Lợi dụng dịch bệnh Covid-19, quảng cáo Đông Trùng Hạ Thảo thổi phồng công dụng

Trong khi toàn nhân loại đang gồng mình tìm kiếm vaccine nhanh nhất có thể để giúp thế giới đẩy lùi đại dịch Covid-19 thì trên mạng xã hội lại xuất hiện những nội dung quảng cáo "lố bịch": Đông Trùng Hạ Thảo tăng sức đề kháng phòng chống Covid-19 và nhận là sản phẩm của Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam.
6:27 | 21/08/2020

Đông Trùng Hạ Thảo có thể tăng sức đề kháng phòng chống Covid-19

"Bạn đang đi tìm sản phẩm nâng cao sức đề kháng cơ thể để đẩy lùi dịch bệnh, nhất là trong mùa dịch Covid-19? Bạn không biết tìm mua sản phẩm gì? Bạn không biết mua Đông trùng hạ thảo ở đâu đảm bảo chất lượng và uy tín, xứng đáng số tiền bạn bỏ ra? Đông trùng hạ thảo Viện di truyền Nông nghiệp Việt Nam - nơi các giáo sư, nhà khoa học chuyên nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng Đông Trùng Hạ Thảo cho các đơn vị trong cả nước"

 

Đó là những gì đang được quảng cáo trên một fanpage Facebook về Đông Trùng Hạ Thảo - sản phẩm được cho là của Viện di truyền Nông nghiệp Việt Nam.

Để phòng dịch bệnh Covid-19, ngoài việc bổ sung các chất dịnh dưỡng cần thiết cho cơ thể thì việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Chính Phủ về việc luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài, không đến nơi tụ tập đông người, hạn chế đi lại nhất có thể,... thì không còn cách nào cứu chúng ta thoát khỏi đại dịch cho đến khi có vaccine.

Khi được quảng cáo có thể chống được dịch Covid-19, người dân không ngần ngại hỏi mua

Bên cạnh nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để quảng cáo thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng thì một số khác mánh khóe hơn lợi dụng sự sợ hãi, lo lắng thiếu hiểu biết của người dân để nói khống công dụng của một loại thảo dược nào đó. Cụ thể, thảo dược được nói ở đây là Đông Trùng Hạ Thảo.

Nói đến thực phẩm chức năng đang làm "loạn" thị trường hiện nay, GS.TS Nguyễn Thanh Phong khẳng định: “Việc lừa dối quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì tin vào quảng cáo thực phẩm chức năng có thể chữa được bệnh nên người bệnh không đến bệnh viện, không chữa trị theo phác đồ Bộ Y tế hướng dẫn. Khi dùng thực phẩm chức năng không khỏi, người bệnh quay lại bệnh viện thì đã quá muộn, bệnh đã ở giai đoạn muộn, can thiệp cũng không còn hiệu quả cao”.

Tương tự như vậy, khi nỗi sợ bị đẩy lên cao, người dân sẽ dễ bị "mù quáng" trước những ngôn từ quảng cáo thiếu căn cứ như: Đông Trùng Hạ Thảo tăng sức đề kháng phòng chống Covid-19. Bởi nhiều người tin rằng, uống Đông Trùng Hạ Thảo xong, cơ thể sẽ có sức đề kháng tốt hoàn toàn có thể chống lại được dịch Covid-19. Và như thế họ sẽ coi thường những phương pháp khoa học bắt buộc khác như: đeo khẩu trang, ít ra ngoài, không tụ tập nơi đông người... Như vậy, việc kiểm soát dịch bệnh của Chính Phủ, mọi người dân sẽ trở nên khó khăn hơn.

Một nhà khoa học Anh ngày 22-7 nhận định biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã phát triển nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu và tạo thành những ổ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 với khả năng lây nhiễm nhanh ở Anh, hơn cả chủng virus ban đầu tại Trung Quốc. Phát biểu trên kênh 4 của tổ hợp truyền thông Anh BBC, giáo sư Nick Loman của Đại học Birmingham, thành viên Hiệp hội COVID-19 Genomics UK (COG-UK), cho biết biến thể mới của virus corona có tên D614G không có độc lực mạnh hơn chủng virus ban đầu được tìm thấy ở Vũ Hán, nhưng kết quả nghiên cứu trên 40.000 bộ gen tại Anh cho thấy D614G có tốc độ lây nhiễm trên người nhanh hơn.

"Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng lây của virus, ví dụ khả năng rời cơ thể vật chủ, khả năng sống sót ở môi trường bên ngoài cho đến khi tìm được vật chủ mới...", nhà dịch tễ Nathan Grubaugh của Đại học Yale (Mỹ) nhận xét.


Hình dạng Đông Trùng Hạ Thảo được quảng cáo khống công dụng có thể chống được Covid-19

Bộ Y tế cho biết, các hành vi vi phạm chủ yếu là quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo lừa dối như thuốc chữa bệnh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung, quảng cáo không đúng nội dung đã được xác nhận,... là rất phổ biến.

Trước những vấn đề còn tồn tại này, Bộ Y tế đang đề nghị nhận được sự phối hợp của Bộ Công an chỉ đạo xử lý các vụ việc vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có dấu hiệu hình sự, quảng cáo gian dối thực phẩm chức năng xâm phạm lợi ích người tiêu dùng theo Điều 197, Bộ luật Hình sự năm 2015.

comment Bình luận