Tuy hợp đồng vay trong 3 tháng nhưng cho đến năm 2016 việc thanh toán mới được giải quyết. Đặc biệt, việc đem tiền của công ty đi cho vay của ông Trần Huyền Linh không thông qua họp cổ đông, hội đồng thành viên.

Khi làm lãnh đạo tại Địa ốc Sông Hồng (2007-2016), ông Linh cũng đối mặt với nhiều khiếu kiện trong dự án cụm chung cư 165 Thái Hà (Hà Nội). Cụ thể, sau khi dự án bán hết, chủ đầu tư đã tiến hành chia lãi. Tuy nhiên, dù là cùng chủ đầu tư, nhưng Tổng công ty cổ phần Sông Hồng chỉ được nhận 103 tỷ đồng còn Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Sông Hồng nhận 381 tỷ đồng gấp gần 4 lần Tổng công ty Sông Hồng được hưởng (?!).

Nguy cơ mất trắng hàng trăm tỷ đồng vốn sở hữu của Nhà nước tại Tổng công ty CP Sông Hồng đang hiện hữu. Người đại diện phần vốn nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Sông Hồng là ông Trần Huyền Linh và ông Lã Tuấn Hưng, Tổng giám đốc là điều khó tránh khỏi trách nhiệm.

comment Bình luận