Kịp thời khắc phục các bất cập trong công tác phòng, chống dịch COVID-19

Việt Nam đã thành công và có kinh nghiệm trong việc thực hiện công tác phòng chống dịch và điều trị bệnh nhân COVID-19 nhưng với làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ 4 (từ 27/04/2021 đến nay), nên Việt Nam cùng các nước trong khu vực Đông Nam Á lại trở thành một điểm nóng bùng dịch trên bản đồ thế giới.
23:05 | 30/09/2021

Theo Bộ Y tế, đến ngày 23/09/2021, số ca mắc COVID-19 trong nước là 728.435 ca, trong đó có 358.707 ca tại Thành phố Hồ Chí Minh - ổ dịch lớn nhất cả nước [1].

Trong gần 5 tháng qua, cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân Việt Nam luôn chống dịch với phương châm “chống dịch như chống giặc”, cố gắng thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bào phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, vì đây là “trận chiến” chưa từng có tiền lệ nên trong công tác chống dịch đã có những hạn chế nhất định cần được nhìn nhận khách quan, thẳng thắn với tinh thần học hỏi và rút kinh nghiệm.

Ảnh: TL.

Hiện trạng và thách thức

Một điều cần quan tâm hơn cả là các chính sách và chỉ thị lại đi sau quá trình diễn biến của dịch, điều đó khiến các cơ quan chức năng, đặc biệt là nhân viên y tế gặp rất nhiều thách thức trong việc kiểm soát dịch triệt để và chăm sóc sức khỏe của người dân.

Trong đợt dịch lần thứ 4 tại Thành Phố Hồ Chí Minh, với tình trạng F0, F1 tăng nhanh chóng trong cộng đồng nhưng việc thành lập các cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến lại không đáp ứng đủ nhu cầu đã gây ra gánh nặng rất lớn cho hệ thống y tế Thành Phố.

Chính vì vậy, chính quyền Thành Phố đã thực hiện cách ly tại nhà cho những đối tượng F0 không triệu chứng lâm sàng hay những F0 đủ điều kiện xuất viện vào ngày thứ bảy [2].

Tuy nhiên đến tận 1 tháng sau, Bộ Y Tế mới có quyết định chính thức về việc hướng dẫn chăm sóc và điều trị F0 tại nhà [3].

Có thể thấy qua nhiều nước trong khu vực và cả Việt Nam, mô hình chăm sóc F0 tại nhà đã mang lại hiệu quả và giảm gánh nặng cho cả bệnh nhân và hệ thống y tế [4].

Chính vì vậy, có thể nói nếu quyết định được ban hành kịp thời, nhân viên y tế sẽ tự tin hơn trong việc hướng dẫn bệnh nhân, người bệnh sẽ an tâm hơn khi cách ly tại nhà và điều quan trọng nhất là giảm quá tải cho hệ thống y tế.

Trong thời gian vừa qua, số ca mắc mới tại Thành Phố Hồ Chí Minh liên tục tăng cao khiến các cơ sở cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến và các bệnh viện trong và ngoài công lập rơi vào tình trạng quá tải [5].

Chính vì vậy, việc cho bệnh nhân F0 đủ điều kiện được xuất viện sớm là một giải pháp đóng vai trò quan trọng trong việc giảm sức ép lên hệ thống y tế và kinh tế. Thành Phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần kiến nghị lên Chính phủ cho phép giảm thời gian điều trị bệnh nhân COVID-19 nhưng đến ngày 14/07/2021, Chính phủ mới ra quyết định số 5599/BYT-MT cho phép bệnh nhân F0 không triệu chứng có thể thực hiện xét nghiệm RT-PCR vào ngày 10 và có thể xem xét xuất viện nếu thỏa các tiêu chuẩn theo quy định [6].

Ngoài ra, trong trận chiến với COVID-19, vắc xin được xem như vũ khí đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn dịch bệnh, và giúp cân bằng lại “trận chiến”. Ngày 10/08/2021, Bộ Y Tế ban hành quyết định số 3802/QĐ-BYT về việc hướng dẫn khám sàng lọc trước khi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, trong đó quy định cần đo huyết áp cho tất cả người đến tiêm [7].

Tuy nhiên, khi áp dụng trong thực tế, quy định đó lại có nhiều bất cập. Thứ nhất, việc sử dụng chung một máy đo huyết áp cho rất nhiều người đến tiêm chủng là hoàn toàn không an toàn và làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Thứ hai, đa số những người đến tiêm đều có chung tâm lý lo lắng dẫn đến việc làm tăng huyết áp nên nhân viên y tế buộc phải trì hoãn thời gian tiêm chủng. Có thể thấy, việc đo huyết áp sàng lọc cho mọi đối tượng trước tiêm chủng hoàn toàn không cần thiết vì nó làm chậm tốc độ phủ vắc xin, gây áp lực cả về mặt kinh tế và nhân lực cho hệ thống y tế vốn đang phải gồng mình chống lại đại dịch [8], [9].

Nhiều chuyên gia y tế đã lên tiếng về vấn đề này nhưng đến 1 tháng sau, Bộ Y Tế mới ban hành quyết định chính thức về việc chỉ cần đo huyết áp đối với những người có tiền căn tăng huyết áp/ huyết áp thấp, người có bệnh lý tim mạch và người trên 65 tuổi trước khi tiêm chủng [10].

Giải pháp

Có thể thấy rằng, chống dịch là cuộc chiến với thời gian, chính vì vậy chúng ta nên tận dụng hiệu quả và tối đa quỹ thời gian hiện có để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát và lây lan. Với hiện trạng và những thách thức hiện tại, chúng ta nên có một hướng tiếp cận mới khi thực hiện các chỉ thị của Chính Phủ. Chúng tôi đề nghị cơ quan thực hiện công tác kiểm soát và phòng chống dịch cấp Tỉnh, Thành phố có quyền thay đổi các biện pháp phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương sau khi họp báo công khai qua Zoom online lấy ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước theo thứ tự ba bước sau:

Thứ nhất, 24h trước khi họp báo với báo chí và Bộ Y Tế, Ban chống dịch địa phương cần thông cáo trên truyền thông về tình hình hiện tại của địa phương, kiến nghị cần thay đổi biện pháp phòng, chống dịch và trình bày cụ thể lý do;

Thứ hai, phản biện từ các cấp cao hơn và các chuyên gia và Bộ Y Tế khi họp báo;

Thứ ba, biểu quyết công khai và nêu lý do tại tại sao phản bác.

Để đảm bảo việc phòng – chống dịch diễn ra hiệu quả ở từng đơn vị hành chính nhỏ nhất, Ban chỉ đạo ở mỗi địa phương cần nắm bắt và hiểu rõ chỉ thị của Chính phủ đồng thời cần linh động trong việc triển khai và thực hiện các quy định tùy vào diễn biến dịch và nguồn lực hiện có tại địa phương. Điều quan trọng nhất là tại mỗi địa phương cần tích cực và mạnh dạn tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia trong, ngoài nước và kiến nghị thay đổi kịp thời khi cần thiết. Chỉ có vậy, dịch bệnh mới nhanh chóng được kiểm soát và đẩy lùi.

Tài liệu tham khảo:

[1]:https://moh.gov.vn/tin-tong-hop/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/ban-tin-tinh-hinh-chong-dich-ngay-23-9-2021-tai-viet-nam

[2]:https://hcdc.vn/category/van-de-suc-khoe/covid19/tai-lieu-truyen-thong/tp-hcm-trien-khai-cham-soc-va-theo-doi-suc-khoe-doi-voi-f0-tai-nha-f2439fb5c8938394f848c09d5895cc7a.html

[3]:https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Quyet-dinh-4156-QD-BYT-2021-Tai-lieu-Huong-dan-Cham-soc-nguoi-nhiem-COVID19-tai-nha-486307.aspx

[4]:https://nhandan.vn/tin-tuc-y-te/giam-50-benh-nhan-chuyen-nang-nho-mo-hinh-cham-soc-f0-tai-cong-dong-666455/

[5]: https://tienphong.vn/tphcm-benh-vien-qua-tai-ap-luc-de-nang-post1363028.tpo

[6]: https://thuvienphapluat.vn/cong-van/The-thao-Y-te/Official-Dispatch-5599-BYT-MT-2021-reduction-quarantine-period-pilot-home-quarantine-for-F1-481271.aspx

[7]: https://soyte.hungyen.gov.vn/portal/VanBan/2021-08/d0bb3537dae9fd3802.pdf

[8]:https://tuoitre.vn/khong-can-do-huyet-ap-truoc-khi-tiem-vac-xin-covid-19-nua-20210910122227643.htm

[9]:https://laodong.vn/video/co-can-thiet-do-huyet-ap-sang-loc-truoc-khi-tiem-vaccine-covid-19-947159.ldo

[10]:https://moh.gov.vn/thong-tin-chi-dao-dieu-hanh/ /asset_publisher/DOHhlnDN87WZ/content/huong-dan-moi-nhat-cua-bo-y-te-khong-can-o-huyet-ap-tat-ca-nguoi-tiem-vaccine-covid-19

 

Bài viết của Nhóm nghiên cứu chống dịch COVID toàn cầu (https://www.onlineresearchclub.org/covid-19-preventive-measures) gửi cho Sức Khỏe 24H gồm:

- PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Huy (Khoa Y, Trường Bệnh Nhiệt Đới và Sức Khỏe Toàn Cầu, Đại học Nagasaki, Nhật Bản)

- Triệu Đức Thảo My (Khoa Y, Đại học Y Dược TP.HCM, Việt Nam)

 


comment Bình luận