Hoa khôi bóng chuyền Phạm Thị Kim Huệ: 20 năm sự nghiệp thăng trầm và cuộc hôn nhân lỡ dở

"Nhìn bên ngoài, người ta tưởng tôi hạnh phúc lắm nhưng có những nỗi niềm tôi cứ phải giấu đi!", phụ công Phạm Thị Kim Huệ tâm sự.
10:03 | 29/04/2020
Vốn được biết đến là "hoa khôi bóng chuyền" với nhan sắc và tài năng đặc biệt nhưng không nhiều người biết cuộc sống của Phạm Thị Kim Huệ gặp nhiều khó khăn về kinh tế, nhất là khi hôn nhân đổ vỡ. Sau những năm tháng phải đi tập huấn, thi đấu xa nhà, giờ đây chị mới có thời gian chăm lo cho bản thân và vực dậy cuộc sống.
 

20 năm sự nghiệp bóng chuyền thăng trầm

 
Nói đến bóng chuyền, bất cứ người hâm mộ nào cũng biết đến cái tên Phạm Thị Kim Huệ. Sở hữu gương mặt xinh đẹp, chiều cao lý tưởng 1m81, Kim Huệ không chỉ ghi dấu ấn trong lòng người hâm mộ bởi danh hiệu “hoa khôi bóng chuyền” mà còn bằng tài năng và kỹ thuật của một phụ công hàng đầu bóng chuyền Việt Nam.
 
Thừa hưởng chiều cao vượt trội từ gia đình, ban đầu Kim Huệ chọn theo đuổi điền kinh chứ không phải bóng chuyền. Vì quá thương con gái nên mẹ chị đã đưa con thi tuyển Đội bóng chuyền Bộ Tư lệnh Thông tin năm 1996.
 
20 năm sự nghiệp thăng trầm và cuộc sống trắc trở của hoa khôi bóng chuyền Phạm Thị Kim Huệ
Kim Huệ với chiếc áo số 5 quen thuộc và kỹ thuật bật một chân riêng biệt trong làng bóng chuyền Việt Nam
 
Chỉ 2 năm sau, Kim Huệ 17 tuổi trở thành tuyển thủ quốc gia trẻ nhất dự giải Tiền SEA Games năm 1999. Từ đó, Kim Huệ không ngừng trưởng thành, ghi dấu ấn với giới chuyên môn và người hâm mộ. Với 7 lần giành HCB SEA Games, giữ kỷ lục là nữ VĐV bóng chuyền dự 17 giải vô địch quốc gia liên tiếp, nói không quá Kim Huệ là thần tượng của rất nhiều VĐV trẻ.
 
Dấu ấn đậm nét khi nhớ về Kim Huệ là hình ảnh cú bật nhảy 1 chân trước khi đánh bóng ghi điểm. Những năm 1998-1999, chị đã sở hữu lối đánh riêng chậm hơn, tốc độ trung bình nhưng xác suất ăn điểm cao hoàn toàn khác với lối đánh nhanh, lao và kỹ thuật không ổn định của nhiều vận động viên lúc bấy giờ.
 
Kỹ thuật riêng mang thương hiệu Kim Huệ ấy là do chị học được từ thầy Thẩm người Trung Quốc khi tập luyện ở tuyển trẻ quốc gia. "Thầy dạy, ngoài tốc độ, quan trọng hơn là tính thời điểm. Thầy bảo, các em thường khi bóng chuyền ra mới di chuyển và trước khi đánh bóng đã có 4 chắn rồi, người ta dễ bắt bài, hóa giải. Còn tôi khi thực hiện động tác thường chỉ có 1 chắn theo kịp tình huống mà 1 chắn coi như bằng không với tôi", cựu hoa khôi bóng chuyền chia sẻ.
 
Ngoài kỹ thuật đánh một chân mang thương hiệu riêng, người ta còn nhớ đến Kim Huệ với chiếc áo số 5. Chị nói con số 5 gắn bó với chị như là cái duyên. Hồi mới được tuyển chọn vào đội trẻ Bộ tư lệnh Thông tin năm 1996, Kim Huệ đi xem một giải Cúp Mùa Xuân ở Hoàng Diệu. "Trong trận đấu đó, có một người chủ công mang áo số 5, béo, không cao nhưng chơi bóng rất thông minh và biến hóa, cứ lên là có điểm khiến đối phương cảm thấy chán, thậm chí bất lực. Ngay từ lúc đó, tôi đã biết đây là mẫu hình mà tôi sẽ cố gắng noi theo. Tôi tự nhủ, sau này sẽ mặc chiếc áo số 5", cựu phụ công tiết lộ. Sau này, số 5 gắn bó với cái tên Kim Huệ từ đội trẻ lên đội 1 Bộ tư lệnh Thông tin rồi lên ĐTQG.
 
 
"Chẳng có “đàn chị” nào cạnh tranh chiếc áo này cả. Nó như một số “sinh” vậy, sự nghiệp của tôi có thăng trầm như thế nào thì cũng vượt qua được. Một chi tiết nữa là số 5 cũng mang ý nghĩa biết thế nào là đủ, không kỳ vọng quá lớn!", Kim Huệ nói.
 
Một chi tiết nữa liên quan tới số 5 là cái số căn nhà Kim Huệ mua trả góp hiện tại. Ban đầu, chị định mua căn hộ số 6 nhưng vì đặt tiền chậm nên người ta bán mất. Sau đó chị lựa chọn căn hộ còn bên cạnh chính là căn số 5.
 
20 năm sự nghiệp thăng trầm và cuộc sống trắc trở của hoa khôi bóng chuyền Phạm Thị Kim Huệ
Kim Huệ là hoa khôi bóng chuyền Việt Nam
 
Trở thành một vận động viên vốn đã không dễ dàng nhưng để tập luyện, trưởng thành trong môi trường quân đội càng khắc nghiệt hơn gấp bội. "Có mấy ai hiểu cho VĐV chúng tôi nhiều khi stress lắm. Stress vì quanh năm chỉ biết tập luyện, thi đấu, rồi lại phải đối mặt với những điều tiếng không hay, thậm chí là cay nghiệt từ phía những người không thích mình, họ muốn mình phải chán, phải từ bỏ”, Kim Huệ tiết lộ.
 
Suốt 20 năm gắn bó với bóng chuyền với biết bao thăng trầm nhưng năm 2006 là khoảng thời gian Kim Huệ thực sự khủng hoảng với nghề. Một năm bị chấn thương hai lần rồi phải tự bỏ tiền túi phẫu thuật vì trái tuyến khiến một vận động viên cảm thấy không được quan tâm. Cùng thời điểm, có nhiều sự việc không tốt xảy ra khiến nữ vận động viên chán nản, thấy nghiệp thể thao quá bạc bẽo.
 
Vì lẽ đó, năm 2007-2008 chị quyết định dừng lại lập gia đình và sinh con. Năm 2009, chị trở lại tập với đội trẻ chỉ vì mục đích… giảm béo nhưng cuối cùng ban lãnh đạo lại thuyết phục gia đình, thuyết phục chồng cho chị chơi bóng trở lại. Tới năm 2012, khi đã cống hiến cho đội chuyên nghiệp Bộ Tư lệnh Thông tin 12 năm 11 tháng, (quá 11 tháng so với quy định), Kim Huệ xin ra quân nhưng nhùng nhằng mãi không xong.
 
"Thời điểm đó tôi chia tay Bộ Tư lệnh Thông tin, cập bến Ngân hàng Công Thương cũng chẳng vui vẻ gì. Nguyên nhân cũng chỉ vì kinh tế. Tôi mới lập gia đình, sinh con, cuộc sống khó khăn quá và lương ở Bộ Tư lệnh Thông tin không đủ sống!", Kim Huệ tiết lộ.
 

Niềm đam mê mới vực dậy cuộc sống sau hôn nhân đổ vỡ

 
Dù sở hữu ngoại hình xinh đẹp nhưng Kim Huệ tiết lộ 21 tuổi chị mới lần đầu biết đến tình cảm khác giới. Những năm đôi mươi, chị thuộc tuýp con gái cổ lỗ sĩ với suy nghĩ yêu thì phải chín chắn, chịu trách nhiệm về quyết định của bản thân.
 
Thời điểm quyết định dừng lại đam mê bóng chuyền để lựa chọn tin tưởng người đàn ông bị gia đình mình cấm cản, Kim Huệ nói với cha mẹ rằng: “Sướng khổ gì sau này con chịu!”. Nhìn lại cuộc hôn nhân đã qua, chị nói từng có quãng thời gian dồn hết sức lực tâm huyết cho chồng con nhưng lại thờ ơ với chính bản thân mình.
 
20 năm sự nghiệp thăng trầm và cuộc sống trắc trở của hoa khôi bóng chuyền Phạm Thị Kim Huệ
Kim Huệ và con gái
 
“Tôi chẳng buồn làm đẹp, đi spa hay nghĩ tới thời trang. Tôi sẵn sàng tiêu hàng chục triệu mua quần áo cho chồng con nhưng một món đồ cho bản thân giá khoảng 2 triệu đồng cũng khiến tôi phải nâng lên đặt xuống”. Nhiều người nói Kim Huệ năm đó già hơn bây giờ chỉ vì bản thân tự làm xấu đi hình ảnh của mình. Mãi sau này chị mới nhận ra, chính điều đó đã “giết” tâm hồn, thanh xuân, cái đẹp của bản thân khi làm vợ, làm mẹ.
 
Từng sẵn sàng từ bỏ niềm đam mê bóng chuyền để toàn tâm toàn ý vun đắp tổ ấm hạnh phúc gia đình đáng tiếc chữ duyên với Kim Huệ không trọn vẹn. Có quá nhiều áp lực, đặc biệt là về mặt kinh tế trong cuộc sống hôn nhân mà trước đó có lẽ vì quá yêu người ta chưa thể nhìn ra để rồi đến lúc không chịu đựng được nữa.
 
Sau ly hôn, cuộc sống của hoa khôi bóng chuyền còn nhiều trắc trở hơn nữa vì kinh tế vốn đã hạn chế. Huệ từng mở cửa hàng kinh doanh cho chồng làm nhưng cũng không thành, rồi chịu thêm gánh nặng tiền bạc.
 
“Sau khi chia tay, cuộc sống của tôi vất vả lắm và nhiều khi tưởng như sẽ vào ngõ cụt. Nhưng dù thế nào tôi cũng muốn có một cái nhà riêng để ở. Vậy nên tôi đã chấp nhận mua nhà trả góp và đến giờ vẫn đang trả góp”. Mua được nhà, bà mẹ đơn thân lại loay hoay kiếm tiền trả nợ, đến giờ nghĩ lại chị cũng không hiểu sao mình làm được điều đó.
 
Hiện tại khi mọi chuyện đã qua, Kim Huệ chỉ tâm niệm, chuyện tình cảm, khi đến được với nhau là duyên, khi chia tay là hết duyên, chẳng do lỗi của ai. Với chị, làm ra tiền thì cũng phải có thời gian hưởng thụ, nếu lúc nào cũng lao vào kiếm tiền mà không có thời gian vui chơi, giải trí thì cũng chẳng để làm gì. Việc tiêu tiền cũng là tái tạo năng lượng, là động lực, mục đích để phấn đấu có thêm thu nhập. Cô con gái của Kim Huệ giờ đã học lớp 6, bắt đầu biết suy nghĩ nhiều. Chị và chồng cũ vẫn coi nhau như những người bạn, cùng nhau chăm sóc con thật tốt.
 
20 năm sự nghiệp thăng trầm và cuộc sống trắc trở của hoa khôi bóng chuyền Phạm Thị Kim Huệ
Kim Huệ tìm thấy niềm đam mê mới với golf
 
Sau những ngày tháng vất vả trong cuộc sống, cựu vận động viên cũng gặp gỡ được nhiều người. Họ muốn lo cho chị cuộc sống mới, muốn mua nhà mua xe cho chị nhưng chị đều từ chối. “Tôi không muốn phụ thuộc vào đàn ông. Cuộc sống không phải lúc nào cũng vui. Tôi không muốn lúc va chạm, người ta lại mamg những thứ ấy ra làm sức ép, gây áp lực cho mình. Có thể người ta sẽ đuổi mình ra khỏi nhà lắm chứ!”, Kim Huệ chia sẻ.
 
Gần đây, hoa khôi bóng chuyền có nhiều thời gian dành cho bản thân hơn. Được một người chị kinh doanh ở Thái Bình cho mượn gậy và quần áo, Kim Huệ đang tìm thấy niềm đam mê mới với golf. Ban đầu chị chỉ chơi golf cho vui nhưng lâu dần, chị suy nghĩ nghiêm túc về bộ môn này. Nếu với bóng chuyền mỗi khi ra sân luôn phải máu lửa, nhiệt huyết, bùng nổ và thể hiện cái tôi thì khi chơi golf, Kim Huệ điềm tĩnh hơn, sâu sắc hơn.
 
Chị cũng tiết lộ nhờ golf mà có thêm những người bạn, mở rộng quan hệ, tìm được những hợp đồng quảng cáo, từ đó mà kinh tế ổn định hơn. Cựu vận động viên bóng chuyền nói sẽ cố gắng chơi nhiều hơn, nếu có thời gian sẽ theo golf chuyên nghiệp.
 
 
Hà Ly (t/h)
 
comment Bình luận