Mặt tối của ngành phẫu thuật thẩm mỹ ở Hong Kong

Theo SCMP, việc bỏ tù các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở Hong Kong vì gây ra sai lầm chết người cho thấy sự cần thiết phải siết chặt lại việc quản lý ngành dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp.
10:01 | 13/10/2021

Trong 5 năm qua, đã có 3 trường hợp bác sĩ ở xứ Cảng thơm bị kết tội ngộ sát do sơ suất liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ trong các cơ sở làm đẹp, viện thẩm mỹ không đăng ký giấy phép.

Các vụ việc khiến Hong Kong phải đưa ra quy định mới: những dịch vụ làm đẹp có can thiệp dao kéo chỉ được thực hiện tại phòng khám có cấp phép của chính quyền từ ngày 1/1 năm nay.

.

Chuyện siết chặt quản lý dịch vụ thẩm mỹ, phẫu thuật làm đẹp ở Hong Kong đang được thúc đẩy sau 3 trường hợp bác sĩ để xảy ra tai nạn chết người. Ảnh: China Daily.

Trong vụ việc mới nhất bị đem ra xét xử vào tháng 9, Thẩm phán Susana D’Almada Remedios đánh giá đây là ví dụ điển hình về sự cần thiết phải có nhiều quy định hơn đối với các cơ sở tư nhân cung cấp các phương pháp điều trị rủi ro cao, đồng thời cần xem xét liệu chúng có nên được phép thực hiện ở những cơ sở đó hay không.

Theo đó, bác sĩ thẩm mỹ Vanessa Kwan Hau-chi (38 tuổi) bị tòa án Hong Kong kết án chung thân sau khi vô tình gây ra cái chết của một phụ nữ. Tháng 6/2014, giáo viên dạy khiêu vũ Josephine Lee Kar-ying (32 tuổi) thiệt mạng trong quá trình hút mỡ bụng tại cơ sở của Vanessa.

Trong quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện nạn nhân được cho dùng một lượng lớn thuốc an thần vượt quá mức quy định để loại bỏ đi phần mỡ thừa. Ngoài ra, không có bác sĩ gây mê nào có mặt để kiểm tra và theo dõi việc sử dụng thuốc an thần, trái với hướng dẫn của Học viện Y khoa Hong Kong về thủ thuật an thần.

Lượng oxy cần cung cấp cho nạn nhân khi xảy ra sự cố cũng không đủ. Nữ bác sĩ cũng không tiến hành hồi sức kịp thời cho Josephine.


Sau 7 năm, bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật thẩm mỹ, vốn là bạn thời thơ ấu của nạn nhân, vẫn kiên quyết không nhận tội ngộ sát. Ảnh: SCMP.

Tại tòa, thẩm phán đặt câu hỏi liệu nữ bác sĩ có đủ điều kiện tiến hành các cuộc phẫu thuật làm đẹp, vì cô chưa từng được đào tạo bài bản hay nhận chứng chỉ hành nghề từ tổ chức, trường đại học hay bệnh viện nào có uy tín.

Ngoài ra, Vanessa không thể hiện thái độ ăn năn, hối lỗi trước tòa. Sau 7 năm, cô vẫn không nhận tội ngộ sát. Trước đó, cô không hợp tác với bên điều tra, tới hiện tại vẫn giữ kín về số lượng thuốc an thần đã sử dụng.

Cuối tháng 12 năm ngoái, một bác sĩ thẩm mỹ khác nhận mức án 3 năm 6 tháng cho tội ngộ sát, khiến 1 phụ nữ tử vong và 3 nạn nhân khác phải nhập viện điều trị.

Còn giám đốc viện thẩm mỹ phải thụ án 12 năm vì đã giới thiệu một phương pháp điều trị chưa được kiểm chứng, dẫn đến biến chứng. Vụ việc xảy ra vào năm 2012.

Hai vụ việc đều dẫn đến những lời kêu gọi chính quyền Hong Kong đưa ra các quy định mới đảm bảo lợi ích khách hàng lẫn sự an toàn của bệnh nhân.

Chính quyền Hong Kong từng cam kết sẽ đưa ra dự luật mới trong kỳ họp vào năm 2019 song chưa thành do tình hình bất ổn xã hội của thành phố vào thời điểm đó.

Ngoài ra, việc soạn thảo dự luật mới cũng gặp nhiều khó khăn khi phải bao gồm nhiều phương pháp làm đẹp, điều trị liên quan và cả xung đột lợi ích kinh doanh. Ngành dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp vốn có tính cạnh tranh rõ ràng khi các cơ sở phải chạy đua đầu tư vào thiết bị và quy trình mới để thu hút khách hàng.

comment Bình luận