Cảm phục người đàn ông xây nhà cho bệnh nhân suy thận, xây nghĩa trang từ thiện

Ngoài xây nhà làm chốn nương thân cho những người bị bệnh suy thận mãn tính, ông Trần Văn Hiền (46 tuổi, ngụ phường Thành Phước, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) còn xây nghĩa trang từ thiện, cho hòm, vớt xác...
9:11 | 23/12/2019

Xây nhà ở miễn phí cho bệnh nhân suy thận mãn 

 
Tận mắt chứng kiến những người bệnh bị suy thận mãn tính bị vắt kiệt từ sức khỏe đến tiền bạc; đặc biệt là những bệnh nhân nghèo ở những nơi xa xôi phải tốn thêm biết bao chi phí để đến viện lọc thận, ông Trần Văn Hiền đã không cầm lòng nổi. Và thế là, người đàn ông 46 tuổi quyết định bỏ hết vốn liếng của mình ra để xây nhà miễn phí cho bệnh nhân suy thận mãn tính tới tá túc. Căn nhà có diện tích 200 m2 nằm ở khóm 5, phường Thành Phước (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) được chính thức đưa vào sử dụng từ hồi tháng 2 năm 2019. Hiện nay, căn nhà là nơi nương nhờ của 18 người bao gồm cả người bệnh và thân nhân của họ (đều đang cư trú ở khắp các địa phương như: Tam Bình, Mang Thít, Trà Ôn… tỉnh Vĩnh Long).
 
Căn nhà từ thiện được xây dựng khá khang trang, rộng rãi. Phía sau nhà là khu vườn rộng mát rười rượi, nhiều người còn bắc võng ở đây làm nơi nghỉ ngơi, hóng mát. Không chỉ miễn phí ở, những người bệnh đến đây còn được miễn phí cả ngủ nghỉ, sinh hoạt và ăn uống. Những người nương nhờ ở đây đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Tuổi đời của họ từ 30 đến trên 80 tuổi, ai cũng ôm bệnh nặng trong người; trường hợp không nhà không cửa, không ruộng vườn, trường hợp lại không có một người thân thích, chẳng ai trông nom. Thế nhưng, từ khi họ đến đây luôn được ông Hiền chăm sóc tận tình, thường xuyên an ủi. Đây chính là sức mạnh lớn nhất giúp họ vững tin hơn trên con đường chống trọi bệnh tật.
 
Cảm phục người đàn ông hết lòng vì bệnh nhân nghèo, xây nghĩa trang từ thiện
Hiện nay, căn nhà là nơi nương nhờ của 18 người bao gồm cả người bệnh và thân nhân của họ.
 
Ông Hiền chu đáo đến nỗi, cứ cách 2 ngày ông lại liên hệ xe chuyển bệnh viện miễn phí, đưa các bệnh nhân bị suy thận mãn tính ở nhà mình sang Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ để lọc thận, rồi lại đón về tận nơi. Nói về hành động của mình, ông Hiền chỉ cười: “Ngày nhỏ, gia đình tôi nghèo lắm nên tôi hiểu được nỗi cơ cực của những số phận không tiền bạc, không người thân mà lại đang ôm bệnh trong người. Sau này, khi cuộc sống đã ổn định hơn, tôi nhủ lòng phải nghĩ đến những người nghèo, nhất là những người đang bị bệnh thận giai đoạn cuối.
 
Hầu hết đây đều là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; nhà ở xa nên không có điều kiện đi về mỗi lần chạy thận liên tục. Họ ở lại viện cũng không phải mái, nhiều khi phải trú tạm mái hiên bệnh viện đông đúc và chật chội, ăn uống kham khổ bữa đói bữa no. Đưa họ về ngôi nhà chung dù có tốn kém một chút nhưng mình có thể lo được, cũng dễ dàng giúp được họ hơn. Tôi cảm thấy cuộc đời vui và ý nghĩa hơn rất nhiều khi có thể giúp ích cho họ”.
 
Là một người tá túc trong mái ấm tình thương của ông Hiền, cụ Phạm Văn Vàng (81 tuổi, ngụ xã Bình Ninh, huyện Tam Bình, Vĩnh Long) không giấu được niềm xúc động: “Đến năm nay, tôi chạy thận đã được 9 năm, nhà ở quá xa bệnh viện nên mỗi lần đi đi về về đều rất mệt mỏi và tốn kém. May mắn thay, tôi biết được mái ấm của chú Hiền. Từ khi đến đây ở, tôi không những chẳng mất tiền mà còn được chăm lo chu đáo từ ăn uống, sinh hoạt đến việc đưa đón đi lọc thận… Tôi vô cùng cảm động và biết ơn”.
 
Cảm phục người đàn ông hết lòng vì bệnh nhân nghèo, xây nghĩa trang từ thiện
Ngoài xây nhà làm chốn nương thân cho những người bị bệnh suy thận mãn tính, ông Trần Văn Hiền còn xây nghĩa trang từ thiện, cho hòm, vớt xác... cho biết bao mảnh đời bất hạnh. 
 
Cùng cảnh ngộ, ông Phạm Văn Lực (60 tuổi, ngụ huyện Mang Thít, Vĩnh Long) cũng may mắn được mọi người giới thiệu đến đây tá túc. Căn bệnh quái ác giày vò nhiều năm khiến gia cảnh vợ chồng ông Lực đã nghèo lại càng nghèo hơn. “Thế nhưng, từ khi đến mái ấm tình thương của chú Hiền, được chú ân cần chăm sóc, lo ăn lo ở khiến tôi cảm nhận được sự ấm áp của một gia đình thực sự. Chính điều này khiến tôi có thêm động lực và sức mạnh để chiến đấu với bệnh tật”, ông Lực tâm sự.
 
Một người đàn ông 60 tuổi khác đến từ huyện Tam Bình (Vĩnh Long) cũng đang sống tại “ngôi nhà chung”, sức khỏe cũng cải thiện rõ rệt khi được ông Hiền chăm sóc sau 2 năm chạy thận nhân tạo. Cũng nhờ ngôi nhà từ thiện này, vợ chồng người đàn ông đã không phải lang thang ngủ tạm ở hành lang bệnh viện như trước nữa. Hơn thế nữa khi ở đây, họ được tiếp xúc với những người “đồng bệnh tương liên”, dễ nói chuyện và cảm thông với nhau. Ông xúc động: “Tôi mang ơn chú Hiền cho đến tận khi nhắm mắt”.
 

Lặng thầm công việc... vớt xác

 
Luôn xem những người sống trong ngôi nhà chung như người thân ruột thịt trong nhà, nhiều lần ông Hiền cảm thấy vô cùng xót xa, bất lực khi tận mắt chứng kiến những cảnh sinh ly tử biệt tại đây. Cũng từ đó, người đàn ông 46 tuổi quyết định đứng ra vận động những nhà hảo tâm đóng góp kinh phí để lo công việc chu toàn cho những người không may qua đời ở đây, giúp đưa họ về quê hương an nghỉ. Xúc động trước tấm lòng nhân ái của ông Hiền, rất nhiều mạnh thường quân đã tìm đến tận nơi, đóng góp tiền bạc, hỗ trợ thức ăn và cung cấp nhiên liệu cho những chuyến xe chuyển bệnh với mong muốn kéo dài sự sống cho những mảnh đời bất hạnh. 
 
Cảm phục người đàn ông hết lòng vì bệnh nhân nghèo, xây nghĩa trang từ thiện
Hiền chăm sóc tận tình, thường xuyên an ủi những người bệnh trong ngôi nhà chung. 
 
Không chỉ “nặng nợ” với những bệnh nhân suy thận mãn tính, ông Hiền còn được nhiều người biết đến là người chuyên lặng lẽ “cứu vớt” những xác chết vô danh trên sông Hậu. Cách đây 3 năm, khi tận mắt chứng kiến nhiều người gieo mình xuống dòng sông Hậu tự vẫn, bỏ lại người thân đau khổ, giày vò trước khung cảnh chia li. Nhiều nhà gia cảnh quá khó khăn, đến khi vớt xác lên còn không lo nổi hậu sự, ông Hiền lại không cầm được lòng mình mà bỏ tiền túi ra mua hòm, lo xe đưa thi thể về tận nhà. Với những thi thể không có người thân đến nhận, người đàn ông 46 tuổi lại tự mình đưa về chôn cất trong nghĩa trang từ thiện với diện tích 2.000 m2 ở đất vườn nhà ông.
 
Ông Hiền trải lòng đầy xúc động: “Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời tôi là được chứng kiến những người sống trong mái nhà chung này có thể bớt đi nỗi đau bệnh tật, ngày càng khỏe mạnh hơn. Đối với những trường hợp chẳng may qua đời mà không nơi chôn cất, tôi sẽ lo cho họ. Con người mà, sống phải có nhà, chết phải có mồ. Nhiều người cười tôi, nói tôi lo chuyện bao đồng. Thế nhưng, tôi lại xem đó là trách nhiệm, là điều mình cần phải làm dành cho xã hội”.
 
[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2019/11/01/chuyen-xe-o-dong_01112019142242.mp4[/presscloud]
“Chuyến xe 0 đồng” của tài xế xe cấp cứu chở bệnh nhân, người đã mất về quê. Nguồn: Thanh Niên.
 
 
Thùy Nguyễn (t/h)
comment Bình luận