Phòng khám đa khoa FV Sài Gòn bị xử phạt nặng và những bê bối trước đó

Ngày 16/11, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Y tế Viễn Đông Việt Nam với số tiền 54 triệu đồng do 'bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức'.
13:56 | 23/11/2021

Công ty TNHH Y tế Viễn Đông Việt Nam có địa chỉ tại phòng số 2, tầng 2, tòa nhà Broadway A, Số 100, đường Nguyễn Lương Bằng, phường Tân Phú, Quận 7, TP.HCM. Theo tìm hiểu, công ty có 2 đơn vị y tế: Phòng khám đa khoa FV Sài Gòn và Bệnh viện FV.

Phòng khám đa khoa FV Sài Gòn - tầng 3, tòa nhà Bitexco Financial Tower, số 2 đường Hải Triều, Phường Bến Nghé, quận 1

Thời gian qua, Phòng khám đa khoa FV Sài Gòn (tầng 3, tòa nhà Bitexco Financial Tower, số 2 đường Hải Triều, Phường Bến Nghé, quận 1) hoạt động có biển hiệu không có đủ các thông tin cơ bản theo quy định của pháp luật, bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được bán thuốc y học cổ truyền theo quy định của pháp luật.

Do đó, cơ sở này bị xử phạt số tiền 54 triệu đồng. Nhìn lại toàn bộ quá trình hoạt động của Công ty TNHH Y tế Viễn Đông Việt Nam, cho thấy công ty không ít lần vướng vào lùm xùm để đời và có lẽ đây không phải lần đầu công ty bị xử phạt.

Từng bị xử phạt và khách hàng kiện ra tòa

Bệnh viện FV - 6 Nguyễn Lương Bằng, Tân Phú, Quận 7

Chiều ngày 5/6/2008, báo Tiền Phong phản ánh, thanh tra Sở Y tế TPHCM bất ngờ thanh tra Bệnh viện FV thì phát hiện cả sai phạm mới lần cũ chồng chéo tại nhau. Tuy nhiên, bệnh viện này cản đường, thách thức đoàn thanh tra.

Trước đó 3 tháng, Thanh tra Sở Y tế phát hiện và lập biên bản Bệnh viện FV vì cơ sở này đã kinh doanh thuốc không có chứng chỉ hành nghề, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện đăng ký hành nghề, không đáp ứng các yêu cầu về bảo quản thuốc, bảo quản thuốc gây nghiện không đúng qui định; không công khai niêm yết giá thuốc.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà- Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã ra quyết định xử phạt, đồng thời yêu cầu đến ngày 8/4, nếu đơn vị này không nộp phạt sẽ bị cưỡng chế. Riêng nhà thuốc bệnh viện FV sẽ bị đình chỉ hoạt động cho đến khi bệnh viện có đủ giấy tờ liên quan. Thế nhưng, chiều 5/6, khi Đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra việc khắc phục những sai phạm trước đó của bệnh viện thì thấy hoạt động kinh doanh thuốc ở đây còn tấp nập hơn trước. Thậm chí, các bác sĩ không cho niêm phong thuốc, giành lấy thuốc mà đoàn thanh tra phát hiện sai phạm để tẩu tán...cho rằng thanh tra không có quyền và không cho ngành chức năng niêm phong thuốc?! Bất chấp lệnh cấm và chưa xuất trình được các hồ sơ pháp lý.

Ngoài ra khi cán bộ thanh tra mua 2 loại thuốc Neo- Codion hộp 21 viên và 5 viên thuốc Cetirzin, được "nhà thuốc" của bệnh viện FV bán với giá 93.000 đồng, trong khi các quầy bán lẻ khác chỉ bán với mức giá 60.000 đồng. Thanh tra còn phát hiện kho thuốc lẻ của bệnh viện FV "núp bóng" dưới hình thức là một nhà thuốc bệnh viện để "chặt chém" bệnh nhân mua thuốc tại đây. Nơi đây còn có bảng giá thuốc, đối chiếu trên hóa đơn nhập thuốc với giá kê khai trên thị trường thì giá ở đây cao từ 10%- 57%.

Từng dính 'lùm xùm' trong vụ bệnh nhân tử vong

Năm 2012, có lẽ ít người quên về cái chết của bệnh nhân Mai Trung Kiên (bố của diễn viên Mai Thu Huyền) sau mổ ruột thừa, Bệnh viện FV do giải thích không thỏa đáng và có vẻ không phù hợp với các qui định hiện hành của ngành Y tế Việt Nam nên vụ việc càng trở nên rắc rối, đẩy sự việc đi ngày càng xa hơn với việc ngày càng hé lộ thêm nhiều sai phạm khác tại bệnh viện này như một vết dầu loang nếu như Bệnh viện FV không có những cách xử lý phù hợp.

Sau khi báo chí đã có các bài viết về trường hợp bệnh nhân Mai Trung Kiên tử vong do bác sĩ tắc trách tại Bệnh viện (BN) FV (Bệnh viện Việt Pháp) vào ngày 12/8. Ngày 11/9, sau hơn 1 tuần có kết luận của Hội đồng khoa học công nghệ (HĐKHCN) Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về nguyên nhân tử vong của bệnh nhân Kiên với nội dung: "Nguyên nhân tử vong sốc không hồi phục do xuất huyết nội sau phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa trên bệnh nhân có bệnh tim mạch với nguy cơ cao và di chứng tai biến mạch máu não đang điều trị thuốc kháng đông. Bệnh viện FV đã không chẩn đoán và xử lý kịp thời tình trạng xuất huyết nội".

Sau kết luận trên của Sở Y tế, Sở tiếp tục nhận được các đơn tố cáo của thân nhân bệnh nhân khác phản ánh liên quan tới các trường hợp tử vong cũng do việc tắc trách trong chuyên môn; việc Bệnh viện FV sử dụng nhiều nhân sự bác sĩ thiếu chứng chỉ hành nghề, thiếu tính pháp lý theo qui định của Bộ Y tế Việt Nam…

Ngày 11/9, Bệnh viện FV bất ngờ có công văn gửi tới các cơ quan liên quan, báo đài công bố bác bỏ hoàn toàn kết luận của HĐKH Sở Y tế về nguyên nhân tử vong của BN Mai Trung Kiên, dù trước đó vào ngày 4/9, Bệnh viện đã từng có thông báo chính thức gửi lời xin lỗi gia đình ông Kiên, bác sĩ Lê Đức Tuấn - Khoa Ngoại Bệnh viện FV - người trực tiếp mổ cho bệnh nhân cũng đã trực tiếp tới gia đình xin lỗi và chấp nhận bồi thường.

Riêng trong qui trình ca mổ cho ông Kiên, BS Minh Trạng cũng cho biết, Bệnh viện FV đã quá lạm dụng vấn đề máy móc, xét nghiệm. Ngay khi nhập viện việc làm cơ bản đầu tiên với tất cả trường hợp có hiện tượng đau bụng là phải siêu âm. Tuy nhiên ê kíp tiếp nhận ông Kiên lại cho BN chụp citi là không đúng. Nếu siêu âm sẽ phát hiện ra ngay có chảy máu ổ bụng do ruột thừa hay bệnh lý khác.

Về việc hàng loạt các bác sĩ nước ngoài hành nghề tại Bệnh viện FV thời điểm đó nhưng thiếu tính pháp lý là có thật. Ngay đến cả vị Bác sĩ phụ trách khoa Ngoại cùng hội chẩn với BS Anh Tuấn trong ca ông Kiên cũng đang được đặt nghi vấn về việc chứng chỉ hành nghề và giấy phép lao động tại Việt Nam.

Vụ trẻ sơ sinh bị tử vong tại Bệnh viện FV

Về cái chết của bố diễn viên Mai Thu Huyền chưa lắng được bao lâu thì ngay năm sau đó (năm 2013) lại là sự ra đi của đứa con gái đầu lòng của vợ chồng anh chị Lê Ngọc Thắng - Phạm Mai Chi (cùng sinh năm 1991, trú P.Thảo Điền, Q.2, TPHCM). Suốt thời gian mang thai, chị Chi theo dõi, khám thai định kỳ tại Bệnh viện FV, Q.7. Bác sĩ Lê Thanh Hùng là người được chỉ định thăm khám thai cho chị Chi. Trong suốt thời gian chị Chi mang thai, thai vẫn được chẩn đoán phát triển bình thường...

Khoảng 4 giờ sáng 3/11/2013, chị Chi đau bụng, ra máu hồng, nên được gia đình đưa tới Bệnh viện FV. Tuy nhiên, khi cấp cứu không có bác sĩ thăm khám mà chỉ có nữ hộ sinh. Khoảng 10 giờ cùng ngày, bác sĩ Huỳnh Thị Hiếu đến khám, rồi khuyên cho sản phụ về nhà, vì không biết bao giờ sinh. 11h, bệnh viện làm giấy xuất viện cho chị Chi. Đến 20h cùng ngày, sản phụ lại đau bụng, nên tiếp tục trở vào bệnh viện... Đến 22h10, bác sĩ Lê Thanh Hùng và bác sĩ Đạt mới có mặt tại phòng sinh. 22h10 cháu bé ra đời, nhưng đã tử vong.

Bức xúc, gia đình sản phụ Mai Chi yêu cầu bệnh viện trả lời. Sau đó, bệnh viện đã tổ chức một hội đồng chuyên môn kết luận về sự vụ trên. Theo đó, hội đồng kết luận "quy trình tiếp đón, khám chẩn đoán, xử trí và theo dõi sản phụ lúc nhập viện là phù hợp", "không may là bác sĩ trực sản đang thực hiện ca mổ cấp cứu vào thời điểm được gọi, nên không có mặt ngay lúc nhập viện...". Kế đó, kết luận "thai chết lưu, do nhau bong non"...(?!).

Trong khi đó, gia đình sản phụ Mai Chi đã bác bỏ kết luận trên, vì có dấu hiệu bao che sai phạm; đồng thời, gia đình sản phụ đặt ra hàng loạt vấn đề bất thường dẫn đến cái chết của thai nhi, mà bệnh viện cần phải trả lời: Trách nhiệm của bác sĩ Hiếu khi cho sản phụ về nhà mà không thăm khám thai nhi, tình trạng sản phụ, kíp trực đêm 3/11 hoàn toàn không thăm khám và nghe tim thai từ 21h6 đến 21h50; vì sao cả hai lần nhập viện đều không có bác sĩ theo dõi ngay từ đầu ?...

Thời điểm đó, gia đình sản phụ khiếu nại lên Thanh tra Bộ Y tế, nhưng Thanh tra Bộ trả lời vụ việc thuộc thẩm quyền của GĐ Sở Y tế TPHCM và được chỉ dẫn liên hệ Sở Y tế TPHCM để được giải quyết. Tuy nhiên, khi liên hệ Sở Y tế, thì ngày 16/12/2013, Thanh tra Sở Y tế TP lại có văn bản số 1050/PHD-TTra, trả lời: “Bệnh viện FV là đơn vị tư nhân, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp...”. Gia đình sản phụ ngậm ngùi đau đớn trong bất lực: "chắc chúng tôi phải... bắc thang hỏi ông trời, chứ biết hỏi ai nữa bây giờ?" – anh Lê Ngọc Thắng than thở.

Từng bị thua kiện khách hàng

Chiều 11/11/2019, TAND quận 7 (TP HCM) mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ tranh chấp giữa nguyên đơn là người thân cụ Nguyễn Thị Cận (sinh năm 1935, qua đời năm 2011) với bị đơn là Công ty TNHH Y tế Viễn Đông Việt Nam (Bệnh viện FV).

Kết thúc xét xử, tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện, buộc bệnh viện bồi thường 1.000 đồng và xin lỗi, cải chính công khai trên báo chí.

Theo hồ sơ, ngày 18/2/2011, cụ Nguyễn Thị Cận bị ngã gãy xương đùi nên gia đình đưa vào Bệnh viện FV. Quá trình điều trị, xương đùi bệnh nhân tiến triển tốt nhưng phát sinh tình trạng suy thận ngày càng nặng. Dù chuyển sang bệnh viện khác nhưng tình trạng cụ Cận không khá hơn. Đến ngày 20/3/2011, bệnh nhân tử vong do sốc nhiễm trùng phổi nặng.

Sau cái chết đau lòng của người thân, gia đình ông Lê Văn Vui (con trai cụ Cận) gởi đơn đề nghị Bệnh viện FV làm rõ trách nhiệm. Cho rằng phía Bệnh viện FV không trả lời thỏa đáng, gia đình khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng. Sau đó, phía nguyên đơn thay đổi nội dung khởi kiện thành yêu cầu bị đơn bồi thường 1.000 đồng và cải chính, xin lỗi vì những nội dung liên quan đến cái chết của cụ Cận mà bệnh viện đã phát ngôn, đăng tải trên báo chí. Gia đình ông Vui khẳng định việc đòi 1.000 đồng là để Bệnh viện FV thấy rõ sai phạm; gia đình không tìm cách trục lợi.

Trong quá trình xét xử, TAND quận 7 mang hồ sơ vụ việc đi giám định. Kết quả giám định nêu rõ cụ Cận chết do bị suy thận giai đoạn cuối. Bệnh viện FV đánh giá và điều trị chưa phù hợp trong việc chạy thận nhân tạo. Đồng thời, Viện Pháp y quốc gia cũng cho biết việc phẫu thuật kết hợp xương đùi trái thể hiện thái độ tích cực nhưng bệnh viện không tiên lượng được khả năng diễn biến của bệnh. Không chấp nhận những kết luận trên, phía bị đơn yêu cầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế thành lập Hội đồng chuyên môn giám định lại. Kết quả, Hội đồng chuyên môn (do Cục Quản lý khám chữa bệnh thành lập) kết luận quá trình chạy thận nhân tạo không phải là nguyên nhân chính gây tử vong. Do không giải phẫu tử thi nên không thể xác định chắc chắn về nguyên nhân tử vong.

Sau khi xem xét toàn bộ nội dung vụ việc và diễn biến tại phiên tòa, TAND quận 7 nhận định các kết luận giám định của Trung tâm Pháp y (Sở Y tế TP HCM) và Viện Pháp y quốc gia đủ căn cứ nhận định bác sĩ tại Bệnh viện FV thiếu kinh nghiệm đánh giá, điều trị, công tác chạy thận cho bệnh nhân tại bệnh viện không hiệu quả. Từ đó, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc Bệnh viện FV xin lỗi công khai và bồi thường 1.000 đồng.

Đưa khách hàng ra tòa vì nói xấu bệnh viện

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 19/6/2018, bà Khanh đến Bệnh viện FV trong tình trạng chảy máu âm đạo sau 3-4 tuần dùng thuốc ngừa thai. Kết quả thử thai bằng que âm tính, siêu âm không có túi thai, có túi dịch. Bà Khanh chọn uống thuốc tháo lưu máu. Đêm đó, bà bị chảy máu nhiều, kết quả xét nghiệm bằng nước tiểu cho kết quả có thai. Bà phải nằm viện dài ngày để điều trị. Bệnh viện FV giải thích bà bị sảy thai do uống thuốc ngừa thai. Ngày 23/6, bà Khanh viết Facebook về việc có thai nhưng Bệnh viện FV nói không, và cho uống thuốc phá thai để đẩy dịch ứ.

Cho rằng bài viết của bà Khanh sai sự thật gây tổn hại đến uy tín, đẩy bệnh viện vào khủng hoảng truyền thông, Bệnh viện FV khởi kiện, yêu cầu bà này xóa bài viết, xin lỗi công khai trên 3 tờ báo và phải bồi thường hơn 1,3 tỷ đồng.

Bà Khanh phản tố, cho rằng bác sĩ chưa xét nghiệm mà căn cứ que thử thai để xác định "bệnh nhân không có thai" là không đảm bảo các trình tự y khoa. Từ kết luận sai này bà mới uống thuốc khiến thai bị sảy. Bệnh viện cũng không xác định có nhau thai bám ở vết sẹo cũ nên bà phải đi khám và phẫu thuật ở Bệnh viện Từ Dũ sau đó 7 ngày.

Trong kết luận bệnh viện báo cáo Bộ Y tế cho rằng bà Khanh "giấu chồng về việc phá thai, thấy có lỗi nên viết bài kết tội bệnh viện" là vu khống, ảnh hưởng đến cá nhân và hạnh phúc gia đình bà. Bệnh viện xâm phạm quyền được tôn trọng bí mật riêng tư khi tổ chức họp báo công khai hồ sơ bệnh án khi chưa có sự đồng ý của bà.

Đến mãi ngày 21/10/2019, TAND quận 7 (TP.HCM) đã tuyên án vụ Bệnh viện FV kiện bà Khanh do bài viết "không đúng sự thật" trên Facebook, đòi bồi thường 1,3 tỷ đồng.

HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, xác định Bệnh viện FV không sai trong các bước xử lý. Bà Khanh đến bệnh viện thăm khám khi đã hư thai. Kết quả thử thai âm tính, không có phôi thai mà có máu đông. Bệnh viện chẩn đoán ban đầu, để bà Khanh sử dụng thuốc tháo máu lưu là phù hợp.

Trong khi đó, bà Khanh viết Facebook kể lại sự việc nhưng không đầy đủ, đưa cảm xúc vào bài viết, kêu gọi mọi người chia sẻ. Bài viết không đúng sự thật, xuyên tạc nên phải chịu trách nhiệm bồi thường khi uy tín của bệnh viện bị xâm phạm. Từ đó, tòa buộc bà Khanh bồi thường tiền tổn thất tinh thần cho nguyên đơn, buộc xóa bài viết trên Facebook và phải xin lỗi công khai trên 3 tờ báo.

Về việc Bệnh viện FV yêu cầu bồi thường hơn 1,3 tỷ đồng cho chi phí xử lý khủng hoảng truyền thông, lập vi bằng... HĐXX cho rằng không có căn cứ cho thấy hành vi sai của bị đơn phát sinh thiệt hại nên không phải chịu trách nhiệm.

Bị đơn nghe HĐXX tuyên án. Ảnh: Uyên Trinh.

Bị đơn nghe HĐXX tuyên án. Ảnh: Uyên Trinh/VnExpress

Đối với phản tố của bà Khanh - yêu cầu tòa tuyên Bệnh viện FV vi phạm nguyên tắc hành nghề khám chữa bệnh, bồi thường 143 triệu đồng, xin lỗi công khai.... HĐXX cho rằng không có căn cứ chấp nhận.

Sau phiên tòa, bà Khanh cho biết sẽ kháng cáo vì sự việc xảy ra không chỉ gây tổn thất về sức khỏe, tính mạng của bà mà còn những chi phí thiệt hại khác.

Được quảng cáo là bệnh viện tư với 100% vốn nước ngoài từ công ty mẹ ở Hồng Kông gồm hai cổ đông chính: cổ đông thứ nhất là công ty mà chủ sở hữu gồm 10 sáng lập viên của Bệnh viện FV, trong đó bác sĩ Jean-Marcel Guillon là Tổng Giám đốc; cổ đông thứ hai là Quadria Capital, Quỹ Đầu Tư tư nhân hàng đầu châu Á chuyên đầu tư vào lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, hàng loạt các sự việc bê bối liên quan đến tính mạng con người như trên khiến nhiều người đặt dấu chấm hỏi về nơi được quảng cáo là dịch vụ chăm sóc tiêu chuẩn quốc tế, cam kết cung cấp dịch vụ y tế chất lượng và lấy bệnh nhân làm trung tâm?

comment Bình luận