Dược phẩm Đại Tín bán test xét nghiệm COVID-19 giá cao cho Sở Y tế Vĩnh Long

Nơi khác chỉ mua 45.000 – 47.000 đồng nhưng Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long phải mua với mức giá 115.000 đồng. Chênh lệch cao hơn tới 17,5 tỷ đồng ở gói thầu 28,75 tỷ đồng.
10:00 | 05/11/2021

Ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long là người ký quyết định "chỉ định" cho Dược phẩm Đại Tín trúng thầu.

Ngày 20/8/2021, ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long đã ký Quyết định số 2048/QĐ-SYT để “chỉ định” cho Công ty Cổ phần Dược phẩm Đại Tín trúng gói thầu “Mua test xét nghiệm kháng nguyên Covid-19 cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long” trị giá 28.750.000.000 đồng (tiết kiệm được 0 đồng cho ngân sách so với giá dự toán/giá gói thầu).

Theo tìm hiểu của phóng viên Sức Khỏe 24H, test xét nghiệm COVID-19 mà Sở Y tế Vĩnh Long mua của Đại Tín có model là: Biocredit Covid-19 Ag, hãng sản xuất: Rapi GEN, Inc./ Hàn Quốc. Đơn giá trúng thầu là 115.000 đồng x 250.000 test = 28,75 tỷ đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, mức giá mà Sở Y tế Vĩnh Long mua test nhanh cao hơn rất nhiều so với các tập đoàn, địa phương khác đã mua.


Nếu áp dụng mức giá của doanh nghiệp mua và của nhà sản xuất đưa ra (đã tính cả phần chi phí kho bãi, vận chuyển, thuế...) thì Sở Y tế Vĩnh Long đang phải mua cao hơn 17,5 tỷ đồng ở gói thầu 28,75 tỷ đồng.

Cụ thể, vào ngày 08/10/2021, một tập đoàn mua để trao tặng tỉnh Hải Dương 150.000 bộ kit xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 BIOCREDIT COVID-19 Ag do hãng Rapigen Inc (Hàn Quốc) – tương đương với chủng loại của Vĩnh Long mua, trị giá gần 7 tỷ đồng. Tính ra, mỗi kit xét nghiệm mà tập đoàn trên mua chỉ có giá chưa tới 47.000 đồng.

Cũng tập đoàn trên, họ vừa trao tặng tỉnh Ninh Thuận 100.000 bộ kit xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 BIOCREDIT COVID-19 Ag do hãng Rapigen Inc (Hàn Quốc) sản xuất, trị giá 4,5 tỷ đồng. Tính ra, mỗi test BIOCREDIT mà tập đoàn này mua chỉ có giá 45.000 đồng.

Hay như, trong một văn bản của Tập đoàn RapiGen khẳng định giá test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 BIOCREDIT COVID-19 Ag khi về Việt Nam có giá chỉ 2 USD (tương đương 45.000 đồng). Giá này đã bao gồm các chi phí chuyển hàng và nhập khẩu về Việt Nam (phí chuyển hàng 0,15 USD/test; thuế VAT 5%, phí nhập khẩu 0,13%/tổng giá trị đơn hàng).

Nếu áp dụng mức giá của doanh nghiệp mua và của nhà sản xuất đưa ra (đã tính cả phần chi phí kho bãi, vận chuyển, thuế...) thì Sở Y tế Vĩnh Long đang phải mua cao hơn 17,5 tỷ đồng ở gói thầu 28,75 tỷ đồng.

Tất nhiên, doanh nghiệp kinh doanh là phải có lợi nhuận, nhưng trong lúc “nước sôi, lửa bỏng”, cả nước đang gồng mình chống dịch mà đẩy giá thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế... lên quá cao là hành vi không thể chấp nhận được cả về mặt pháp luật, đạo đức và trách nhiệm xã hội.

Nếu có trách nhiệm trong công việc, đàm phán và thẩm định tốt về giá trước khi “chỉ định thầu”, thì Sở Y tế Vĩnh Long hoàn toàn có thể tiết kiệm cho ngân sách hàng chục tỷ đồng.

Cũng cần khẳng định rằng, việc Bộ Y tế công khai giá thiết bị y tế, vật tư, sinh phẩm... trên website là do doanh nghiệp tự thực hiện và chịu trách nhiệm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn từng khẳng định: "Đơn vị sản xuất/nhập khẩu, thông tin tóm tắt hiệu năng sản phẩm, khả năng cung ứng và giá bán do đơn vị sản xuất, cung ứng tự công bố và chịu trách nhiệm". Do đó, địa phương không nên chỉ căn cứ vào mỗi báo giá của doanh nghiệp đăng trên website của Bộ Y tế để chỉ định thầu với giá “trên trời”.

Rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng trong vụ việc đấu thầu kit test nhanh tại Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long. Làm rõ câu chuyện có hay không việc lợi dụng dịch bệnh để “thổi”, “nâng khống” giá bán kit test nhanh của Dược phẩm Đại Tín (?!).

Sức Khỏe 24H sẽ tiếp tục thông tin và làm rõ sự việc trên!

 

Chính phủ sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu phát hiện vi phạm

Mới đây, Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra vào ngày 2/10/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề cập đến giá kít xét nghiệm, đây là vấn đề được dư luận quan tâm thời gia quan. Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, làm rõ và kịp thời thông tin chính thức tới dư luận.

Thủ tướng cũng đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu công tác mua sắm và sử dụng trang thiết bị, vật tư phòng, chống dịch phải bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, tuân thủ đúng quy định pháp luật, tránh lãng phí, thất thoát, tiêu cực. Quan điểm của Chính phủ là xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu phát hiện vi phạm, công khai kết quả xử lý cho nhân dân.

Ngày 04/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có văn bản gửi các bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đề nghị các tỉnh, thành giao thanh tra thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, thanh, kiểm tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu kit test nhanh Covid-19, mua sắm các loại kit test nhanh và xét nghiệm RT-PCR.

Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành rà soát quy trình, thủ tục mua sắm, chất lượng, giá, tư cách pháp nhân... theo đúng quy định của pháp luật, tập trung vào giá xét nghiệm, giá dịch vụ xét nghiệm đang thực hiện tại các công ty, doanh nghiệp, bao gồm cả kit test nhanh kháng nguyên và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR.

 

 

Vạch trần 'sân sau' trong đấu thầu thiết bị y tế, giáo dục

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, sai phạm liên quan đến hoạt động đấu thầu không chỉ xảy ra ở các dự án trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, mà ở cả lĩnh vực nhạy cảm, mang tính nhân văn cao như y tế, giáo dục, văn hóa... Những sai phạm này gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội và bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, thời gian qua Bộ Công an đã chỉ đạo các cơ quan chức năng quán triệt tốt quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là phát hiện một vụ, cảnh tỉnh cả vùng; xử lý một người để cứu muôn người.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Công an đã tăng cường nắm tình hình, nhận diện vi phạm, lựa chọn khâu đột phá để kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm, từ đó có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe các vi phạm trong cả lĩnh vực, điển hình như: Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội; Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh, TP Cần Thơ; Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Điện Biên...

Trung tướng Tô Ân Xô cho hay, qua các vụ án kinh tế, tham nhũng mà Cơ quan điều tra của Bộ Công an phát hiện trong thời gian qua cho thấy, các sai phạm trong hoạt động đấu thầu diễn ra rất phức tạp ở hầu hết các lĩnh vực.

Điều đáng nói, sai phạm không chỉ xảy ra ở các dự án trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, thông tin, truyền thông...mà ở cả lĩnh vực nhạy cảm, mang tính nhân văn cao như y tế, giáo dục, văn hóa... Các sai phạm này gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội và bức xúc trong quần chúng nhân dân, cụ thể:

Thứ nhất, hành vi thông thầu với nhà thầu có mối quan hệ “sân sau”, không dựa trên uy tín và năng lực thực sự của nhà thầu, hành vi gian lận giá thầu, câu kết nâng giá trị sản phẩm hàng hóa để trục lợi, chung chi “hoa hồng” của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định thầu, đơn vị kiểm tra, giám sát dẫn đến các dự án chậm tiến độ, chất lượng hàng hóa kém, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, gây thất thoát, thiệt hại nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Thứ hai, nếu để việc phân biệt, đối xử “bất bình đẳng” trong đấu thầu kéo dài, sai phạm trở nên phổ biến ở các bộ, ngành, địa phương sẽ dẫn đến không đảm bảo tính công bằng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động đầu tư, làm thui chột động lực phát triển kinh tế, suy giảm lòng tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Nghiêm trọng hơn, còn làm méo mó chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; không phát huy hết được vai trò của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, gian lận thầu, nâng khống giá thầu thường có sự thông đồng, liên kết chặt chẽ của nhiều cá nhân, từ những người có chức vụ, quyền hạn chỉ đạo đến cán bộ thực hiện, từ khâu xác lập, phê duyệt, thẩm định đến khâu kiểm tra, giám sát thầu, thậm chí can thiệp cả vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để giành đặc quyền, đặc lợi, phục vụ cho việc trục lợi cá nhân, gia đình, nhóm lợi ích của mình một cách hợp lý hơn, kín đáo hơn, không quan tâm đến hiệu quả, cũng như tài sản thiệt hại, thất thoát của Nhà nước.

Trung tướng Tô Ân Xô cho rằng, quy trình, thủ tục đấu thầu theo Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay vẫn còn những bất cập, kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để vi phạm hoạt động đấu thầu, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Qua các vụ án này, Bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan nhiều giải pháp để khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm tương tự.

Theo Tiền Phong

 

 

Quốc hội sẽ chất vấn giá kit xét nghiệm, thuốc, trang thiết bị phòng chống dịch COVID-19

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường có cuộc trao đổi với báo chí, công bố kết quả bỏ phiếu với các bộ trưởng được lựa chọn trả lời chất vấn từ ngày 10 đến 12/11.

Theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, trong đợt họp thứ 2, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Để chuẩn bị công việc này, tổng thư ký Quốc hội khẳng định đã chuẩn bị chặt chẽ, đúng quy trình.

Về kết quả, các nhóm vấn đề có nhiều sự quan tâm nhất của các đại biểu Quốc hội liên quan đến y tế; lao động - thương binh và xã hội; kế hoạch và đầu tư; giáo dục và đào tạo. Như vậy, trong các nhóm vấn đề được "chốt", lĩnh vực công thương không nằm trong danh sách chất vấn.

Cụ thể, về y tế sẽ chất vấn liên quan công tác phòng chống dịch bệnh, chiến lược vắc xin, chiến lược chống dịch trong thời gian tới; đảm bảo cung cấp giá xét nghiệm, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế; giải pháp giảm thiểu chênh lệch trong khám chữa bệnh giữa các vùng miền, cơ chế chính sách cho đội ngũ y bác sĩ…

Cùng với bộ trưởng Bộ Y tế, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và các bộ trưởng Bộ Công an, Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Thông tin và truyền thông, Khoa học và công nghệ… cùng tham gia trả lời.
comment Bình luận