Viêm ống tai ngoài ở trẻ sơ sinh và những điều cần lưu ý

Viêm ống tai ngoài là căn bệnh thường xảy ra ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân do vùng da tai của bé lúc này vẫn còn khá yếu, dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động từ bên ngoài.
9:32 | 13/08/2020

Ống tai ngoài là phần nằm ở phía ngoài của tai, giữa vành tai và màng nhĩ. Viêm ống tai ngoài (hay còn gọi viêm tai ngoài) là tình trạng viêm, phản ứng kích thích, nhiễm trùng ở ống tai ngoài. Viêm tai ngoài gây triệu chứng ngứa, đau tai.

Bệnh thường xảy ra ở những người hay đi bơi hoặc thường xuyên bị nước ứ đọng trong tai (tắm gội bị nước vào lỗ tai). Nếu không chữa kịp thời rất thì bệnh sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, trẻ đã có tiền sử bị viêm tai, thủng màng nhĩ, có bất thường về giải phẫu ống tai rất dễ đọng nước bên trong, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn.

Nguyên nhân gây viêm ống tai ngoài ở trẻ sơ sinh

Bệnh thường có 2 nguyên nhân chủ yếu là do nấm và vi trùng. Tuy nhiên, một điều khiến các bố mẹ vô cùng bất ngờ là chính từ những thói quen chăm sóc bé chưa đúng cũng là nguyên nhân.

Nó đã tạo điều kiện cho các ổ nấm và vi khuẩn xâm nhập vào ống tai của bé và tạo thành các ổ viêm. Chính vì vậy, việc nhận biết những nguyên nhân gây bệnh ở trẻ sẽ giúp bố mẹ chủ động hơn trong việc phòng ngừa bệnh ở trẻ.

Sau đây sẽ là một số nguyên nhân mà bố mẹ nên chú ý:

  • Chấn thương: Bé chạy nhảy, vui chơi dẫn đến vấp ngã, va đập gây tổn thương vùng tai ngoài.

  • Tắm gội không đúng cách: Nếu bố mẹ tắm cho bé không đúng cách và không lau chùi sau khi tắm sẽ khiến tai bị đọng nước xà phòng, dần dần sẽ gây ra tình trạng viêm tai ở trẻ.

  • Nguồn nước: Bé thường xuyên tắm gội, bơi lội ở môi trường nước không được đảm bảo vệ sinh. Sự tiếp xúc trực tiếp với các loại vi khuẩn gây bệnh có thể dẫn đến viêm tai ngoài ở trẻ.

  • Dụng cụ vệ sinh không đảm bảo: Bố mẹ sử dụng các dụng cụ vệ sinh chưa được khử trùng hoặc có cấu tạo quá cứng gây trầy xước vùng da ống tai của bé, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn xâm nhập, gây viêm nhiễm vùng tai của bé.

  • Các bệnh lý về da: Bên cạnh đó, việc mắc phải các bệnh về da ở trẻ sơ sinh như viêm da, vẩy nến, nấm cũng sẽ làm tăng nguy cơ viêm ống tai ngoài ở trẻ.

Cách phòng bệnh viêm ống tai

Để phòng tránh bệnh viêm ống tai ngoài, nhất là đối với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bạn nên chú ý đến:

- Giữ cho ống tai luôn được khô sạch nhất là mùa mưa ẩm. Sử dụng dụng cụ nút tai khi đi bơi hoặc tắm.

- Khi đi bơi, gội đầu vô tình để nước lọt vào trong ống tai thì phải làm cho nước chảy hết ra bằng cách nghiêng đầu sang bên tai đó. Nếu vẫn còn nước chưa ra hết thì phải thấm hút bằng que bông gòn sạch.

- Hạn chế sử dụng tăm bông để làm sạch tai, bởi nếu thực hiện không đúng cách có thể đẩy chất bẩn từ tai ngoài vào sâu trong ống tai, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây nấm tai phát triển.

- Khi bị nhiễm nấm thì phải điều trị sớm và tuân thủ chỉ định của bác sĩ để tránh tái phát.

 

comment Bình luận