“Trắng bật tone – trẻ hóa cô bé”: Mỹ phẩm UME có đang lừa dối người tiêu dùng?

Sử dụng hình ảnh những người nổi tiếng, gắn mác mỹ phẩm thiên nhiên, sản phẩm mang thương hiệu UME đang tràn ngập trên mạng xã hội với lời quảng cáo như thuốc: “Trị nám tận gốc, trẻ hóa vùng kín, trắng bật tone sau ba ngày” nhưng chất lượng chưa được kiểm định và công bố rõ ràng, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.
17:20 | 13/05/2025

Thời gian qua, thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang phát triển rất mạnh với nhiều thương hiệu có tiếng, nhưng đồng thời cũng xuất hiện nhiều thương hiệu hoạt động không minh bạch, quảng cáo vượt quá giới hạn cho phép. Một trong những cái tên đang gây chú ý là thương hiệu UME, với hàng loạt sản phẩm được quảng cáo có tác dụng trị liệu, cải thiện đặc tính sinh lý cơ thể – điều mà luật pháp hiện hành không cho phép đối với mỹ phẩm.

ume 1

Sản phẩm quảng cáo

Các sản phẩm mỹ phẩm mang thương hiệu UME do Công ty TNHH NT Beauty phân phối đang được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội với các cụm từ như “trị nám tận gốc”, “trẻ hóa vùng kín”, “trắng bật tone”... mang lại hiệu quả vượt trội, kèm với hình ảnh người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL). Những nội dung này ngay lập tức đã thu hút người tiêu dùng.

Điều đáng lưu ý là các quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm của UME không chỉ sử dụng các cụm từ mang tính chất điều trị như: Trị viêm ngứa, ngăn ngừa nhiễm khuẩn, trẻ hóa vùng kín, mà còn khẳng định hiệu quả tức thì như: trắng bật tone sau 3 ngày, cấp trắng tế bào... để lại nhiều dấu hỏi về tính pháp lý, độ an toàn và trách nhiệm trong hoạt động quảng bá. Đây là dấu hiệu của hành vi vi phạm quy định tại Thông tư 06/2011/TTBYT và Luật Quảng cáo năm 2012, gây hiểu nhầm nghiêm trọng cho người tiêu dùng về bản chất của mỹ phẩm – vốn không phải là thuốc điều trị.

ume 2

"Thảo dược thiên nhiên quảng cáo trên mạng"

Theo ghi nhận của phóng viên, một số sản phẩm cụ thể của thương hiệu UME có nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm bao gồm: Dung dịch vệ sinh Tía Tô UME được quảng cáo trẻ hóa vùng kín, ngăn ngừa nhiễm khuẩn tới 99%; Kem body trắng da UME: quảng cáo ủ trắng bật tone sau 3 ngày, cấp trắng tế bào; Combo chăm sóc vùng kín 3 bước: quảng cáo dưỡng trắng cô bé, trị viêm ngứa nhẹ vùng kín... Các nội dung này đều mang tính chất điều trị hoặc cải thiện đặc điểm sinh lý cơ thể – vượt quá phạm vi cho phép của mỹ phẩm theo Thông tư 06/2011/TTBYT.

Một yếu tố đáng quan ngại khác là phần lớn các sản phẩm mỹ phẩm UME đều không công khai phiếu công bố mỹ phẩm, kết quả kiểm nghiệm an toàn hoặc bằng chứng khoa học chứng minh cho hiệu quả được quảng cáo. Việc tiếp thị sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc da, vệ sinh phụ nữ nhưng lại thiếu minh bạch pháp lý như vậy có thể gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và xâm hại quyền lợi người tiêu dùng.

ume 3

BOX: Theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 128/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/02/2023), hành vi quảng cáo mỹ phẩm sai bản chất, gây nhầm lẫn thành thuốc hoặc cam kết sai sự thật có thể bị xử phạt đến 40 triệu đồng, đồng thời buộc gỡ bỏ, cải chính thông tin. Mức phạt này áp dụng cho cả cá nhân, pháp nhân có hành vi vi phạm.

Bên cạnh nội dung quảng cáo nêu trên, qua xác minh, tìm hiểu thực tế cho thấy địa chỉ đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH NT Beauty – đơn vị chịu trách nhiệm phân phối thương hiệu UME – không tồn tại văn phòng hay bất kỳ hoạt động thực tế nào tại đây (?).

Ngoài ra, UME còn tận dụng hình ảnh người nổi tiếng để tăng độ lan tỏa quảng bá, trong đó nổi bật là các video, hình ảnh gắn liền với người mẫu “Ngọc Trinh”. Tuy nhiên, việc sử dụng hình ảnh KOL trong quảng cáo mỹ phẩm có nội dung tác động đến sức khỏe người tiêu dùng mà không đăng ký nội dung với cơ quan có thẩm quyền cũng là hành vi vi phạm theo Điều 20 Luật Quảng cáo. Trách nhiệm pháp lý trong trường hợp này không chỉ thuộc về doanh nghiệp mà còn có thể truy cứu đối với cá nhân tham gia quảng cáo. Ngoài ra, còn có phần trách nhiệm của cơ quan quản lý như Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), Sở Y tế địa phương và lực lượng Quản lý thị trường trong việc tăng cường kiểm tra nội dung quảng cáo, xử phạt hành vi vi phạm, thu hồi sản phẩm.

Có thể thấy, việc một thương hiệu mỹ phẩm quảng cáo vượt giới hạn, thiếu kiểm soát pháp lý và khai thác hình ảnh KOL để tăng độ phủ truyền thông cần được nhìn nhận như một nguy cơ thực sự đối với thị trường và sức khỏe cộng đồng. Người tiêu dùng không chỉ cần được bảo vệ bằng hành lang pháp lý, mà còn cần được trang bị kỹ năng nhận diện thông tin sai lệch trong quảng cáo mỹ phẩm.

ume 4

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trong các kỳ tiếp theo để đưa thông tin đến bạn đọc hiểu rõ hơn nguồn gốc sản phẩm, hệ thống phân phối, vai trò của các nền tảng thương mại điện tử trong việc kiểm duyệt nội dung quảng cáo, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có hệ thống, vì một môi trường tiêu dùng lành mạnh, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

comment Bình luận