Vì sao đề tài nghiên cứu Quốc gia kit Việt Á lại rơi vào tay công ty tư nhân?

Kit xét nghiệm COVID-19 liên quan Công ty Việt Á là nhiệm vụ khoa học-công nghệ cấp Quốc gia với kinh phí từ Ngân sách Nhà nước lên tới gần 19 tỷ đồng.
10:46 | 27/12/2021

Thông tin chi tiết về đề tài được đăng tải trên cổng thông tin điện tử Bộ KH&CN. (Ảnh chụp màn hình).

“Nhiệm vụ cấp Quốc gia” được cấp ngân sách gần 19 tỷ đồng

Mới đây, Bộ Khoa học công nghệ (KH-CN) đã công bố trên cổng thông tin điện tử về bộ kit xét nghiệm COVID-19 liên quan đến Học viện Quân y phối hợp với Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).

Theo đó, đây là nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp Quốc gia có mã số ĐTĐL.CN.29/20, với tên gọi đầy đủ: “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng vi rút corona mới 2019 (2019-nCoV)” được thực hiện từ tháng 2/2020.

Nhiệm vụ này do Học viện Quân y chủ trì, có 17 thành viên tham gia. Trong đó, PGS-TS Hồ Anh Sơn (Học viện Quân y) làm chủ nhiệm nhiệm vụ cùng với 12 người khác là cán bộ thuộc Học viện Quân y là thành viên.

Còn lại 4 thành viên khác đều thuộc Công ty Việt Á, trong đó có Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á (người vừa bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam - PV).

Danh sách 17 thành viên, trong đó có Phan Quốc Việt - Công ty CP Công nghệ Việt Á.

Tổng kinh phí để thực hiện nhiệm vụ khoa học này là 18,98 tỷ đồng, được chi từ ngân sách sự nghiệp khoa học.

Thời gian thực hiện theo hợp đồng đã ký kết từ tháng 2/2020 – 7/2021. Thời gian thực tế thực hiện từ tháng 2/2020 – 10/2021 (sau khi được gia hạn).

Tự đánh giá đạt

Báo cáo của Học viện Quân y gửi Bộ KH&CN đánh giá công trình nghiên cứu này có tính mới về khoa học; 2 bộ sinh phẩm có hàm lượng khoa học cao và có tính ứng dụng thực tiễn.

Cả 2 đã được Bộ Y tế cấp đăng ký lưu hành bằng các quyết định ngày 4/3 và 4/12/2020; Viện Vệ sinh dịch tễ đã chứng nhận kiểm nghiệm ngày 18/8/2020; bộ trưởng Y tế đã cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do ngày 20/4/2020.

Ngoài ra, cũng theo Học viện Quân y, kit xét nghiệm RT-PCR của công trình nghiên cứu, ứng dụng này đã được Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE).

Về hiệu quả của công trình khoa học này, Học viện Quân y tự đánh giá đề tài được triển khai vào lúc dịch COVID-19 có nguy cơ tràn vào Việt Nam, có thể bùng phát phức tạp nhưng Việt Nam mới chỉ được WHO hỗ trợ 50 bộ kit xét nghiệm. Bộ sinh phẩm “Made in Vietnam” giúp chẩn đoán nhanh, chính xác khi đi vào ứng dụng đã sát với nhu cầu thực tiễn.

Vì sao đề tài Quốc gia lọt tay Công ty Việt Á “thổi giá”?

Liên quan vụ việc này một loạt câu hỏi được dư luận đặt ra là vì sao “nhiệm vụ quốc gia” sử dụng tiền ngân sách nhà nước lại trở thành sản phẩm ứng dụng chuyển giao cho doanh nghiệp tư nhân là Công ty Việt Á sau đó xảy ra việc “thổi giá”? Vì sao Công ty Việt Á đứng tên cùng với Học viện Quân y thực hiện “nhiệm vụ cấp quốc gia”?

Đối tượng Phan Quốc Việt - Tổng Giám đốc Công ty Việt Á (bìa trái, ảnh trên) và các đối tượng thuộc Công ty Việt Á. (Ảnh: Bộ Công an).

Trên tờ Vnexpress, PGS-TS Hồ Anh Sơn ( Học viện Quân y – chủ nhiệm đề tài) nói rằng: Thông thường, nhiệm vụ khoa học sẽ được tách làm 2 giai đoạn. Giai đoạn nghiên cứu ở quy mô phòng thí nghiệm, sau khi nghiệm thu sẽ triển khai sản xuất thử nghiệm. Giai đoạn 1, các nhà khoa học đảm nhiệm chế tạo sản xuất quy mô ở phòng thí nghiệm. Giai đoạn 2 do doanh nghiệp chủ trì.

“Công ty Việt Á tham gia cùng nhóm từ những ngày đầu nghiên cứu là bởi tính cấp bách. Hai giai đoạn được tích hợp làm một. Việc chuyển giao gần như đồng thời giữa nhóm nghiên cứu và đơn vị sản xuất để cùng nhau thẩm định kết quả, kịp cho việc sản xuất kit phục vụ phòng chống dịch. Bởi chuyển giao từ quy mô phòng thí nghiệm sang sản xuất mở rộng cần được nghiên cứu, tối ưu tiếp tại cơ sở sản xuất.

Đây cũng là đơn vị được Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ đề xuất lựa chọn là đối tác nghiên cứu phát triển sản phẩm. Tại thời điểm đó, Công ty Việt Á là đơn vị có năng lực sản xuất test kit. Họ đã có một số bộ test kit được Bộ Y tế cấp phép sử dụng trước đó. Cơ sở sản xuất của họ đạt chứng chỉ ISO 13485/2016”, ông Sơn nói về lý do Việt Á được chọn lựa tham gia vào nhiệm vụ này.

Đồng thời, ông Sơn  cho rằng các nhà khoa học của Học viện Quân y đã làm đúng chức năng nhiệm vụ và nghiên cứu thành công. Học viện Quân y không có chức năng sản xuất cũng như phân phối thương mại sản phẩm.

PGS. TS Hồ Anh Sơn, Học viện Quân y - Chủ nhiệm nhiệm vụ, trả lời tờ VnExpress.

Trong khi đó, theo Bộ Y tế, việc cấp phép lưu hành sinh phẩm xét nghiệm cho Công ty Việt Á là căn cứ vào kết quả “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng vi rút Corona mới 2019 (2019-nCoV)” do Bộ KH-CN phê duyệt, được thực hiện giữa Học viện Quân y và Công ty Việt Á.

Từ các thông tin do Bộ KH-CN và Bộ Y tế cung cấp, dư luận đang tiếp tục đặt câu hỏi vì sao “nhiệm vụ quốc gia” sử dụng tiền ngân sách nhà nước lại trở thành sản phẩm ứng dụng chuyển giao cho doanh nghiệp tư nhân, tạo tiền đề cho Công ty Việt Á “thổi giá”, thu tiền?

 

Những nơi nào đang sử dụng kit xét nghiệm của Việt Á?

Theo báo cáo, bộ sinh phẩm và các quy trình của công trình đã giúp cho việc chẩn đoán nhanh, chính xác và kịp thời đối với các trường hợp nhiễm/nghi nhiễm SARS-CoV-2 và theo dõi điều trị bệnh nhân, giúp cho các biện pháp can thiệp y tế công cộng để kiểm soát dịch tại Việt Nam.

Các kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là cơ sở cho các nghiên cứu về sau như các dữ liệu đặc điểm di truyền phân tử, sự tiến hóa của chủng SARS-CoV-2 phục vụ cho các nghiên cứu về chế tạo vắc xin dự phòng và thuốc kháng virus đối với chủng SARS-CoV-2.

Bản báo cáo cho biết hiện nay, bộ sinh phẩm và các quy trình chẩn đoán dựa trên kĩ thuật real-time RT- PCR đã chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất trên 3.000.000 test để xét nghiệm sàng lọc phát hiện SARS-CoV-2 trên 163 trung tâm, bệnh viện lớn trong cả nước như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Dương, TPHCM… Hơn 20 quốc gia đã đàm phán mua bộ sinh phẩm và đã xuất khẩu trên 500.000 test.

 

comment Bình luận